(Tổ Quốc) - Nói đây là ngành học của tương lai cũng không có gì sai. Vừa có cơ hội việc làm dồi dào, lương bổng tốt, nhân sự lúc nào cũng năng động, hiện đại. Bao nhiêu ưu điểm đều tập trung vào ngành học mới và hot này.
Nói tới truyền thông, bạn nghĩ về điều gì? Truyền thông trước đây chỉ đơn giản là những bài viết, những mẫu quảng cáo đơn giản được đăng trên các tờ báo giấy hay truyền hình. Ngày nay, thông điệp truyền thông được truyền tải ngày càng tinh tế, hiện đại và đa dạng hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin thông qua các phương tiện như: văn bản, âm thanh, hình ảnh, video, tương tác….
Nhưng khái niệm được nhắc đến ở trên đều có thể được tóm gọn lại trong một ngành học siêu hot: Truyền thông đa phương tiện. Đây là ngành được tích hợp kiến thức giữa báo chí truyền thông và công nghệ thông tin; nhằm mục đích thiết kế, sáng tạo và xây nên các sản phẩm mang tính ứng dụng đa phương tiện trong lĩnh vực truyền thông như: báo chí, quảng cáo, sản xuất phim, trò chơi, truyện...
Công nghệ phát triển, truyền thông lên ngôi. Đây là xu thế tất yếu. Sự phát triển của công nghệ đã kéo lĩnh vực báo chí, truyền thông đổi mới không ngừng theo xu hướng truyền tải thông tin ngày càng trở nên tinh tế, sinh động…Truyền thông đa phương tiện đang trở thành "mảnh đất hứa" cho những người sáng tạo.
Truyền thông đa phương tiện: Chọn một ngành, học nhiều "nghề"
Ngành Truyền thông đa phương tiện trang bị những kiến thức cơ bản về công nghệ đa phương tiện, về kỹ thuật chuyên môn và cảm quan sáng tạo tác phẩm ấn tượng. Khả năng lập kế hoạch, lên khung ý tưởng cho các chiến dịch truyền thông và quảng cáo, thiết kế ra những sản phẩm mang tính ứng dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Học ngành Truyền thông đa phương tiện sinh viên sẽ được biết về viết kịch bản phim, thiết kế đồ họa, xử lý biên tập âm thanh, chỉnh sửa hình ảnh, vận dụng kỹ thuật 3D, 2D để thiết kế ấn phẩm truyền thông, quảng cáo.
Chuyên ngành Truyền thông báo chí đa phương tiện: sinh viên sẽ được học thiên về nội dung báo chí để tương lai có thể làm việc tại bất kỳ cơ quan báo chí nào như: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử.
Chuyên ngành Truyền thông theo hướng thiết kế multimedia: sinh viên được đào tạo thiên về khả năng thiết kế để có khả năng sử dụng các phần mềm chuyên dụng Illustrator, Photoshop, InDesign… và các phần mềm thiết kế, dựng phim khác.
Mức lương khởi điểm đáng mơ ước
Truyền thông - quảng cáo đã và đang trở thành một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại và ngành truyền thông đa phương tiện cũng vì thế mà được đánh giá là một trong những nghề "hot". Không chỉ các công ty truyền thông, quảng cáo, tòa soạn, đài truyền hình mà rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đều sẵn sàng đưa ra mức lương cao để chiêu mộ những chuyên gia truyền thông giỏi.
Hiện nay, mức lương trung bình của ngành Multimedia luôn nằm trong top đầu các vị trí có thu nhập hấp dẫn. Mức lương trung bình 300 - 1.000 USD. tùy vào năng lực, kinh nghiệm và vị trí công tác của mỗi người.
Cụ thể:
Mức lương cho sinh viên mới ra trường vào khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng.
Mức lương cho những bạn có kinh nghiệm từ 1-2 năm vào khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Với những cá nhân giàu kinh nghiệm, thâm niên trong nghề từ 3 năm trở lên, cũng như có năng khiếu đặc biệt về thẩm mỹ, kỹ năng mức lương có bạn có thể từ 15 - 20 triệu/tháng, hay là 1.200 USD hoặc thậm chí hơn đối với người có năng lực.
Học ngành Truyền thông đa phương tiện ra trường làm gì?
Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, từ năm 2015 – 2025, mỗi năm sẽ cần đến 21.600 người trong nhóm ngành Truyền thông – Quảng cáo.
Ngoài ra, một kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên cho thấy: Hơn 91% sinh viên học các ngành liên quan đến truyền thông đa phương tiện tìm được việc làm phù hợp trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp. Khoảng 61% sinh viên làm việc cho các công ty tư nhân, khoảng 15% sinh viên làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài. Đặc biệt có 22 sinh viên trong tổng số 311 sinh viên có khả năng tự tạo việc làm.
Do nhu cầu ngành này rất lớn, nên hầu hết các bạn sinh viên đều có thể việc học, vừa nhận các công việc freelancer (làm tự do) để trau dồi thêm kinh nghiệm và tăng thêm thu nhập. Sau khi tốt nghiệp, khả năng bạn tìm được công việc lương phù hợp khá cao.
Sinh viên học ngành Truyền thông đa phương tiện có thể làm việc ở rất nhiều các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, giải trí, quảng cáo, giáo dục, kinh doanh, với các công việc như:
Biên tập viên báo chí/ đài truyền hình
Phóng viên
Quản trị truyền thông trực tuyến
Chuyên viên sản xuất Video
Chuyên viên quản trị mạng xã hội (Admin)
Chuyên viên đối ngoại và quan hệ công chúng (PR)
Chuyên viên Marketing trực tuyến/ quảng cáo
Chuyên viên Tổ chức sự kiện
Giám đốc Sản xuất, Giám đốc Sáng tạo, Đạo diễn
Ngành truyền thông đa phương tiện học trường nào?
Là một trong những ngành "hút" sinh viên với lượng lớn, việc đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện cũng đa dạng dựa trên nhu cầu thực tế từ những khóa học ngắn hạn, trung cấp, cao đẳng, đại học, thậm chí cao hơn nữa.
Phương thức tuyển sinh ngành truyền thông đa phương tiện cũng đa dạng theo từng trường. Vì vậy, tùy vào điều kiện khác nhau mà các bạn trẻ sẽ lựa chọn học ngành Truyền thông đa phương tiện ở bất cứ nơi nào phù hợp.
Học viện báo chí và tuyên truyền
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM
Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông
Đại học FPT
Đại học Hà Nội
Đại học Công nghệ TP.HCM
Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Đại học Duy Tân
Đại học HUTECH
Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II
Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Hữu nghị Việt – Hàn
...
Ngành Truyền thông đa phương tiện mở ra nhiều cơ hội mới cho những bạn trẻ yêu thích và đam mê sáng tạo, nghệ thuật. Được bồi dưỡng kỹ năng chuyên nghiệp cũng như cơ hội việc làm rộng mở.
Bạn đam mê các hoạt động truyền thông - quảng cáo thì Ngành truyền thông đa phương tiện là sự lựa chọn phù hợp. Hãy theo đuổi đam mê của mình, bạn sẽ thấy công việc trở nên nhẹ nhàng và không phải cảm thấy quá nhiều áp lực.
Hiểu Đan