(Tổ Quốc) - Nghiêm túc đến mấy mà vào tay học sinh tiểu học thì nhiều bài tập tiếng Việt cũng trở thành truyện... tiếu lâm.
Khi stress bạn thường làm gì? Xem phim hài, nghe nhạc, đọc sách, coi Mr Bean? Có một cách giải trí khác đảm bảo muộn phiền nào cũng tan trong giây lát, đó là đọc bài làm của học sinh tiểu học. Bạn còn nhớ những câu văn có một không hai này chứ: "Người ta đầu bóng vì vuốt keo còn bố em đây đầu bóng vì lâu ngày chưa gội"; "Hằng ngày bố chỉ kiếm tiền rồi nằm ườn ra... em còn phải đút xoài cho bố"…
Mới đây, cư dân mạng lại có dịp thưởng thức một bài làm của học sinh tiểu học do cô giáo chia sẻ. Đọc lời bình "Pha đặt câu đi vào lòng đất" của giáo viên cũng đủ hiểu sức "tấu hài" của cô cậu này đúng là không phải dạng vừa.
Theo đó, khi được yêu cầu đặt câu với mỗi từ sau, trong đó có từ "dịu dàng", trong khi các bạn cùng lớp đặt câu rất... khuôn mẫu là: Cô giáo em rất dịu dàng thì một "thanh niên" bỗng có màn đi ngược đám đông vô cùng bá đạo. Học sinh này đặt câu: Quả đào.... dịu dàng.
Không biết ở nhà có mê ăn đào không hay có kỷ niệm nào liên quan tới quả đào mà trong lúc làm bài kiểm tra cô cậu này lại tức cảnh sinh tình như vậy. Đi dạy mà gặp những pha làm bài "thần thánh" thế kia thì cô giáo không cần xem phim hài cũng đủ xả stress.
Với học sinh tiểu học, việc điền từ đúng vào các chỗ trống trong câu đôi khi là một thử thách khó khăn khiến con phải vận dụng hết khả năng sáng tạo của mình. Những sai sót trong bài tập tiếng Việt rất phổ biến ở lứa tuổi này vì các em có vốn từ vựng ít, lại toàn học trước quên sau nên cứ dạy vài hôm lại quên hết kiến thức, thậm chí còn nói một đằng suy diễn một nẻo. Nếu thấy con làm sai, bố mẹ không nên quát mắng con mà nên giảng giải nhẹ nhàng cho con hiểu. Đừng vội vã chê bai, trêu chọc khiến con nản chí và thui chột niềm yêu thích học tập nhé.
Hiểu Đan