(Tổ Quốc) - Thấy con trả treo, người bố mới dùng chiêu cuối, lôi giáo viên ra để dọa dẫm ai ngờ nhận về câu trả lời chỉ muốn câm nín.
Trẻ nhỏ ngây ngô, đáng yêu thật đấy, nhưng khi cần lầy lội thì cũng bá đạo không kém người lớn, nhất là những lúc làm biếng học hành, làm bài tập, cần có lý do để bào chữa. Có những màn trả treo vô cùng hài hước và khó đỡ khiến người lớn dù “giận tím mặt” nhưng vẫn phải bỏ qua vì không tìm ra lý lẽ nào để cãi cho lại.
Cô bé ở Thiểm Tây (Trung Quốc) dưới đây cũng vậy. Đang xem hoạt hình thì bị bố nhắc nhở làm bài tập, thay vì ngoan ngoãn ngồi vào bàn hoàn thành cho xong nhiệm vụ, cô bé chẳng những không quan tâm mà còn phàn nàn với bố rằng bài tập quá nhiều. "Thiếu nữ lý lẽ" này còn khẳng định cho dù làm cũng không xong, nên em dứt khoát không muốn làm.
Thấy con trả treo, người bố mới dùng chiêu cuối, lôi giáo viên ra để dọa dẫm, kiểu con sẽ làm sao nếu đi học giáo viên hỏi mà chưa xong bài tập. Nhưng vì đang trong cơn "say"... hoạt hình nên cô con gái bất chấp, bỏ qua cả nỗi sợ: "Cô giáo cứ tát con 2 cái là được", cô bé trả lời khiến dân tình cười đau ruột, ông bố thì tất nhiên là vô cùng choáng váng.
Không biết sau đó ông bố xử lý đứa con trả treo thế nào nhưng chắc hẳn cô bé không thể cứ ngồi yên mà xem hoạt hình mãi được. Nhiều người nói đùa, cho dù giáo viên tát 2 cái thì sau đó vẫn phải làm bài tập, vậy nên tốt hơn là tự giác ngay từ đầu.
Làm sao để cho con tự học ở nhà hiệu quả?
Không phải đứa trẻ nào cũng hứng thú với bài tập về nhà. Tuyệt chiêu của các bà mẹ là rèn luyện tính tự học cho con ngay từ bé để con có tinh thần tự giác. Nhưng làm sao để cho con tự học ở nhà hiệu quả đây?
1. Đừng ép con phải học
Nhiều ba mẹ có tâm lý "con học càng nhiều thì sẽ càng giỏi", trên thực tế cho thấy, chất lượng thời gian học đem lại hiệu quả cao hơn số lượng thời gian phải ngồi học. Bên cạnh đó, con còn phải học hỏi nhiều điều hay ho ở bên ngoài chiếc ghế nhà trường. Việc thúc ép con vô tình khiến con cảm thấy sợ hãi, thậm chí có cảm giác bị tra tấn mỗi khi phải làm bài tập về nhà.
2. Giúp con lên thời gian biểu cụ thể
Trẻ mau quên và hay xao nhãng, mẹ hay giúp con lên một lịch trình cụ thể cho việc học mỗi ngày và trong suốt tuần. Theo đó, con sẽ có bao nhiêu giờ học bài, học môn gì, bao nhiêu giờ đi chơi, thư giãn, dành cho gia đình,… Đây cũng là một cách giúp bé làm quen với việc quản lý thời gian và việc học của mình một cách hiệu quả.
3. Tạo động lực khích lệ
Bằng những câu hỏi han ân cần về những môn con đã học ở trường hôm nay, quan tâm xem thời khóa biểu của con có gì. Giúp con kiểm tra lại bài đã làm ở trường, cho con thời hạn làm bài và đừng quên, sau mỗi lần kiểm tra bài hãy cho con một lời khen ngợi cho tinh thần "làm việc" hăng say này.
4. Để con tránh xa những thứ gây phiền hà
Làm sao trẻ có thể hoàn thành bài tập tốt khi mà TV đang kêu ra rả bên cạnh? Làm sao trẻ có thể tập trung cho một phép toán khi điện thoại cứ réo liên tục? Bố mẹ hãy chắc chắn rằng con sẽ được xem TV sau khi hoàn thành bài tập và TV nên để ở xa chỗ con học bài. Các thiết bị công nghệ khác như điện thoại, Ipad, máy vi tính,… cũng được đảm bảo tránh xa khu vực học tập của con trong lúc này.
Hiểu Đan