(Tổ Quốc) - Người mẹ lại càng lo sợ, nửa đêm thường gặp ác mộng, mơ thấy con đi lạc không tìm thấy ...
Một người cha mới đây đã kể lại trải nghiệm mất con trong... 40 phút đầy ám ảnh của mình. Anh cho rằng, đây là 40 phút dài nhất trong cuộc đời, không bao giờ muốn lặp lại một lần nào nữa.
Người cha nhận được điện thoại của vợ khi anh đang đi công tác, giọng nói run rẩy, đầy tuyệt vọng: Con gái mất tích rồi! Mặt ông bố tái đi và mạch máu như sôi lên sùng sục. Theo người mẹ, đứa trẻ cùng bà nội ra sân vận động, nhưng bà mải trò chuyện nên con đi đâu mất, quay mặt lại đã không thấy. Sau 40 phút tìm kiếm, những tưởng con đã bị bắt cóc thì đứa trẻ đột ngột xuất hiện.
Thì ra sau khi bọn trẻ cùng nhau chơi đủ trò mới nhận ra mình đã đến một con phố xa lạ. May mắn thay, cô bé được bố hướng dẫn các quy tắc về an toàn cũng như cách xác định các điểm mốc rõ ràng gần nhà và phân biệt hướng đi của các con phố. Dựa vào kiến thức này, cô gái nhỏ đã mò mẫm theo bảng chỉ dẫn, từ đó về được đến nhà. Mặc dù chỉ là "báo động giả" nhưng sự bình tĩnh của cô gái nhỏ khiến ai nấy phải xuýt xoa.
Người bố sau đó được một phen hú hồn: "Đầu óc tôi lúc đó rối tung lên, trống rỗng một lúc rồi bắt đầu tưởng tượng ra những cảnh kinh dị". Một tháng sau khi sự việc xảy ra, anh không dám đi đâu, hàng ngày chỉ ở nhà đợi đón con. Người mẹ lại càng lo sợ, nửa đêm thường gặp ác mộng, mơ thấy con đi lạc không tìm thấy...
Mặc dù đứa bé chỉ bị mất tích trong 40 phút, nhưng sự bất lực và tuyệt vọng của cha mẹ có thể cảm nhận được. May mắn thay, người cha đã lo xa và luôn chú ý giáo dục an toàn khi đứa trẻ còn nhỏ, và may mắn hơn nữa là đứa trẻ không quên điều đó! Thực sự không dám nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu cô bé không có kiến thức về an toàn, nhưng thực tế đã có bao nhiêu bậc cha mẹ giáo dục an toàn cho con em mình?
Những lầm tưởng của phụ huynh về dạy con an toàn
Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi rất tò mò, ham khám phá, nhưng do thiếu kiến thức an toàn và khả năng tự chủ yếu kém nên các em không thể phán đoán đúng về nguy hiểm, lại càng không thể lường trước được hậu quả từ hành động của mình. Ngay trước 6 tuổi là giai đoạn quan trọng để hình thành thế giới quan của trẻ, nếu không có sự hướng dẫn đúng đắn thì nhận thức về an toàn sẽ khó đi vào tiềm thức của trẻ.
Hầu hết các bậc cha mẹ của chúng ta ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập và phát triển thể chất cho con nhưng việc giáo dục an toàn lại bị bỏ quên. Bên cạnh đó, cách tiếp cận "giáo dục an toàn" của nhiều phụ huynh có thể chưa đúng.
Dạy con không nói chuyện với người lạ
Có lẽ điều chúng ta nói nhiều nhất về giáo dục an toàn là: không nói chuyện với người lạ! Nếu bị lạc, chỉ cần đợi tại chỗ! Nếu con không cư xử tốt, chú cảnh sát sẽ bắt bạn đi. Nhưng thay vì dùng để giáo dục an toàn, những lời này có thể làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Đừng dạy con không nói chuyện với người lạ. Đó là lời khuyên của Trung tâm Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em bị mất tích và bị lạm dụng của Mỹ (NCMEC). Theo đó, NCMEC khuyên phụ huynh không dùng cụm từ “người lạ nguy hiểm” – khái niệm đã được sử dụng nhiều thập kỉ qua để dạy trẻ em tránh xa người lạ.
Theo ông, NCMEC muốn kết thúc việc dùng “người lạ nguy hiểm” vì ba lý do. Thứ nhất, thực tế cho thấy trường hợp trẻ bị người mà trẻ quen biết làm hại lớn hơn nhiều so với trường hợp trẻ bị người lạ làm hại. Thứ hai, nhiều trẻ không thực sự hiểu khái niệm “người lạ”. Thứ ba, có những tình huống trẻ cần đến sự giúp đỡ của người lạ như đi lạc đường hoặc khi bị bắt cóc.
Hãy chờ đợi ở một địa điểm khi con đi lạc
"Địa điểm" của một đứa trẻ có thực sự cùng nghĩa với những gì chúng ta gọi là "địa điểm" không? Cũng giống như bé gái trên, dù chỉ mới đi lạc được 40 phút nhưng em đã ở một con đường xa lạ, chỉ cần "chờ đợi" thì có thể rất lâu mới trở về nhà, hoặc tình thế có thể thay đổi khi đang trong quá trình chờ đợi.
Ở những nơi đông người, lúc này có thể trẻ đã đi nơi khác, thụ động chờ đợi có thực sự là cách tốt nhất?
Nếu con không ngoan, chú cảnh sát sẽ bắt con đi
Bạn có thường xuyên bắt gặp cảnh phụ huynh lôi con trẻ chạy xung quanh và la lớn: "Nếu con chạy lung tung nữa thì để công an bắt con đi". Mặc dù có ý tốt để cảnh báo trẻ không được chạy lung tung, nhưng việc nói ra điều này sẽ chỉ khiến trẻ sợ hãi không nhìn thấy cảnh sát mà quên mất rằng "cảnh sát" là người nên tìm kiếm sự giúp đỡ nhất khi gặp nguy hiểm và sợ hãi.
Cũng như vậy, đừng nói với trẻ: "Con ăn không ngon thì để bác sĩ tiêm cho". Trẻ cần biết bác sĩ là người có thể giúp mình khi ốm, đau. Theo quan điểm hiện nay, việc giáo dục đe dọa có thể ngay lập tức nhưng rất dễ khiến trẻ không ổn định về mặt cảm xúc, thậm chí để lại bóng đen tâm lý.
Làm thế nào để thực hiện giáo dục an toàn cho trẻ em trước 6 tuổi?
Cha mẹ là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc giáo dục an toàn cho trẻ. Không quá sớm để bắt đầu giáo dục an toàn, càng bắt đầu sớm càng dễ đi vào tiềm thức và phát huy hiệu quả.
Đầu tiên, dùng sách ảnh và bài hát
Trẻ ở giai đoạn này không thích hợp với những phương pháp có yêu cầu cao và khả năng hoạt động mạnh do còn nhỏ và khả năng lĩnh hội còn hạn chế. Lúc này, cha mẹ có thể kết hợp sách tranh, truyện, bài hát thiếu nhi để kể kiến thức an toàn.
Thứ hai, trau dồi ý thức định hướng và khả năng tự lực của trẻ
Ngay từ khi trẻ khoảng 3 tuổi, cha mẹ có thể để trẻ cố gắng tự về nhà ở cách nhà 300m mỗi lần đi chơi, hoặc nói cho trẻ biết địa điểm cụ thể mỗi khi ra ngoài, chẳng hạn như "Nhà của chúng ta ở trên mặt đất, trạm tiếp theo là..., và trạm dừng tiếp theo là đường..., nơi chúng ta phải chuyển sang đường...". Tốt nhất bạn nên dặn trẻ mỗi khi ra ngoài gặp cảnh sát mặc sắc phục và nhân viên trung tâm thương mại: Nếu không tìm được bố mẹ thì đừng khóc to mà hãy nhờ những người này giúp đỡ.
Cuối cùng, đặt mật khẩu gia đình
Nói với trẻ rằng trong những trường hợp đặc biệt, chỉ người có thể tin cậy mới được nói mã này. Tất nhiên mật khẩu này không cần quá phức tạp, tốt nhất trẻ nên nhớ.
Hiểu Đan