(Tổ Quốc) - Có nhiều thứ người ngoài chẳng thể tin được là nó xuất hiện ở Ngoại thương, nhưng chính những nét đặc sắc ấy tạo nên một môi trường Đại học tuyệt vời bậc nhất Việt Nam.
Qua kỳ thi THPT Quốc gia 2021, nhiều thí sinh đã nắm trong tay số điểm tương đối cao để tự tin nộp hồ sơ vào những ngôi trường top đầu. Một trong những lựa chọn được đông đảo các thí sinh tin tưởng là Đại học Ngoại thương (FTU).
Từ trước tới nay, FTU vẫn được biết đến là một trong các cơ sở top đầu cả nước đào tạo về kinh tế mảng xuất nhập khẩu và các chuyên ngành liên quan như Kinh doanh Quốc tế, Luật Thương mại Quốc tế, Ngôn ngữ Thương mại...
Bên cạnh đó, ngôi trường thú vị này còn được gắn cho nhiều danh xưng như "Harvard Chùa Láng" (cơ sở 1 của trường nằm ở số 91 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội), "Lò đào tạo Hoa hậu", "những đứa trẻ mơ lương ngàn đô"...
Ngoài chất lượng giảng dạy, chắc hẳn phải có một sức hút nào đó mà điểm chuẩn của Đại học Ngoại thương luôn nằm ở bậc nhất trong tất thảy các trường Đại học tại Việt Nam. Thôi thì người ngoài khó thấy hết các đặc điểm thú vị, hãy lắng nghe trải lòng từ chính sinh viên Ngoại thương để thêm hiểu về ngôi trường này. Hi vọng qua đó, các sĩ tử 2k3 có thể được tiếp thêm lý do nộp nguyện vọng vào đây.
> Nếu nói về kỷ niệm mà mỗi FTU-er sẽ không thể quên thì đó là khóa học quân sự 1 tháng trên Xuân Hoà. Đó là thời gian các bạn sinh hoạt cùng nhau, tạo ra biết bao câu chuyện tình bạn, tình yêu. Nơi mà sinh viên gắn bó với bầu trời xanh Xuân Hoà, với những hàng cây xao xuyến, với bức tường xanh, với một cậu bạn "crush" mang đầy nỗi vấn vương.
> Văn hóa "ngồi bệt": Đó là văn hoá sinh viên ngồi bệt, xếp thành vòng tròn ở dọc các hành lang của các tòa nhà. Có vô số mục đích cho việc này: họp câu lạc bộ, họp nhóm làm bài tập, hoặc đơn giản chỉ là bạn bè tụ tập nói vài ba câu chuyện phiếm sau buổi học, buổi thi. Cứ bảo sinh viên Ngoại thương sang chảnh phải đi hàng quán nhưng lầm rồi, chúng tôi ngồi bệt ở hành lang đến tối muộn cũng được.
> Lại nói chuyện câu lạc bộ: Xứ sở 91 Chùa Láng có gần 40 câu lạc bộ đa sắc màu chính là một trong những điểm cộng thu hút bất cứ sinh viên nào. Mà vào trường chưa chắc đã được tham gia CLB bởi các bạn còn phải trải qua nhiều vòng thử thách. Mỗi CLB có một tiêu chí khác nhau song điểm chung là "không tuyển người giỏi nhất, chỉ tuyển người phù hợp".
> Với những ai không tham gia CLB, vẫn còn rất nhiều cánh cửa mở ra trong hoạt động ngoại khoá. Ví dụ loạt chương trình hấp dẫn cần cộng tác viên, các sự kiện của khoa, đoàn trường, cuộc thi chuyên môn, nghiên cứu khoa học...
> Sinh viên Ngoại thương năng động còn được thể hiện ở chuyện đi làm thêm từ sớm, cố gắng thử sức thật nhiều lĩnh vực để tìm đúng đam mê bản thân. Dù ngành học của bạn chọn không phù hợp với đam mê thì sinh viên vẫn tự tin khi ra trường có một nghề nhất định để theo đuổi.
> Trường không có ngành Marketing nhưng sinh viên ra trường rất nhiều người chọn theo đuổi Marketing truyền thông, quảng cáo sáng tạo... Nói chung khi đã có ngoại ngữ tốt và tư duy mọi thứ logic thì dù công việc có trái ngành tới đâu cũng vẫn hoàn toàn chinh phục được.
> Linh vật của Ngoại thương là bia đá, sinh viên trước mỗi kỳ thi đều share ảnh bia đá lên mạng với hi vọng được điểm cao hay chỉ cần qua các môn vấn đáp khó nhằn. Ngoài ra, sinh viên Ngoại thương còn cực kỳ "tâm linh" khi trước kỳ thi sẽ đến chùa Láng ở trên cùng con phố, thậm chí ai muốn cầu xin tình duyên thì đến chùa Hà cách trường khoảng 4-5 cây số.
> Chùa Láng cũng được mệnh danh là con đường ẩm thực, shopping. Dọc cả con phố dài chừng 1 cây số gi gỉ gì gi, cái gì cũng có. Shop phụ kiện, thời trang, túi xách... cho tới các cửa hàng ăn vặt, ăn mặn, trà sữa, quán cafe... Thậm chí giá cả ở khu này cũng cực rẻ, phù hợp với sinh viên.
> Sân trường Đại học khác thì thơ mộng lá rơi mùa thu ngập lối nhưng sân trường Ngoại thương thì toàn ô tô xịn xếp hàng hàng lớp lớp. Đặc biệt, một tỷ lệ không nhỏ trong số đó là xe của sinh viên. Thảo nào dân tình hay nói dân Ngoại thương giàu nứt đố đổ vách!
> Ở Ngoại thương, chúng ta ít khi bắt gặp các khoảnh khắc sống chậm bởi dường như từ sinh viên cho tới giảng viên ai nấy đều vội vã. Có lẽ không ngoa khi so sánh hình ảnh ấy với những bước chân vội vã "ngàn đô". Ai cũng luôn cố gắng hết sức để đạt thật nhiều thành tựu trong cuộc sống. Một anh chàng có thể vừa hoàn thành xong các ca học ở trường liền vội vã đi làm MC, người mẫu tại một sự kiện. Một cô gái đang hớt hải đi lại có thể vì cô là một KOL đình đám và đang "chạy show".
> Bởi vậy, ở Ngoại thương, kể cả bạn có lười cũng thật khó vì hễ cứ nhìn mọi người cố gắng là chính bản thân lại thấy bồn chồn. Thành ra ai cũng đều gấp gáp, ai cũng đều hướng về phía trước. Chẳng cần phải đốc thúc, họ tự hiểu rằng cuộc sống này vận hành khắc nghiệt, chỉ cần bạn dừng lại, tức là bạn đã thua kém biết bao người.
> "Lò đào tạo hoa hậu" ư, cũng chẳng sai vì Ngoại thương là ngôi trường mà Đỗ Mỹ Linh, Lương Thùy Linh, Kỳ Duyên... từng theo học. Nhưng kể cả bạn có bắt gặp họ ở trường thì chắc chắn sẽ rất bất ngờ vì hình ảnh quá đỗi thân thuộc giống biết bao sinh viên khác. Ấy là cũng dừng lại tám vài ba câu chuyện phiếm cùng bạn bè, cũng biết lo lắng vì vừa làm sai mấy câu trong bài kiểm tra cuối kỳ, cũng biết chụp các bức hình check-in ở bia đá "thần thánh".
> Nhưng ở Ngoại thương, nếu bạn không phải hoa hậu hay người nổi tiếng, bạn có thể là bất cứ ai. Môi trường Ngoại thương cởi mở với mọi kiểu cá tính. Bạn có thể là một cô nàng theo đuổi xuất nhập khẩu với hàng tá chứng từ, bạn có thể là một thầy giáo dạy tiếng Anh lịch lãm, phong độ, bạn có thể là một người làm công việc tự do như viết nội dung, thiết kế hình ảnh...
Bạn cũng có thể là chàng trai tự tin khoe cá tính khi mặc một chiếc váy thời trang catwalk một vòng sân trường. Ở đây, chúng tôi chấp nhận hết, đón vào lòng hết, miễn sao bạn tử tế và cư xử thanh lịch.
> Chương trình học theo tín chỉ, có hệ thường và cả hệ Đại trà với nhiều chuyên ngành đa dạng khác nhau. Giảng viên đóng vai trò dẫn dắt, định hướng sinh viên, họ còn cực kỳ tâm lý khi luôn cố gắng giải đáp cặn kẽ nhất có thể. Thậm chí nhiều người trẻ trung, xì tin đến độ sinh viên còn lầm tưởng thầy cô ấy chỉ bằng tuổi mình.
> Sinh viên Ngoại thương ăn mặc cũng rất phong cách, trendy. Nhất là vào mùa đông, sân trường bỗng biến thành sàn diễn thời trang cao cấp với biết bao nam thanh nữ tú sải bước. Trai đẹp gái xinh nhiều vô kể, miễn bàn luôn!
> Cơ sở vật chất của Ngoại thương đang được cải thiện từng ngày, trường có trang bị wifi toàn trường phục vụ nhu cầu học tập của sinh viên.
> Nỗi ức chế nhất của FTU-ers chắc chắn không thể bỏ qua vụ đăng ký tín chỉ. Mạng nghẽn, hết slot môn, thời khóa biểu không như mơ... là điều mà ai cũng sợ hãi. Chỉ có một người đàn ông quyền lực nhất có thể cứu rỗi chúng ta, chính là thầy Trần Đắc Lộc. Bởi vậy hễ thầy đăng status gì lên Facebook là sinh viên ở dưới thi nhau cầu cứu thầy "bơm slot môn" hoặc xin hủy môn, đăng ký bổ sung...
Tất nhiên, để kể những điều tuyệt vời của Ngoại thương thì chắc đến sáng mai cũng chẳng hết. Nhưng chắc chắn "trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thử". Hãy cố gắng trở thành sinh viên Ngoại thương để được trải qua vô vàn điều thú vị kể trên nhé!
M.B