(Tổ Quốc) - Đảm bảo đây là thời khóa biểu có 1 - 0 - 2, tìm khắp nơi không ra cái nào bá đạo đến thế này!
"Trà xanh" là từ khóa siêu hot thời gian gần đây, nhưng chuyện yêu đương của những người trưởng thành thì liên quan gì đến thời khóa biểu của học sinh... lớp 6? Thực tế thì là thế, nhưng với đầu óc đầy sáng tạo của tụi nhỏ thời nay, không gì là không thể, thứ vô lý cũng thành có lý. Không tin hãy xem thời khóa biểu của cô bé lớp 6 sau đây.
Những tưởng toàn tên các môn học khô khan nhưng không, cô nhóc biến tấu thành một nồi "lẩu thập cẩm" với đủ thứ gia vị khiến dân tình vừa á ố thán phục vừa ôm bụng cười vì quá tấu hài.
Các tên về ngày trong tuần thay vì ghi từ Thứ Hai đến Thứ Bảy, cô bé đã viết bằng tiếng Anh phiên âm tiếng Việt kiểu... bá đạo: Măng đây (Monday); Thớt đây (Thursday); Sát thủ đây (Sartuday)... Đặc biệt với Thứ ba, cô nhóc hài hước này viết chệch thành... Trà xanh (người thứ ba). Kể ra mới qua cấp 1 nhưng cũng bắt trend người lớn nhanh lắm đây.
Thứ ngày là thế, các môn học cũng cùng chung số phận. "Lịch sử và Địa lý" thành Lịch sử và... Đạo lý; "Ngữ Văn" thành... Ngu Văn; "Hoạt động trải nghiệm" thành Hoạt động... trải nghiệp.
Nhiều cư dân mạng cho rằng, cô bé này có khiếu hài hước, việc viết thời khóa biểu phá cách theo ý thích có thể tạo không khí vui vẻ, đỡ căng thẳng mỗi khi đến giờ học: "Lúc học chán nhìn cũng vui mà. Sáng tạo giúp thấy thích ngồi vào chỗ học hơn; "Tôi đọc buồn cười mà thấy dễ thương quá, rất hồn nhiên"; "Bé này rất thông minh và có tư duy tốt trong việc nhìn nhận sự việc đó!"...
Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng, việc sử dụng thứ ngôn ngữ biến dạng sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt cũng nhận thức đúng đắn của trẻ. Hiện tại thấy buồn cười nhưng hậu quả sau này rất lớn: "Mình không thấy vui chút nào khi đọc thời khóa biểu này. Viết đúng tiếng Việt, tránh để nó “lai căng”, mất gốc chính là một cách bày tỏ sự trân trọng, tri ân đối với sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Với những đứa trẻ thì càng phải nghiêm khắc hơn trong vấn đề này".
Trước tranh cãi từ cư dân mạng, chị gái của cô bé cho biết, đây là thời khóa biểu em gái viết cho vui còn bình thường đi học bé vẫn viết chữ nào ra chữ đó câu cú rõ ràng: "Trẻ con bây giờ lên lớp tiếp xúc với các bạn thì bé sẽ biết được những thứ mà các bạn khác biết kể cả ở nhà có cấm bé lên internet. Nhà mình không cho bé động vào điện thoại trừ những ngày cuối tuần, máy tính cũng không luôn, bé chỉ xem tivi. Mẹ mình là người rất nghiêm khắc, mỗi nhà có một cách dạy con riêng, mọi người đừng nói kiểu em mình học dốt hay nhà mình không biết dạy em".
Một người dùng mạng khác cũng đồng tình: "Nhân danh "học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 12" mình phải chia sẻ thẳng thắn là viết thế này mà bị coi là thất bại của nền giáo dục thì chắc cái lớp mình học năm ấy không ai tốt nghiệp nổi luôn á. Trẻ con tầm này nó theo trend các thứ thấy cái gì buồn cười, nhiều người làm thì nó học theo hoặc đơn thuần là nó thích thế.
Bạn này cũng cho biết, hồi lớp 6 đang rộ lên trào lưu teencode, mình vẫn chép bài trong vở học như thế, cô giáo kiểm tra bài cũng không hề phàn nàn gì vì bạn chép chẳng thiếu chữ nào.
"Thời khóa biểu tự mình làm tự mình xem, vở mình chép mình tự học mình thích viết kiểu chó mèo lợn gà gì cũng được miễn là mình hiểu đúng kiến thức, kiểm tra vẫn làm đúng viết đúng tiếng Việt là được. Còn lên lớp 6 là bắt đầu thời gian nạp kiến thức nhiều hơn là nhận đúng mặt chữ như tiểu học rồi, nên quan điểm của mình là cứ hiểu đúng là được chứ không nhất thiết cứ máy móc abc là tốt", người này nói thêm.
Hiểu Đan