"Cười chảy nước mắt" với bài tập tiếng Việt của học sinh tiểu học, toàn những gương mặt vàng trong làng múa bút đặt câu

(Tổ Quốc) - Bài tập tiếng Việt nghiêm túc đến mấy nhưng vào tay các con cũng thành truyện tiếu lâm khiến người đọc cười đến đau bụng.

Trong chương trình tiểu học, môn Tiếng Việt là một trong những môn học vô cùng quan trọng với các em học sinh. Không chỉ giúp các em gia tăng vốn từ vựng, nắm rõ ngữ pháp mà còn giúp con em rèn luyện khả năng viết văn thuần thục hơn. 

Nhưng với học sinh tiểu học, việc điền từ đúng vào các chỗ trống trong câu đôi khi là một thử thách khó khăn khiến con phải vận dụng hết khả năng sáng tạo của mình. Và kết quả của sự sáng tạo đó thường làm cả cô giáo lẫn bố mẹ cười ra nước mắt vì sự ngô nghê của các con. 

Một tài khoản facebook T.V đã đăng tải những bức ảnh chụp lại bài tập của các em học sinh cấp 1 thu hút được sự quan tâm đông đảo từ các cư dân mạng.

Bài tập yêu cầu các bạn học sinh hoàn chỉnh những câu thành ngữ quen thuộc như "môi hở răng lạnh, cây ngay không sợ chết đứng...", nhưng có vẻ vì chưa thuộc hết bài nên các em phải vận dụng đến sự sáng tạo vô bờ bến của mình. Và kết quả là một loạt những câu thành ngữ mới ra đời khiến bố mẹ và thầy cô đọc xong chỉ biết cười lăn cười bò vì sự ngô nghê của tuổi học trò.

Mở đầu là một bài làm sạch đẹp chỉn chu, nhưng chỉ đúng được một câu duy nhất còn lại sai hết vì đều là "thành ngữ tự con sáng tạo". Mặc dù đúng là "ruột để tiêu hóa" nhưng rất tiếc đó chỉ là một câu đơn chứ hoàn toàn không phải là câu thành ngữ nào cả.

"Ruột để tiêu hóa" là đúng mà sao cô lại chấm sai nhỉ?

Riêng bạn học sinh này thì đặt hết niềm tin vào sự đúng đắn của câu thành ngữ do chính mình tạo ra: "Chân yếu nằm im" và quả quyết đặt câu có tên bạn mình để chứng minh cho sự đúng đắn này: "Bạn Hiệp chân yếu nằm im". 

Chân yếu thì phải nằm im là đúng rồi cô nhỉ?

"Cây ngay không sợ chặt" - nhà môi trường học tương lai đây rồi. Bạn học sinh này tin chắc rằng những thân cây ngay thẳng trên đường sừng sững như thế vì chúng không sợ gì cả, kể cả việc bị chặt đi chăng nữa. 

Đọc hết tám câu thành ngữ thì cười đủ tám lần với khả năng sáng tạo của con.

Bài làm của bạn học sinh này có vẻ khả quan nhất vì có được hai câu đúng, nhưng các đáp án còn lại cũng gây cười đến đau bụng cho người lớn khi đọc bài. "Môi hở hàm ếch" - đây chắc hẳn là vì em có đam mê với ngành y nên tìm hiểu trước cho khỏi quên, nhưng lại nhầm lần một chút từ môn sức khỏe sang môn tiếng Việt. 

Đặt câu rất hay những rất tiếc lại sai mất rồi.

Sau một loạt những câu thành ngữ được chế lại theo đúng tinh thần ngây thơ (vô) số tội của các em là đến những bức ảnh chụp lại phần bài tập điền từ còn thiếu vào chỗ trống cũng không kém phần lém lỉnh. 

Đề bài ra đề điền vào chỗ trống của câu văn: "Con cái cần phải biết ơn ..." với đáp án là bố mẹ hoặc cha mẹ. Nhưng vì nghĩ rằng con cái là từ chỉ giới tính nên bạn học sinh này đã hồn nhiên ghi một đáp án khiến cả thầy cô và người đọc đều bật cười "Con cái cần phải biết ơn con đực". Ngay lập tức bức ảnh nhận được vô vàn những bình luận thể hiện sự cảm thông cho em bé, vì với các bạn nhỏ chưa hẳn đã hiểu hết ý nghĩa của các từ ghép như thế này.

Có lẽ bạn học sinh này đã hiểu nhầm con cái là giới tính trong bài tập lần này.

Cùng là bài tập tương tự như trên, nhưng lần này câu văn cần điền có hơi khác một chút cũng đã tạo ra một sự sáng tạo vô cùng bất ngờ từ các bạn học sinh tiểu học. 

Về nghĩa thì không sai nhưng về đáp án có lẽ cần phải tinh tế hơn nhiều.

Vẫn biết trẻ con là "thật như đếm" nhưng thật thà đến mức này thì có lẽ cô giáo chấm bài cũng hốt hoảng. Câu văn này nếu chấm về nghĩa thì không sai nhưng chấm về sự tinh tế thì vẫn còn thiếu rất nhiều. Đọc hết câu mới thấy quả là học trò vẫn cứ là học trò, dù lớn dù nhỏ thì vẫn luôn khiến thầy cô bất ngờ hết lần này đến lần khác vì sự sáng tạo vô biên của mình.

Chủ nhân của bài đăng đã nhận được vô vàn bình luận từ khắp mọi nơi, ai cũng thể hiện sự thích thú với những liên tưởng đầy thú vị của các em học sinh. Một số người còn chia sẻ rằng nhiều câu trả lời tuy không phải là thành ngữ nhưng lại rất hợp lý trong thực tế như "chân yếu nằm im" vì đó là cách tốt nhất để nhanh giúp đôi chân khỏe lại. Một số cư dân mạng khác thì lại tranh thủ khoe thêm vài chiến tích tương tự của các bạn nhỏ ở nhà của mình để mọi người cùng giải trí.

Những sai sót trong bài tập điền thành ngữ rất phổ biến ở lứa tuổi tiểu học vì các em học sinh còn ngô nghê và non nớt nhưng các em đều rất cố gắng hoàn thành bài tập bằng tất cả kiến thức và sự sáng tạo của mình. Nếu thấy con làm sai, bố mẹ không nên quát mắng con mà nên giảng giải nhẹ nhàng cho con hiểu câu thành ngữ đúng là gì, và giải thích cho con biết ý nghĩa của câu thành ngữ đó thông qua những câu chuyện, sự tích liên quan. Nhờ vậy, con sẽ nhớ kỹ và hiểu rõ hơn về những câu thành ngữ tục ngữ lâu đời mà ông cha đã truyền lại. 

Raiz

Tin mới