(Tổ Quốc) - Thầy Hùng ngoài làm tình nguyện viên ở trung tâm Nghị lực sống còn chị Diễm My làm công việc chỉnh sửa ảnh nhà cửa, hai vợ chồng còn quản lý một kênh Youtube với gần nửa triệu lượt đăng ký.
Một sáng đầu tháng 12, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi) ăn vận bảnh bao chở vợ ra phố mua sắm. Hành động này vốn dĩ bình thường của... người bình thường, thế nhưng, với chiều cao đều chưa tới 1m2, hai vợ chồng thầy giáo tí hon không khỏi thu hút sự hiếu kỳ từ những người xung quanh. Những câu hỏi nghi hoặc kiểu: "Con năm nay bao nhiêu tuổi"; "Hai bạn hay hai vợ chồng" cùng những ánh mắt tỏ vẻ... không thế tin nổi cứ thế dồn dập tới. Thầy Hùng vẫn kiên nhẫn trả lời từng câu với vẻ bình thản, không có chút gì tỏ ra khó chịu hay xấu hổ.
Nhưng đó là chuyện của năm này. Quay trở lại khoảng thời gian gần 20 năm trước, chàng trai xứ Nghệ này từng tự ti, ám ảnh bởi lời chê bai, miệt thị của một số bạn bè vì ngoại hình khác biệt của mình. Thậm chí tốt nghiệp cấp 3, anh còn chẳng dám thi đại học.
Hùng mắc căn bệnh thiếu hooc môn sinh trưởng từ năm lên 7 tuổi. Bố mẹ anh đã đưa đi khám tới 4 lần ở các bệnh viện ngoài Hà Nội và vô số lần ở các nơi khác nhau trong tỉnh. Thế nhưng sau mấy năm trời thì cả nhà cũng đành chấp nhận sự thật. Cơ thể của Hùng, vì thế, mãi mãi nhỏ bé như một đứa trẻ con mặc dù tuổi tác ngày mỗi lớn.
Tốt nghiệp cấp 3, anh theo dì vào miền Nam sinh sống rồi quyết định đăng ký một lớp kỹ thuật viên tin học trong trường Trung cấp dạy nghề Đồng Nai vì nhận thấy với người khuyết tật như mình, đây chính là nghề phù hợp. Anh làm đủ nghề, đi dạy kèm, sửa máy tính... để kiếm tiền lo cho bản thân và gửi về cho mẹ chữa bệnh. Từng ấy việc với người bình thường vốn không dễ dàng gì, với anh càng khó khăn gấp bội.
Văn Hùng từng phải đối diện với sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng từ học viên, khách hàng... Thế nhưng như anh nói, sau những lúc yếu lòng, nhận thấy "việc gục ngã, đầu hàng số phận là quá hèn nhát tôi lại đứng dậy, cố gắng học thật nhiều, làm việc thật chăm chỉ". Và rồi, một người học tốt truyền tai hai người, ba người... Anh dần được nhiều học trò tin tưởng theo học.
Cơ duyên trở thành thầy giáo từ cuộc gặp định mệnh
Mấy tháng nay thầy Hùng ở nhà, dạy online cho học viên với vai trò tình nguyện viên của trung tâm Nghị lực sống (Hà Nội). Đây là nơi anh gắn bó từ năm 2013, là người quản lý đào tạo, giáo viên dạy mảng thiết kế đồ họa dẫn dắt bao nhiêu lứa học viên vững tay nghề, ra đời kiếm được một công việc tử tế đúng chuyên ngành. Học viên của thầy Hùng là những người khuyết tật. Hàng năm trung tâm đào tạo tối thiểu 60 học viên chia làm hai đợt, mỗi một khóa kéo dài 6 tháng, các bạn sẽ được đào tạo tin học văn phòng, photoshop, tiếng Anh, kỹ năng mềm… Học viên không phải đóng phí.
Nói về cơ duyên trở thành thầy giáo, anh Hùng cho rằng tất cả nhờ một chữ Duyên: "Lúc tôi học xong ở Đồng Nai thì mẹ đang ốm nặng, nguyện vọng của tôi là về quê hoặc gần quê hơn để tiện chăm sóc mẹ, cũng đỡ việc đi lại. Đợt đấy qua internet, tôi có quen một anh bạn đang làm việc ở trung tâm Nghị lực sống. Năm 2011, trung tâm có chuyến về Cửa Lò (Nghệ An) nghỉ hè, tình cờ gặp nhau, tôi được anh Nguyễn Công Hùng, cố "Hiệp sĩ công nghệ thông tin" và chị Vân nói chuyện và hỏi có muốn ra Hà Nội làm không. Đợt đấy anh Công Hùng sắp xếp cho tôi ra Hà Nội học và làm luôn".
Năm 2011, anh Hùng ban đầu bán vé máy bay. Năm 2012 hiệp sĩ Công Hùng mất. Đến năm 2013 anh Hùng bắt đầu giảng dạy cho tới hiện nay. Kinh nghiệm truyền đạt kiến thức qua nhiều năm làm gia sư Toán cấp 1, cấp 2 ở Đồng Nai cũng giúp thầy Hùng rất nhiều trong quá trình giảng dạy sau này.
Tuy nhiên, dạy cho học viên khuyết tật, theo thầy Hùng, có một số khó khăn nhất định trong thời gian đầu như năng lực không đồng đều, học vấn khác nhau; các bạn đến từ nhiều vùng miền, dẫn đến khác biệt về giọng nói, trình độ văn hóa. Các bạn thường tự ti về bản thân nhưng có lẽ khi gặp thầy Hùng, một người thầy cũng có ngoại hình khác biệt thì các bạn cởi mở hơn, dễ trò chuyện, làm quen hơn. Thầy giáo tí hon không chỉ truyền cho họ kiến thức, kỹ năng mềm, mà còn là tấm gương tiếp thêm cho họ động lực về cách vượt qua thiệt thòi của số phận và kiên cường vươn lên trong cuộc sống.
"Trở thành giáo viên, tôi nhận về nhiều thứ"
Trong hơn 8 năm làm công việc giảng dạy, đào tạo hàng trăm học viên nhưng thầy Hùng nhớ nhất là trường hợp học viên tên Thùy. Thùy ngồi xe lăn, đến trung tâm Nghị lực sống xin học. "Khi bạn mới đến, mọi người đều nghĩ với khiếm khuyết đôi tay của bạn quá mềm, quá yếu, sợ không thể đi làm được. Nhưng tôi không ngờ bạn rất chủ động, tự tin, sau khi tốt nghiệp bạn đi làm ở 1 công ty rất lớn. Ngạc nhiên hơn là một thời gian sau bạn lại quay về hỗ trợ trung tâm. Hiện bạn đã làm công việc fulltime ở trung tâm luôn rồi.
Từ trường hợp của Thùy, đến sau này khi nhìn vào các bạn khuyết tật khác, chúng tôi không còn quá lo lắng hay đánh giá qua bề ngoài nữa mà hầu như đặt niềm tin và tạo cơ hội cho các bạn thử mọi thứ có thể. Chính Thùy và rất nhiều học viên cũng đã "dạy" tôi, thay đổi cách nhìn của tôi rất nhiều", thầy Hùng kể.
Chính tại trung tâm Nghị lực sống, cơ duyên cũng đã đến với anh Nguyễn Văn Hùng và cô gái nhỏ bé Lê Thị Diễm My. Giống Hùng, My cũng mắc bệnh lùn vì thiếu hoóc môn tăng trưởng nên đã ngoài 30, cô cũng chỉ cao gần 1m2. Cách đây 2 năm, câu chuyện tình yêu và đám cưới của “chàng trai tí hon” được cộng đồng mạng quan tâm, theo dõi. Hiện họ vẫn đang nỗ lực xây đắp hạnh phúc gia đình, cùng chia sẻ ngọt bùi với mối tình đặc biệt.
Thầy Hùng ngoài làm tình nguyện viên ở trung tâm Nghị lực sống còn chị Diễm My làm công việc chỉnh sửa ảnh nhà cửa, hai vợ chồng còn quản lý một kênh Youtube với gần nửa triệu lượt đăng ký. Đây cũng chính là nơi giúp họ có thêm ít thu nhập trong nửa năm dịch bệnh, thầy Hùng chuyển sang tình nguyện viên không nhận lương ở trung tâm:
"Từ đợt dịch đầu tiên phải nghỉ dạy hơi buồn, tôi dùng điện thoại quay cuộc sống thường ngày vui vui của hai vợ chồng và những người khuyết tật xung quanh. Kênh của tôi không có ekip hay dàn dựng gì nhiều, cứ như thế nào thì quay thế ấy nên không nghĩ may mắn được mọi người ủng hộ đến vậy. Hiện tôi có thuê một bạn khuyết tật cũng từ trung tâm làm công việc hỗ trợ video". Thầy Hùng tiết lộ thu nhập từ kênh Youtube mỗi tháng từ 15 đến 20 triệu.
Thầy Hùng cho biết tin vui, hai vợ chồng đã mua được một căn hộ 75m2 tại Hà Nội, đợi tháng sau sẽ dọn vào nhà mới. Ở đây, họ vẫn sẽ tiếp tục ở chung với những người trong Nghị lực sống - như từ trước đến nay họ vẫn thế: "Khi mới cưới nhau tôi có hỏi vợ, nếu sau này có nhà thì em muốn ở riêng hay ở chung như hiện nay. Vợ tôi chọn phương án 2, cô ấy bảo ở hai người buồn mà lỡ... đánh nhau cãi nhau không ai can", thầy Hùng hài hước nói.
Trong tương lai, thầy Hùng mong muốn sẽ chuyển hướng sang một lĩnh vực nào đó có thể tạo nhiều công ăn việc làm cho các bạn khuyết tật.
"Trước đây khi chưa ra xã hội tiếp xúc nhiều, tôi rất ngại ánh mắt xét nét của người khác. Nhưng bây giờ tôi thấy bình thường, thích được người khác để ý, thậm chí còn không ngại quay clip về phản ứng của mọi người. Ngoài những bất lợi thì tôi thấy ngoại hình của tôi cũng có nhiều lợi thế. Khi đi những khu vui chơi, du lịch quy định mua vé bằng chiều cao, vợ chồng tôi cũng luôn được ưu tiên. Tôi nghĩ khi mình có 1 công việc và tạo ra được giá trị của bản thân, mình sẽ thấy tự tin hơn.
Tôi nghĩ dù bạn có gặp phải khuyết điểm gì thì điều quan trọng nhất chính là bạn phải yêu thương mình và tự tin hơn. Bởi nếu chính bạn không tin bản thân mình thì làm sao bạn yêu cầu điều đó ở người khác? Bên cạnh đó, khi gặp phải vấn đề hay khó khăn gì, đừng ngại chủ động mở lòng tâm sự, nhờ vả người xung quanh. Thực tế có nhiều bạn khuyết tật hay có tâm lý e ngại nhưng chính điều đó đã thành một rào cản với chính các bạn. Đôi khi những người xung quanh muốn giúp nhưng lại sợ làm các bạn tủi thân, tổn thương chẳng hạn", thầy Hùng nói.
Hiểu Đan