(Tổ Quốc) - Cách xử lý tình huống của mẹ cậu bé được cư dân mạng khen ngợi.
Tiểu Bảo (Trung Quốc) năm nay 9 tuổi, có một người bạn rất tốt trong lớp. Tuy nhiên sau đó, bạn của Tiểu Bảo chuyển đến trường khác, cậu bé rất buồn nên đã lấy trộm 200 tệ (hơn 700 ngàn đồng) của bạn để mua một món quà chia tay.
Tối hôm đó, mẹ của Tiểu Bảo phát hiện trong ví bị thiếu mất tiền, nhưng chưa kịp hỏi con trai, Tiểu Bảo đã rón rén vào phòng kể cho mẹ nghe chuyện xảy ra và xin lỗi mẹ vì đã tự tiện lấy tiền mà không xin phép.
Người mẹ không những không chỉ trích con mà còn khen cậu là một đứa trẻ coi trọng tình bạn và biết nhận lỗi. Tuy nhiên, cô đã dành thời gian sau đó để giải thích rằng dù lý do chính đáng tới đâu thì việc lấy tiền người khác vẫn là sai, thậm chí phạm pháp. Đồng thời nhấn mạnh, khi con cần tiền, nếu đó là lý do chấp nhận được, mẹ sẽ cố gắng giúp con. Tiểu Bảo rất xấu hổ khi nghe những gì mẹ nói và biết rằng việc lấy tiền riêng của mẹ là không được phép.
Cách xử lý tình huống của mẹ Tiểu Bảo được cư dân mạng khen ngợi. Bởi trên thực tế, không phải ai cũng đủ bình tĩnh trước việc con lấy trộm tiền. Rõ ràng, với sự khéo léo tinh tế của mẹ, sau này dù gặp bất cứ chuyện gì, dù là trong học tập hay cuộc sống, Tiểu Bảo sẽ tâm sự, không lừa dối cha mẹ, sẽ trưởng thành rất tốt.
Tại sao con cái trộm cắp tài sản của người khác?
Nói về lý do trẻ trộm tiền, Jerome F. Brodlie, tiến sĩ tâm lý học trẻ em và vị thanh niên tại Đại học Columbia, Mỹ cho biết, hành vi trộm cắp có thể do trẻ bị thiếu thốn về mặt kinh tế. Chẳng hạn khi đến trường, bạn bè xung quanh đều mua đồ ăn vặt trong khi trẻ thì không có tiền mua. Và trẻ lấy trộm tiền của bố mẹ để thỏa mãn nhu cầu chi tiêu.
Khi trẻ trộm tiền hay lấy đồ của người khác, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ nguyên do. Trong khi nói chuyện, bố mẹ cố gắng kìm chế cảm xúc, đừng quát tháo hay đánh con để răn đe. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân dẫn đến việc trộm tiền của trẻ:
Trẻ tò mò
Trẻ càng nhỏ, tính tò mò càng mạnh, đặc biệt là một số điều mới lạ, trẻ sẽ rất thích thú. Khi trẻ nhìn thấy đồ chơi, đồ vật mới ở người khác, với mong muốn khám phá, trẻ sẽ lấy đồ vật đó làm của mình. Nếu cha mẹ không kiềm chế hành vi của trẻ, trẻ sẽ nghĩ cách làm này là đúng và sau này sẽ tái diễn.
Khám phá sức mạnh của tiền bạc
Sau khi đến một độ tuổi nào đó, trẻ sẽ thấy tiền có thể mua được những thứ mình thích nên sẽ rất khao khát, nhưng không có cách nào để làm ra tiền, nếu hỏi cha mẹ thì sẽ bị từ chối, vì vậy có hành vi trộm cắp. Cha mẹ khi phát hiện con mình trộm tiền thì phải hết sức lưu ý, khái niệm tiền và đồ vật là hoàn toàn khác nhau, nếu trẻ ăn trộm tiền nghĩa là trẻ đã có ý thức chủ quan rồi, nếu cha mẹ không kiểm soát, hành vi của đứa trẻ sẽ tăng lên.
Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con mình trộm tiền, tài sản?
Bố mẹ cần giải thích và chỉ rõ cho trẻ biết ngay cả khi cần thì cũng không được lấy tiền của bố mẹ mà chưa được cho phép.
Không cho con giữ lại đồ
Dù trẻ lấy được gì từ người khác thì cha mẹ cũng không nên giữ lại, đừng để trẻ có được niềm vui tai hại như vậy. Cha mẹ nên nói rõ với con rằng hành vi này là không đúng và cần phải hoàn trả bất kỳ món đồ nào. Nếu trẻ không thể hiểu được hành vi của cha mẹ, bạn có thể yêu cầu trẻ suy nghĩ theo một vị trí khác, chẳng hạn để đứa trẻ có thể trải qua cảm giác đồ đạc của mình bị người khác lấy trộm.
Không dán nhãn
Cha mẹ bàng hoàng, lo lắng khi phát hiện con mình lấy trộm tài sản của người khác, tâm trạng này khiến họ dễ mắng con to tiếng, nhưng có trẻ sẽ không biết hành vi này là sai trái. Đặc biệt là trẻ còn ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ chưa có ý thức về đồ vật, khi nhìn thấy đồ vật chúng sẽ chiếm hữu những gì mà chúng thích.
Một số cha mẹ sẽ gán cho con cái họ là "kẻ trộm", điều này rất bất lợi cho sự phát triển nội tâm của con, chúng không biết đến khái niệm trộm cắp.
Xin lỗi nhanh chóng
Đa số cha mẹ chỉ mắng mỏ, đánh đập con khi phát hiện con lấy trộm đồ của người khác, nhưng đó lại không phải là cách "trừng trị" thực sự, để lần sau trẻ không nhớ và mắc lỗi tương tự. Vì vậy, cha mẹ hãy để con mình đối mặt với lỗi lầm, tự trả lại tài sản cho chủ, chủ động xin lỗi bên kia. Chỉ khi đứa trẻ phải trả giá và gánh chịu hậu quả thì những điều như vậy mới không tái diễn.
Một số trẻ không có ý thức về tiền bạc, chúng chỉ biết rằng nếu xin tiền bố mẹ thì chúng sẽ có. Trẻ em không biết tiền là gì và nó đến từ đâu? Cha mẹ hãy dần hướng dẫn và nói với con cái rằng tiền bạc được đánh đổi bằng mồ hôi xương máu, đó là thu nhập từ sức lao động của cha mẹ.
Nếu có cơ hội, hãy để bọn trẻ trải nghiệm quá trình kiếm tiền. Ví dụ, mẹ và trẻ chuyển đổi vai trò, để trẻ làm việc nhà, mẹ "trả công" cho trẻ để trẻ trải nghiệm tiền bạc vất vả giành được và quý trọng tiền bạc.
Hiểu Đan