(Tổ Quốc) - Mở tờ giấy con trai đưa cho ra đọc, người mẹ liền bật khóc nức nở, nước mắt giàn giụa, nhưng rồi sau đó bà quyết định nói dối con.
Thomas Alva Edison sinh ngày 11/2/1847, mất ngày 18/10/1931. Ông là một trong những nhà khoa học, nhà phát minh người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. Edison được người đời ca ngợi là vĩ nhân nhờ một loạt phát minh nổi tiếng như bóng đèn, máy hát, máy ghi âm... Được biết, trước khi qua đời ông có khoảng 1500 bằng sáng chế. Trong đó có 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ dưới tên ông và các bằng sáng chế khác ở Anh Quốc, Pháp, và Đức.
Thông minh, tài giỏi là vậy nhưng ít ai ngờ rằng, Thomas Edison từng có một tuổi thơ đầy sóng gió. Ông bị đuổi học vì quá "ngu dốt" và lơ đãng trong lớp.
Tuổi thơ bất thường của vĩ nhân
Thomas Edison sinh tại Milan, Ohio, là người con thứ 7 của ông Samuel Ogden Edison, Jr (1804 - 1896) và bà Nancy Matthews Elliott (1810–1871). Dù có vẻ ngoài kháu khỉnh, đáng yêu nhưng tuổi thơ của Edison lại bị nhiều người ghét bởi... hỏi quá nhiều. Trong khi những đứa trẻ khác còn đang ham chơi thì Edison lại luôn tò mò về mọi thứ xung quanh và muốn hiểu thấu đáo.
Thầy giáo của Edison thậm chí từng than phiền: "Edison không chịu học hành mà luôn làm phiền người khác bằng những câu hỏi chẳng đâu vào đâu. Hôm qua cậu ta còn hỏi: Tại sao 2 cộng 2 lại bằng 4? 2 cộng 2 tất nhiên là bằng 4, lại còn hỏi vớ vẩn gì nữa. Cậu ta chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các bạn khác mà thôi!".
Không chỉ vậy, Edison còn từng bị cho là có vấn đề về thần kinh và chậm phát triển vì 4 tuổi mới biết nói. Năm 7 tuổi, Edison khi ấy theo học tại trường tiểu học Port Huron, bang Michigan. Một hôm, cậu nhận được một mẩu giấy từ thầy giáo, yêu cầu mang về nhà cho mẹ đọc.
Bà Nancy nhanh chóng mở ra xem nhưng vừa đọc xong thì bật khóc nức nở. Sau đó, bà cố gắng giữ bình tĩnh đọc cho con nghe: "Con trai của bà là một thiên tài. Ngôi trường này và giáo viên của chúng tôi không đủ khả năng để đào tạo cậu bé. Bà hãy tự dạy dỗ con trai mình".
Vì lý do này nên chỉ sau 3 tháng đến trường, Edison đã nghỉ học và được mẹ dạy dỗ cả về học hành và các kỹ năng, bài học sống quan trọng.
Lời nói dối của mẹ mở ra thành công của con
Năm 1871, bà Nancy qua đời. Lúc này Edison đã có những thành tựu đáng để trong sự nghiệp khoa học của mình. Sự ra đi của mẹ là mất mát không thể nào bù đắp của nhà phát minh thiên tài. Trong khi dọn dẹp những đồ đạc, tài liệu của mẹ, Edison tình cờ phát hiện một bí mật động trời.
Theo đó bà Nancy đã giấu giếm con trai một bí mật trong hơn 20 năm, đó chính là về nội dung thực sự trong lá thư năm xưa của thầy giáo. Thay vì những lời ngợi khen thì khi ấy những điều giáo viên đã viết chua chát vô cùng: "Con trai ông bà là đứa trẻ đần độn. Chúng tôi không chấp nhận cho cậu bé đến trường nữa".
Vì lo sợ con trai trở nên tự ti, trở nên rụt rè, buồn bã nên bà Nancy quyết định nói dối con. Khi cả thế giới quay lưng với Edison, bà quyết định dùng niềm tin, tình yêu của mình để dạy dỗ con nên người. Người mẹ vĩ đại này đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho con trai, bao bọc, che chở và là người thầy suốt đời của ông. Cuối cùng bà Nancy đã chứng minh cho cả thế giới thấy, họ đã đánh giá sai về con trai bà.
Có thể nói thành công của Edison một phần lớn thuộc về công lao của mẹ. Nếu không có mẹ, chưa chắc ông đã lớn lên bình thường và trở thành nhân tài kiệt xuất đến thế. Sau này, Edison đã khóc rất nhiều khi nhớ vào câu chuyện trên và viết vào cuốn sổ của mình: "Thomas Alva Edison là đứa trẻ đần độn. Nhờ người mẹ anh hùng mà đã trở thành thiên tài của thế kỷ".
Trẻ không dốt, chỉ là trẻ thông minh theo một cách khác!
Thiên tài Albert Einstein từng nói: "Mỗi người sinh ra đều là thiên tài. Nhưng nếu bạn bắt một con cá thể hiện khả năng qua việc trèo cây thì cả đời của nó sẽ sống và tin rằng nó chỉ là một đứa ngốc".
Câu nói này hàm ý mỗi người đều có điểm mạnh riêng và trẻ nhỏ cũng như vậy. Thay vì chỉ trích, nhìn vào điểm yếu, chúng ta hãy tìm ra điểm mạnh của trẻ và từ đó trau dồi, phát triển ưu điểm đó. Bên cạnh đó, trẻ có thành tích học tập kém chưa hẳn đã do ngu dốt mà bởi chưa được giáo dục theo phương pháp phù hợp, đúng cách. Chính vì vậy, tiềm năng của trẻ chưa được phát huy, tỏa sáng.
Nếu thế kỷ 20 có Edison thì đến thế kỷ 21, chúng ta có thêm nhiều trường hợp "trẻ ngu dốt" khác, tiêu biểu như Adam Khoo. Tác giả "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!" từng bị giáo viên nhận xét là trì độn, kém cỏi hơn bạn bè cùng trang lớp. Nhưng sau khi được tiếp thu phương pháp giáo dục đúng đắn, ông đã tỏa sáng với thành tích học tập xuất sắc và trở thành một triệu phú.
Chính vì vậy, trẻ không dốt, chỉ là trẻ thông minh theo một cách khác!
Thanh Hương