(Tổ Quốc) - Cách xử lý khi con chây ỳ không chịu học bài đã được cộng đồng mạng khen hết lời và khiến người mẹ trở nên nổi tiếng.
Con không chịu làm bài tập về nhà, lười học, là vấn đề mà nhiều phụ huynh gặp phải. Nhiều người nóng tính, không kìm chế được cảm xúc thì chọn cách đánh, mắng con. Cũng có những người chọn cách rất mềm mỏng nhưng lại có tác dụng uốn nắn con rất tốt.
Đó là trường hợp của một bà mẹ ở Trung Quốc. Cách xử lý khi con chây ỳ, không chịu học bài đã được cộng đồng mạng khen hết lời và khiến cô trở nên nổi tiếng.
Khi con tỏ ý không muốn làm bài tập về nhà, người mẹ không mắng mỏ, chỉ lặng lẽ đưa cho con một khay ốc vít và nói: "Con không muốn làm bài tập về nhà mẹ không ép. Nhưng những người không chịu học sau này sẽ chỉ làm được công việc chân tay như thế này thôi.
Vậy con hãy ngồi làm chỗ ốc vít này cho mẹ trong vòng 8 tiếng, bằng với thời gian một công nhân làm việc nhé!".
Ban đầu, cậu bé vui vẻ nhận công việc mẹ giao vì nghĩ vừa được chơi lại vừa không phải làm bài tập. Nhưng chỉ chưa đầy 1 tiếng sau, cậu bé đã đầu hàng và đề nghị mẹ cho làm bài tập thay vì công việc chân tay này.
Cách xử lý khôn khéo của người mẹ đã cho con thấy rõ tác dụng của việc học và tự lần sau sẽ tự giác học chứ không còn lười biếng nữa.
Tương tự như bà mẹ Trung Quốc nói trên, một bà mẹ trẻ ở Thái Lan cũng có cách dạy con tâm phục khẩu phục.
Khi con trai tỏ ý không muốn đến trường, người mẹ đã cho con lựa chọn hoặc đến trường hoặc đi nhặt rác. Cậu bé đương nhiên chọn phương án thứ hai.
Hai mẹ con đi bộ 3,5km để nhặt chai nhựa mọi người bỏ đi. Sau một hồi nhặt đầy túi rác, người mẹ dắt con tới chỗ thu mua phế liệu và bán được giá 2 baht (khoảng 1.500 đồng).
Bán xong phế liệu, mẹ dẫn con trai về nhà. Bé trai sau một thời gian đi bộ và nhặt rác đã thấm mệt, yêu cầu: "Mẹ ơi chúng ta có thể đi xe bus về nhà không?".
Người mẹ trả lời: "Đi xe bus cũng được, nhưng giá vé là 10 baht/người, con có đủ tiền không?".
Vì không đủ tiền nên cậu bé chấp nhận đi bộ tiếp cùng mẹ. Đi qua một cửa hàng kem, khát nước, cậu bé lại đòi: "Mẹ ơi, con muốn ăn kem".
Mẹ cậu bé liền nói: "Kem 5 baht/chiếc, mẹ con mình không đủ tiền".
Đến lúc này, cậu bé đành nói với mẹ: "Mẹ ơi, con muốn về nhà".
Mẹ hỏi lại con trai: "Con có mệt không? Con có muốn tiếp tục làm công việc này không hay muốn tới trường?".
Cậu bé trả lời: "Con mệt và nóng, con muốn đi học".
Thông qua một buổi đi nhặt rác này, bà mẹ Thái Lan đã cho con trai hiểu kiếm tiền khó khăn như thế nào và được đi học là một hạnh phúc.
Từ hai ví dụ điển hình trên chúng ta thấy, việc giáo dục con cái đôi khi không cần nói nhiều hay quát mắng mà hãy cho con trải nghiệm để con tự hiểu mọi chuyện.
Dạy dỗ con là một quá trình không dễ dàng, nên cha mẹ cần nhớ:
Không đánh con
Nhiều cha mẹ cho rằng "yêu cho roi cho vọt" vì vậy khi con không nghe lời là họ sẽ dùng biện pháp đánh, mắng. Biện pháp này sẽ gây tổn thương cho tâm lý của trẻ.
Khi trẻ không muốn làm bài tập về nhà, đánh con là phương pháp sai lầm nhất bởi chỉ khiến trẻ càng sợ học và chán ghét bài tập hơn.
Hoặc trẻ sẽ sinh ra tâm lý đối phó, khi có bố mẹ ở đó chúng sẽ giả vờ học nghiêm túc, nhưng không mặt người giám sát là trẻ sẽ không tự giác học.
Đừng tỏ ra lạnh nhạt với con
Khi trẻ không ngoan, không chịu làm bài tập về nhà, một số cha mẹ lại áp dụng biện pháp đối xử lạnh nhạt, không thèm chú ý tới trẻ nữa.
Khi trẻ không vâng lời, cha mẹ phải cố gắng kìm chế cảm xúc, hướng dẫn, chỉ bảo con đi đúng hướng. Nếu không được sự chỉ dạy đúng cách của bố mẹ, dần dần sẽ tạo cho con thói quen xấu và sẽ biến trẻ thành một người vô trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ trong tương lai.
Tôn trọng trẻ
Trong mọi trường hợp, dù trẻ có sai, cha mẹ cũng không nên so sánh con với bất kỳ ai khác, không nhục mạ trẻ. Bởi làm như thế sẽ khiến trẻ thêm tự ti, bất cần và càng ngày càng suy nghĩ tiêu cực hơn.
An Nhiên