Con trai 9,5 tuổi mới học tiếng Anh, chỉ trong 18 tháng đã đọc sách nước ngoài vèo vèo: Bà mẹ tiết lộ loạt kinh nghiệm hay ho

(Tổ Quốc) - Bỏ lỡ "giai đoạn vàng" học tiếng Anh, nhưng bé Kevin con trai chị Thu Trang chỉ cần 18 tháng để "bắt kịp" trình độ của học sinh lớp 8 bản xứ. Hành trình đồng hành cùng con của bà mẹ - nhạc sĩ này sẽ là kinh nghiệm hay ho cho các phụ huynh muốn con học ngoại ngữ tiết kiệm thời gian nhưng hiệu quả.

"Giai đoạn vàng" có lẽ là cụm từ được nhiều phụ huynh thuộc nằm lòng nhất khi nhắc tới chuyện học ngoại ngữ của con mình. Ai cũng muốn chớp lấy giai đoạn "có một không hai" để con tiếp thu ngoại ngữ hiệu quả nhất, để bộ não như miếng bọt biển của con được "thấm hút" nhiều nhất có thể. Thậm chí, nhiều chuyên gia ngôn ngữ còn khẳng định đợi bé 7 tuổi mới học tiếng Anh là quá trễ.

Tuy nhiên trên thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng có điều kiện để làm quen tiếng Anh hay bất cứ một ngôn ngữ nào khác - ngoài tiếng mẹ đẻ trong giai đoạn mầm non hay tiểu học. Và cũng thực tế, rất nhiều trẻ em dù bắt đầu muộn, bỏ lỡ "giai đoạn vàng" nhưng việc học tiếng Anh sau đó vẫn diễn ra vô cùng thuận lợi và hiệu quả. 

Nói về vấn đề này, chị Chim Sâu (Hoàng Thu Trang), một bà mẹ có con năm nay học lớp 5, cho rằng: "Mình theo quan điểm khác. Cô giáo dạy đại học của mình bắt đầu học tiếng Nhật lúc học đại học, sau đó cô trở thành người rất giỏi tiếng Nhật, thậm chí viết sách về dạy tiếng Nhật. Sau khi biết cô thì mình chẳng thấy giai đoạn vàng hay kim cương chẳng quan trọng quá mức. Đó chỉ là 1 điểm ưu tiên là nếu trẻ em học bộ môn gì đó vào giai đoạn đấy, khả năng tiếp nhận có thể sẽ cao hơn giai đoạn khác. Nhưng yếu tố để quyết định kết quả học tập đến từ sự nỗ lực rèn luyện, chứ không phụ thuộc vào việc mình học nó ở giai đoạn vàng hay không. 

Ví dụ như việc học đàn, cũng có nhiều người bảo giai đoạn Vàng là 3-5 hoặc 3-6 tuổi, mình không nhớ rõ. Nhưng tất cả nhạc viện bên Pháp nơi mình sống nhận học sinh từ 7 tuổi. Bé nhà mình 7-8 tuổi mới bắt đầu học nhạc, bây giờ bạn ấy đang học năm 3 sơ cấp Saxophone và chơi được cả Piano".

Con trai 9,5 tuổi mới học tiếng Anh, chỉ trong 18 tháng đã đọc sách nước ngoài vèo vèo: Bà mẹ chia sẻ loạt kinh nghiệm hay ho, ai cũng làm theo được - Ảnh 1.

Quan điểm này được chị rút ra từ chính trường hợp con trai mình - bé Kevin Nguyễn. Bé bắt đầu học môn tiếng Anh khi đã 9.5 tuổi, sau khi bỏ qua tất cả các giai đoạn "vàng bạc kim cương" để học các môn (từ Âm nhạc đến Ngoại ngữ) nhưng thành quả nhận được sau 18 tháng là "ngoài mức mong đợi". Bà mẹ 8x nhận định: "Theo mình giai đoạn vàng là giai đoạn mà con sẵn sàng học, mẹ sẵn sàng đồng hành (về công sức hoặc kinh tế hoặc cả hai)".

Chị Trang đã đồng hành cùng con như thế nào? 

Nói thêm về lúc bắt đầu (tức Kevin được 9,5 tuổi), bé chỉ ở trình độ Hello - Good bye, biết nói vài câu đơn giản kiểu Tên bạn là gì? Bạn đang làm gì? Cái này bao nhiêu tiền... Lúc đó là tháng 6/2020, Kevin vừa nghỉ hè lớp 3 lên lớp 4 (bé sinh tháng 1/2011). Bây giờ Kevin đang học lớp 5, sau 1,5 năm đồng hành cùng con (thật ra chỉ bỏ sức nhiều nhất trong 9 tháng đầu), chị Trang cho con làm thử 1 số bài test để xem con đang ở đâu. Đây là 1 vài kết quả tham khảo:

- Kiểm tra khả năng đọc hiểu bằng bài test trên STAR Reading của Mĩ, điểm GE (Grade Equivalent) = 8.3, tức là trình độ đọc hiểu tương đương học sinh lớp 8 bản xứ. Tài khoản Star Reading này chị Trang phải mua, chứ không free.

Con trai 9,5 tuổi mới học tiếng Anh, chỉ trong 18 tháng đã đọc sách nước ngoài vèo vèo: Bà mẹ chia sẻ loạt kinh nghiệm hay ho, ai cũng làm theo được - Ảnh 2.

Kevin kiểm tra khả năng đọc hiểu bằng bài test trên STAR Reading của Mĩ, điểm GE (Grade Equivalent) = 8.3.

- Level B2 (test free nghe và đọc) trên trang efset.org: (Phần Test của Efset Kevin làm thử tầm tháng 4-5/2021 sau gần 1 năm học tiếng Anh. Kết quả test này theo chị Trang chỉ là tương đối, bài dễ hơn rất nhiều so với bài thi thật).

- Hiện giờ Kevin đọc sách hoàn toàn bằng tiếng Anh. Kevin đã đọc các bộ truyện dài bản original như Harry Potter (đọc xong từ khi học tiếng Anh 6-7 tháng), các bộ truyện của Rick Riordan, Lord of the rings, The Chronicles of Narnia, Artemis Fowl...

- Kevin sử dụng tiếng Việt và tiếng Pháp (2 tiếng mẹ đẻ), tiếng Anh (bé tự đánh giá là giờ đọc sách tiếng Anh và đọc sách tiếng Pháp thấy như nhau), tiếng Tây Ban Nha (đang tự học và dự định sẽ học cơ bản xong trong 1,5 năm như với tiếng Anh). Mục tiêu dài hạn là lên lớp 7 sẽ chinh phục tiếng Đức.

Con trai 9,5 tuổi mới học tiếng Anh, chỉ trong 18 tháng đã đọc sách nước ngoài vèo vèo: Bà mẹ chia sẻ loạt kinh nghiệm hay ho, ai cũng làm theo được - Ảnh 3.

Bài viết của Kevin về nghề nghiệp tương lai mà bé muốn làm - trở thành 1 Tham tán viên làm việc trong Đại Sứ Quán. Kĩ năng viết này phải luyện mất sức nhất.

Và đây là chiến lược của chị Thu Trang áp dụng cho con trai:

Chị Trang chia việc học tiếng Anh của con làm 3 giai đoạn. Thời gian từng giai đoạn ngắn hay dài phụ thuộc vào sự tiến bộ của con.

Giai đoạn 1: Bắt đầu xây dựng vốn từ cơ bản

Bắt đầu xây dựng vốn từ cơ bản từ số 0 (3 tháng, mẹ hướng dẫn 50%, các apps 50%): Đây là giai đoạn mẹ mệt nhất, con thì không quá áp lực. Các "giáo viên online" mà chị Trang nhờ cậy dạy cho gồm: Razkid, Little Fox.

Kevin bắt đầu đọc Razkid từ level B. Mỗi ngày trung bình 6-8 bài, có ngày nhiều hơn. Liên tục trong 3 tháng không nghỉ ngày nào và vẫn duy trì trong 1 năm liên tục. Ban ngày con tự đọc rồi ghi âm lại, tối mẹ nghe lại kiểm tra. Đang nghỉ hè nên con có thời gian và mấy level đầu bài ngắn. Sau này con đọc đến level cao hơn (từ G - H trở đi) thì số lượng bài ít hơn. Buổi tối con được xem Little Fox. Nhưng sau khi xem xong thì phải ngồi đọc lại phần textbook của từng phim và kể cho mẹ nghe phim đó/phần đó nói gì.

"Bước này thật sự rất vất vả, trong 3 tháng đó tối nào mình cũng ngồi với con 60 - 90 phút chỉ để xem cùng, đọc cùng sau đó nghĩ ra 1 đống câu hỏi (đơn giản thôi) để hỏi con về cái con vừa xem. Mục đích chính là động viên con nói ra và biết cách đọc text sau đó tóm tắt lại bằng vốn từ của mình. Sở dĩ con có từ để nói ra được vì ban ngày con đọc Razkid khá nhiều nên vốn từ của con tăng lên nhanh chóng. Tối lại được "hân hạnh" tua thêm lần nữa với các bản textbook của Little fox - không hề ngắn tí nào", chị Trang chia sẻ.

Con trai 9,5 tuổi mới học tiếng Anh, chỉ trong 18 tháng đã đọc sách nước ngoài vèo vèo: Bà mẹ chia sẻ loạt kinh nghiệm hay ho, ai cũng làm theo được - Ảnh 5.

Quy trình là: Xem phim - Làm quiz - Mở textbook ra kèm audio book - Nghe người ta đọc xong rồi tự đọc lại như với Razkid - Đọc xong trò chuyện kể lại cho mẹ. Con càng muốn xem nhiều thì xem xong con càng phải trả bài nhiều. Chị Trang cũng dạy con sử dụng từ điển Anh - Anh. Từ nào không hiểu thì tra từ điển. Nhà chị Trang không dùng từ điển Anh Việt hay Anh Pháp.

Giai đoạn 2: Tăng tốc rèn kĩ năng Đọc - Nghe - Ngữ pháp

Đây là giai đoạn chị Trang tóm lại bằng 3 từ: Cày như điên bởi bé học 9 tháng đến 1 năm, mời giáo viên hỗ trợ nhưng giáo viên chiếm 30%, con tự cày 50%, vai trò của mẹ là tìm sách, lên kế hoạch và giám sát thực hiện - chiếm 20%). Giai đoạn này con mệt nhất, mẹ mệt bình thường.

"Mình mời 2 giáo viên online, mỗi người tuần 1 buổi 60 phút. Một giáo viên Philippines dạy ngữ pháp cho con, tập trung cày theo giáo trình Round Up. Một giáo viên người Anh để dạy con phần Speaking. Lý do mình mời giáo viên 1 là vì con bắt đầu từ số 0, phần ngữ pháp hoàn toàn không biết gì, chia động từ sai be bét và hoàn toàn bỏ qua giai đoạn tắm tiếng Anh nên chẳng có gì ngấm vào người cả. Phần ngữ pháp mình không đủ trình độ để dạy con. Bên cạnh đó, con đã lớn nên về vấn đề tâm lý đôi khi giáo viên nói con chịu nghe hơn mẹ. Riêng phần Speaking mình chọn giáo viên bản xứ vì mình muốn con nghe và tiếp xúc với giọng Anh khi luyện phản xạ nói.

Mình cũng yêu cầu thầyy giáo Philippines cho thật nhiều bài tập rèn viết/ngữ pháp nên kết quả là mấy tháng đầu con mình làm bài bở hơi tai. Mình cũng ngồi làm cùng con và góp ý để con làm bài sáng tạo/nhiều hơn so với yêu cầu của giáo viên.

Ví dụ: Thời gian đầu thầy yêu cầu con mình đặt câu rất nhiều để quen với việc dùng các thì. Thay vì đặt 10 câu với thì hiện tại như yêu cầu của bài thì mình đề nghị con viết thành 10 đoạn nhỏ (mỗi đoạn 3-4 câu, có liên quan nội dung với nhau)", chị Trang nói.

Tăng tốc như thế nào? Phần này không liên quan gì đến giáo viên mà hoàn toàn là mẹ và con lên kế hoạch rồi thực hiện cùng nhau.

Chị Trang lập 1 nhóm tự học cho con (5 bé tầm tuổi 9-11). Level không cần giống nhau, quan trọng nhất là các mẹ phải có cùng mục tiêu và quan điểm đồng hành cùng con.

Bên cạnh đó, lập nội quy nhóm về việc học bài và trả bài trong mỗi kì nghỉ holiday. Ở  Pháp cứ học 2 tháng là nghỉ 2 tuần. Đây chính là lúc để tăng tốc. Bên cạnh đó, khi không trùng kì nghỉ thì cuối tuần là lên trả bài 1 - 2 lần.

Chị Trang chịu trách nhiệm lead nhóm. Mỗi kì nghỉ chị sẽ chọn 1 cuốn sách reading theo level của từng bạn và giao bài. Mỗi ngày nghỉ bên cạnh việc đọc Razkid thì các bạn phải làm 1-2 bài đọc hiểu trong sách được giao và mẹ sửa, sau đó chụp hình trả bài lên nhóm. Cuối mỗi kì thi đua đều có phần thưởng nên các con đều rất cố gắng.

Nói thì nghe đơn giản nhưng để duy trì cho các con làm bài trả bài trong 1 năm non-stop thì không dễ tí nào. Nhưng làm việc nhóm như vậy khiến mẹ muốn lười mà không thể lười được vì các mẹ khác trả bài ầm ầm rồi.

"Các bộ sách luyện Reading mà con mình đã làm trong giai đoạn 1 năm Tăng tốc: Reading Challenge (3 tập), What a world (3 tập, con mình chỉ làm tập 3), Reading Explorer của National Geographic (6 tập, bộ này con mình làm ròng rã trong 6 tháng, mình phải nghiên cứu Teacher book để dạy con mệt gần chết. Nhưng thật sự làm xong bộ này con mình bật lên hẳn 1 level mới, và mình cũng thế. Ngoài ra con mình làm 2 quyển đề thi Flyers, 3 quyển đề thi B1 trước khi vào bộ Reading Explorer... Từ khi bước vào giai đoạn Tăng tốc, mình đã thay toàn bộ sách trong nhà bằng sách/truyện tiếng Anh và cất hết tất cả sách tiếng khác đi. Sách nào không mua được thì in. Đủ các sách truyện chủ đề con thích hoặc không thích. Nhưng tóm lại con với tay ra là thấy sách. Và ngoài sách tiếng Anh thì con chả có gì khác để đọc cả (nhà mình chế độ không youtube, không điện tử, không xem phim tự do).

Việc này cũng góp phần giúp con trở thành 1 bạn nhỏ yêu đọc sách. Không thể nhớ hết các quyển bạn ấy đã đọc nhưng tóm lại hễ rảnh là đọc", bà mẹ 8x chia sẻ.

Giai đoạn 3: Duy trì (giáo viên 10%, con 90%, mẹ được cho "về hưu")

Con không làm các sách đọc hiểu nữa mà chỉ tập trung luyện viết đều 1 tuần ít nhất 1 bài, mỗi bài 500 từ hoặc hơn. Con đã sử dụng được tiếng Anh không gặp trở ngại gì trong Nghe - Nói - Đọc.

Con trai 9,5 tuổi mới học tiếng Anh, chỉ trong 18 tháng đã đọc sách nước ngoài vèo vèo: Bà mẹ chia sẻ loạt kinh nghiệm hay ho, ai cũng làm theo được - Ảnh 8.

- Con dùng tiếng Anh để tham gia các khoá học trên code.org hoặc để xem phim, đọc truyện. Chị Trang đã bắt đầu trả lại sách tiếng Pháp và tiếng Việt cho con nhưng trong tủ sách gia đình sách tiếng Anh vẫn chiếm 70%, sách tiếng Pháp 20%, sách tiếng Việt 10%.

- Chị Trang vẫn giữ giáo viên Philippines cho con để con học ngữ pháp. Lớp Speaking cho con nghỉ vì con có bạn người Mĩ, tuần nào cũng gọi sang trò truyện 1-2 tiếng nên chị thấy tạm thời không cần thiết nữa. Nói và Viết phải luyện thường xuyên nếu muốn sử dụng thành thục.

TỔNG KẾT:

Sử dụng chiến lược "Học tập trung, học tăng cường, thưởng nhiều món quà cả vật chất cả tinh thần khích lệ con sau mỗi giai đoạn cày như trâu". Khi bắt đầu học tiếng Anh ở tầm 9-10 tuổi thì để đạt được kết quả, các con phải dùng "ý chí" nhiều hơn là "thẩm thấu tự nhiên" như với lứa tuổi bé. Cho nên bố mẹ nên vừa động viên và cũng phải vừa nghiêm khắc, cũng như có những lúc phải ngồi học cùng con để đẩy con qua giai đoạn khó khăn.

- Bủa vây con bằng tiếng Anh. Từ phim đến truyện đến làm bài đọc hiểu. Mỗi ngày 1,5 đến 2 tiếng hoặc hơn trong ít nhất 1 năm. Đủ về LƯỢNG sẽ dẫn đến thay đổi về CHẤT.

- Tham khảo kinh nghiệm của các mẹ đi trước và KHÔNG SỐT RUỘT! Tiếng Anh chỉ là phương tiện, nhưng nếu làm chủ được tiếng Anh thì sẽ mở được rất nhiều cánh cửa tri thức.

- Không tiếc tiền mua sách/in sách.

- Có 1 team cùng nhau học tập để kéo nhau đi khi cần là tốt nhất. Bời vì mỗi khi con (hay mẹ) muốn lười mà đồng đội lại chăm, cày bài quần quật. 

- Mẹ cần có trình độ tiếng Anh cơ bản, không cần giỏi, đủ để đè bẹp con trong 3 tháng đầu ABC sau đó rút lui. Còn lại chịu khó dành thời gian tham gia các group tài liệu tiếng Anh, đọc review (bằng tiếng Việt) và mua sách cho con làm là được. Nếu trình độ của mẹ khá hơn và dành được nhiều thời gian cho con hơn thì con sẽ tiến nhanh hơn.

Chi phí trong 1 năm

- Mua tài khoản Razkid ~ 300.000/năm.

- Mua tài khoản Little fox: 180 USD/năm ~ 4.1 triệu (tháng 7-8 hay có promotion giảm 30%).

- Mua tài khoản Curiosity: 12 usd/năm ~ 300.000 (vì được khuyến mãi, giá không sale là 24 USD thì phải).

- Mua tài khoản test STAR Reader: 700.000/năm.

- Mua tài khoản IXL tầm 700.000/năm.

- Học giáo viên Philippines: 200.000/buổi, 800.000/ tháng, 9,6 triệu/năm.

- Học giáo viên người Anh: 15 bảng/buổi 50 phút lớp 2 người - 1 tháng 60 bảng = 2,1 triệu. 1 năm tính ra khoảng 20 - 21 triệu. Không hề rẻ nhưng rất chất lượng, đáng đồng tiền bát gạo và phù hợp với yêu cầu của gia đình trong 1 năm đầu khi con mới học tiếng Anh.

- Tổng 1 năm tạm tính chị Trang đã đầu tư hết khoảng 36 - 37 triệu tiền học tiếng Anh cho con, chia ra mỗi tháng 3 triệu. Con từ số 0 sau 1,5 năm được kết quả như đã nói bên trên. Riêng phần viết con đã có thể viết các bài luận tầm 500-1000 chữ, biết xây dựng dàn ý, lập luận và mắc khá ít lỗi ngữ pháp.

Sang năm thứ 2, bước vào giai đoạn Duy trì, chị Trang bớt được 21 triệu tiền học Speaking nên chỉ còn 15 triệu/năm, tính ra mỗi tháng 1,25 triệu.

Hạ Uyên

Tin mới