(Tổ Quốc) - Có vài thứ nghe vậy mà không phải vậy, bố mẹ nên bình tĩnh trước khi đổ tội cho người khác.
Người ta hay bảo "trẻ con thì biết gì" hay ra đường hỏi già về nhà hỏi trẻ. Trẻ em thì ngây thơ và trung thực, nhưng không phải vì thế mà chúng không biết nói dối. Có hai nguyên nhân khiến con trẻ mắc tật nói dối, một là bắt chước người lớn, hai là buộc phải làm do sức ép. Những lời nói dối đầu tiên của mỗi đứa trẻ đều từ đây mà ra.
Câu chuyện đang được chia sẻ mới đây cũng vậy. Vợ của anh Lý (Trung Quốc) đang nấu ăn thì hết muối nên nhờ chồng mua giúp. Vì đang bận nên ông bố đã đưa 50 nhân dân tệ (khoảng 177.000 đồng) cho con trai và nhờ con xuống siêu thị ngay dưới nhà mua hộ. Một lúc sau, cậu con trai 7 tuổi mang muối lên nhà và nói thu ngân ở siêu thị không trả lại tiền thừa cho mình.
Nghe chuyện, phản ứng ban đầu của anh này là vô cùng tức giận. Cho rằng nhân viên siêu thị thấy con mình còn nhỏ nên cố tình ăn gian, ông bố hùng hùng hổ hổ chạy như bay xuống sân, lớn tiếng với nhân viên yêu cầu làm cho ra lẽ. Mặc nhân viên giải thích đã trả lại tiền thừa, anh Lý vẫn một mực khẳng định con mình không nói dối.
Chỉ đến khi trích xuất camera thì ông bố mới "tâm phục khẩu phục" đưa ra lời xin lỗi. Trong máy quay, rõ ràng thằng bé đã cầm tiền thừa ra về. Thì ra vì quá mê một món đồ chơi nên khi trong tay có tiền, cậu bé đã liều một phen để thỏa lòng mong ước. Mua xong hối hận vì sợ bị ăn đòn nên con trai anh Lý đã đổ thừa cho siêu thị. Việc đã rồi, ông bố đành cố kìm cơn giận, nghiêm khắc giải thích cho con hành động đó là sai và yêu cầu con không được lặp lại nữa.
Trẻ em có thể học cách nói dối vào tuổi lên 3
Ở tuổi lên 3 - độ tuổi trẻ bắt đầu nhận ra người lớn không có khả năng đọc hiểu tâm trí trẻ và điều gì cũng biết. Vì vậy, trẻ có thể nói những điều không đúng sự thật và nghĩ cha mẹ sẽ không phát hiện ra. Trẻ nói dối nhiều hơn ở độ tuổi 4-6 bằng việc kết hợp giọng nói với nét mặt để trông "chuyên nghiệp". Tuy nhiên, nếu người lớn yêu cầu giải thích kỹ hơn, trẻ sẽ thú nhận mình nói dối. Lớn hơn, những lời nói dối sẽ trở nên phức tạp do trẻ đã có vốn từ nhất định và hiểu tương đối rõ về cách người lớn nghĩ.
Nếu trẻ nói dối có chủ ý, đầu tiên phải giúp trẻ hiểu việc này không tốt, tại sao không được chấp nhận và bạn có thể thiết lập một vài quy tắc trong gia đình. Không nên gọi trẻ là "kẻ nói dối" hoặc những câu tương tự. Nếu trẻ nói dối vì muốn thu hút sự chú ý của bạn, hãy cho trẻ thấy mình luôn được quan tâm và không cần thiết phải nói dối nữa. Khen ngợi khi trẻ dám nhận lỗi và thừa nhận đã nói dối. Trở thành hình mẫu cho trẻ noi theo.
Trong một nghiên cứu được thực hiện với sự phối hợp giữa NTU với Đại học Toronto (Canada), Đại học California, Đại học Sư phạm Chiết Giang, Trung Quốc, kết quả cho thấy những người trẻ bị cha mẹ nói dối, lừa dối nhiều lần trong thời thơ ấu có khả năng cao sẽ nói dối cha mẹ khi chúng trưởng thành.
Một số trẻ xem nói dối là chuyện bình thường có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực, thậm chí bất hợp pháp như ăn trộm hoặc lừa đảo. Trường hợp này, người lớn cần tìm đến bác sĩ tâm lý hoặc cố vấn trong trường học để can thiệp kịp thời.
Hiểu Đan