(Tổ Quốc) - Câu chuyện dạy con của chị Hằng nhận được nhiều sự tán thành và yêu thích của các phụ huynh khác.
Kinh nguyệt là một thực tế của cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Chúng ta - những người làm cha mẹ có thể tìm thấy trên google, trong sách ảnh, youtube hàng trăm ngàn cách để trò chuyện cùng con về chuyện kinh nguyệt. Nhưng tất nhiên là chỉ với con gái mà thôi. Có bao giờ bạn tự nghĩ, rằng mình sẽ nói về vấn đề này, với chính đứa con trai của mình?
Có con trai năm nay lên 10 tuổi, độ tuổi của sự tò mò, ham muốn khám phá về mọi thứ, chị Trương Hằng, đang làm việc trong lĩnh vực trị liệu tâm lý online cũng từng trải qua những tình huống nhạy cảm khi con hỏi về chuyện giới tính. Tuy nhiên thay vì đánh trống lảng hay nói giảm, nói tránh, bà mẹ này quyết định đối diện thẳng thắn và trả lời chi tiết những thắc mắc của con.
Câu chuyện dạy con của chị Hằng nhận được nhiều sự tán thành và yêu thích của các phụ huynh khác:
Lúc chiều, mẹ chở bạn Vũ đi mua dụng cụ học tập. Trên đường, nhìn thấy các anh chị học sinh đi học về. Bạn Vũ vừa chỉ tay vừa hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, hôm trước mẹ nói với Vũ là mấy anh chị lớn cỡ này thì gọi là tuổi ti hay là tuổi ni vậy mẹ?
Mẹ cười đáp:
- À, lứa tuổi cỡ mấy anh chị này được gọi là tuổi tin (teen) nha con.
Bạn Vũ lại hỏi:
- Vì sao lại gọi là tuổi teen vậy mẹ?
- Tuổi teen là tuổi dậy thì, đánh dấu giai đoạn của một người chuẩn bị trở thành người lớn. Và dấu hiệu của tuổi teen ở bé gái là xuất hiện kinh nguyệt, ở bé trai là vỡ tiếng.
Bạn Vũ hỏi:
- Vỡ tiếng là sao hả mẹ?
- Là giọng nói của bé trai sẽ trở nên khàn khàn, ồm ồm một thời gian sau sẽ chuyển thành giọng của đàn ông có sự trầm ấm giống như giọng của cha con vậy đó.
Lại vẫn là giọng bạn Vũ:
- Còn kinh nguyệt là sao hả mẹ?
- Là sự xuất hiện chảy máu hàng tháng ở bé gái để đánh dấu về sự phát triển của chức năng sinh sản, có thể mang thai. Mỗi tháng kinh nguyệt ở bé gái sẽ kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày, và điều này được lặp đi lặp lại hàng tháng cho đến khi bé gái trở thành người phụ nữ ở độ tuổi 50, 60 thì chấm dứt. Ví dụ như bà nội của con thì hiện tượng kinh nguyệt sẽ không còn nữa.
Bạn Vũ vẫn chưa hết hỏi:
- Như vậy là mẹ cũng có kinh nguyệt, mẹ cũng bị chảy máu mỗi tháng hả mẹ? Rồi chảy máu ở đâu? Chảy máu có bị đau, bị tổn thương không mẹ?
- Đúng rồi con, mẹ cũng có kinh nguyệt mỗi tháng, và kinh nguyệt là một điều hết sức bình thường khi một bé gái bắt đầu vào giai đoạn dậy thì, cơ thể khi đó bắt đầu có chức năng sinh sản và mang thai. Tuy nhiên, do giai đoạn dậy thì các chức năng còn chưa hoàn thiện nên việc mang thai sẽ có ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ của bé gái.
Máu sẽ chảy ở bộ phận sinh dục, không gây tổn thương nhưng về tâm lý thì thường sẽ gây ra cảm giác khó chịu, nóng tính, dễ sinh cáu gắt, bực bội. Nếu con quan sát con cũng sẽ thấy có những ngày mẹ nghỉ ngơi không làm gì cả, còn cha con thì làm hết tất cả mọi việc mà không hề nói gì với mẹ trái lại còn để yên cho mẹ nghỉ ngơi.
Bạn Vũ lại hỏi:
- Vũ hiểu rồi mẹ, là ví dụ như bé gái có kinh nguyệt ngày 1 tháng 2 thì sẽ kéo dài đến ngày 5 tháng 2 là hết, rồi qua ngày 1 tháng 3 sẽ có kinh nguyệt lại và kéo dài đến ngày 5 tháng 3 là hết phải không mẹ?
- Đúng rồi con nha, và vì sự xuất hiện của kinh nguyệt khi bé gái bắt đầu dậy thì và cả về chức năng mang thai, sinh sản khi bé gái trở thành một người phụ nữ nên con hãy luôn yêu thương, bảo vệ và giúp đỡ cho các bạn gái. Rồi sau này, khi con lớn, con có gia đình, có vợ con thì con cũng hãy hết lòng yêu thương, chăm sóc và bảo vệ cho họ con nha!
- Dạ mẹ!
Theo chị Hằng, kinh nguyệt là chuyện của bé gái, nhưng không vì thế mà chúng ta che giấu với bé trai. Khi chia sẻ với con trai về điều này, chị mong muốn truyền đạt cho con kiến thức về sự khác biệt của cơ thể ở mỗi giới tính để con được hiểu biết, có sự cảm thông và giúp đỡ các bạn gái trong những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
"Thời bây giờ, kinh nguyệt ở bé gái có xu hướng xuất hiện khá sớm, có trường hợp bé gái chỉ mới 7 tuổi thì đã bắt đầu có kinh nguyệt rồi, còn trung bình thì độ tuổi bây giờ rơi vào khoảng 10-12.
Với xu hướng dậy thì sớm như vậy, chắc chắn sẽ gây ra không ít sự hoang mang, lo lắng không chỉ cho phụ huynh mà còn cho cả con. Nếu được phụ huynh chia sẻ trước về vấn đề này để hiểu rằng đây là một việc hết sức bình thường của cơ thể thì tâm lý các con cũng sẽ ổn định và đón nhận vấn đề này một cách thoải mái, cởi mở và nhẹ nhàng hơn", chị Hằng chia sẻ.
Giáo dục giới tính cho con: Đừng e dè
Chị Hằng cho rằng, hiện nay còn có nhiều phụ huynh rất e dè khi nói tới các vấn đề giới tính cũng như thay đổi tâm sinh lý với con cái mình, và một số nguyên nhân cho việc e dè này có thể là: Phụ huynh thiếu kiến thức về giới tính, về tâm sinh lý thay đổi theo từng giai đoạn; Phụ huynh sợ con biết đến các vấn đề này sớm thì tâm hồn sẽ trở nên già dặn đánh mất đi sự vô tư, hồn nhiên vốn có của trẻ con; Phụ huynh sợ mình "Vẽ đường cho hươu chạy'', con biết rồi con sẽ tò mò dễ dẫn đến hư hỏng.
Chị Hằng bắt đầu trò chuyện về giới tính với con khi con ở tuổi mầm non. Ở lứa tuổi này chị chia sẻ với con về sự khác nhau trong cách xưng hô bạn trai, bạn gái, hướng dẫn con cách tự mặc quần áo và cần thay quần áo ở khu vực dành riêng cho bạn trai và bạn gái khi ở trường. Rồi khi đến các nhà vệ sinh công cộng, hướng dẫn con phân biệt khu vực dành riêng cho nam và nữ thông qua hình ảnh có trên các biển chỉ dẫn. Chị cũng để con được tự tắm...
Vấn đề về giới tính, tâm sinh lý của con người là vấn đề muôn thuở, thực tế nên rất cần được nhìn nhận một cách hết sức bình thường. Phụ huynh có thể tham khảo thêm các sách hay các khóa học kỹ năng có nội dung về giới tính, tâm lý lứa tuổi,... giúp vừa có thêm kiến thức, vừa học hỏi thêm các câu chuyện gợi ý liên quan để trò chuyện với con.
Có không ít phụ huynh trả lời với con là "Bố mẹ nhặt được con ở bãi rác/ở công viên/ở nhà ga/..." khi con hỏi bố mẹ "Con được sinh ra từ đâu?" vì e ngại sự nhạy cảm. Tuy nhiên, chính điều này lại gây ảnh hưởng không tốt cho tâm lý của con, có trẻ sẽ vì điều đó mà cảm thấy buồn, cô đơn, xấu hổ, sợ không được bố mẹ yêu thương,... dẫn đến sự nhút nhát, tự ti,...
Do đó, khi trò chuyện với con về các vấn đề liên quan giới tính, tâm sinh lý, phụ huynh nên nói thật để giúp con có được cái nhìn đúng về bản chất sự việc.
"Theo quan điểm cá nhân, mình nhận thấy rằng phụ huynh chúng ta nên nói đúng sự thật về chuyện giới tính, tâm sinh lý với con. Tuy nhiên, tùy vào độ tuổi của con mà phụ huynh có thể nói đầy đủ hay nói một phần của nội dung chủ đề, phụ huynh cũng nên cẩn trọng trong cách dùng ngôn từ diễn đạt sao cho phù hợp với sự hiểu biết của con.
Tuyệt đối tránh sự bối rối hay la mắng khi con đề cập đến vấn đề này vì dễ gây cho con sự xấu hổ, khó hiểu, tò mò rồi mất kết nối với bố mẹ, tự tìm hiểu một mình dễ dẫn đến sai lệch trong nhận thức của con khi đứng trước vô vàn các kiến thức thông tin từ các nguồn cần có sự chọn lọc như hiện nay", chị Hằng chia sẻ.
Hiểu Đan