(Tổ Quốc) - Dưới đây là một số cách giúp bảo vệ đôi mắt cho con trẻ trong mùa dịch.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh các cấp tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, TP.HCM,... hiện đang học online tại nhà. Dù việc học trực tuyến còn nhiều bất cập nhưng trong tình hình dịch diễn biến như hiện tại, đây là giải pháp cần để đảm bảo tiến độ năm học mới.
Hiện tại, điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng nhất. Đó là ngoài việc học online không đem lại hiệu quả như học trực tiếp trên lớp, thì việc để trẻ nhỏ tiếp xúc quá nhiều với màn hình cũng không tốt cho mắt. Một số phụ huynh cho biết, sau buổi học, con thường xuyên dụi mắt, than mỏi mắt liên tục.
Vậy làm thế nào để bảo vệ đôi mắt của trẻ trong mùa học trực tuyến? Chúng tôi xin được mách phụ huynh một số cách sau đây:
1. Cho mắt trẻ nghỉ ngơi theo quy tắc 20/20
Quy tắc này cụ thể như sau: Cứ 20 phút, bố mẹ hãy nhắc trẻ cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn vào một vật cách xa khoảng 6m. Cách này sẽ giúp đôi mắt trẻ được giải lao sau một quãng thời gian nhìn vào màn hình các thiết bị điện tử.
Ngoài ra khi trẻ học online, bố mẹ nên để màn hình sao cho trung tâm màn hình thấp hơn tầm mắt để tránh tình trạng mỏi mắt.
2. Đảm bảo phòng học của trẻ đủ ánh sáng
Phòng học của trẻ cần phải đầy đủ ánh sáng, cần là ánh sáng trắng. Nếu không trẻ rất dễ bị mỏi mắt, ảnh hưởng không tốt đến võng mạc. Bên cạnh đó, bố mẹ lưu ý điều chỉnh độ sáng màn hình trên các thiết bị laptop, điện thoại của con ở mức độ vừa phải, phù hợp với ánh sáng trong phòng, tránh bị chói quá mức hoặc tối quá mức.
3. Điều chỉnh tư thế ngồi học
Bố mẹ nên chọn ghế ngồi và bàn học có thể điều chỉnh được độ cao, giúp con không bị mỏi lưng, cúi đầu. Ngoài ra, bố mẹ nhắc con ngồi học trong tư thế đầu và lưng thẳng, vai xuôi, chân hơi duỗi tạo góc giữa cẳng chân và đùi khoảng 90-130 độ.
Phần thân trên và đùi tạo một góc mở tốt nhất là 100-110 độ, giúp giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống và giảm ảnh hưởng bất lợi lên cột sống. Khi con ngồi học, chiều cao màn hình không được quá cao hoặc quá thấp, gây khó chịu cho mắt và đốt sống cổ.
Khoảng cách từ mắt đến màn hình smartphone, iPad trong khoảng 35-40 cm; với máy tính trong khoảng từ 40-74 cm.
4. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng và các triệu chứng về mắt của con
Chế độ ăn uống cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đôi mắt của trẻ. Theo đó, cha mẹ nên cho con ăn nhiều các thực phẩm như: Bông cải xanh, cam, đậu, quả kiwi, xoài, ngô ngọt, nho,... Các loại trái cây, rau quả này có nhiều các chất lutein, zeaxanthin giúp bảo vệ, chống lại một số bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng,...
Ngoài ra khi con thường xuyên kêu mỏi mắt, nhức đầu thì bố mẹ cần cho con đi khám để kiểm tra xem con có đang gặp phải vấn đề về thị giác nào không.
5. Kết nối điện thoại tới TV
Phương pháp này giúp màn hình học trực tuyến của trẻ được truyền lên màn hình TV, giúp trẻ đỡ nhìn rõ nội dung hơn, đỡ mỏi mắt. Khi phát biểu bài, con vẫn dùng loa và camera của điện thoại.
Tuy nhiên, cách kết nối này chỉ thích hợp với các gia đình có sẵn các loại TV và smartphone đời mới với tính năng chia sẻ màn hình không dây. Nếu TV không hỗ trợ kết nối Wi-Fi, người dùng cần mua thêm dây cáp nối từ điện thoại ra TV.
Cụ thể, các bước kết nối như sau:
Đầu tiên, đảm bảo cả điện thoại và TV cùng sử dụng chung một Wi-Fi. Trên màn hình TV, bấm chọn biểu tượng nhà/Home Dashboard. Bấm chọn tính năng Screen Sharing, Air Paly, AirScreen, Smart View... trên màn hình TV Samsung, Sony, LG tùy theo hệ điều hành máy điện thoại là iOS hay Android.
Cuối cùng, trên điện thoại chọn phản chiếu màn hình và chọn TV bạn muốn kết nối. Chẳng hạn, với điện thoại Iphone, ta chọn phím Home ảo, rồi chọn "Trung tâm điều khiển", chọn "Phản chiếu màn hình", chọn TV cần kết nối. Lúc này trên TV hiện lên 1 dãy số, nhập dãy số đó vào điện thoại là xong. Với điện thoại Samsung tương ứng sẽ là chức năng Smartview.
Thanh Hương