(Tổ Quốc) - Kết luận bất ngờ từ bác sĩ khiến bố mẹ nhận ra bấy lâu nay mình đã quá vô tâm.
Tiến sĩ Nancy Darling, giảng viên tâm lý Đại học Oberlin, Ohio (Mỹ) với gần 40 năm nghiên cứu gia đình có lần chia sẻ, trong một khảo sát trên 100 thiếu niên do bà thực hiện, nhiều đứa trẻ uống rượu và sử dụng chất kích thích. Khi được hỏi liệu bố mẹ sẽ nghĩ gì khi phát hiện ra, những thiếu niên này trả lời: "Họ không quan tâm đâu". "Câu nói này cho thấy bố mẹ chúng chẳng hề để ý đến con cái", tiến sĩ Darling nhận xét.
Con trẻ lúc nào cũng cần sự quan tâm của cha mẹ, nếu không chúng ta sẽ cảm thấy thua kém bạn bè, bị bỏ rơi và dần dà sẽ phát sinh những hệ luỵ đáng lo ngại. Tuy vậy, vì bận rộn làm việc riêng hay gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến nhiều phụ huynh lơ là việc quan tâm, chăm sóc con.
Câu chuyện được chia sẻ từ Tiểu Du - một bác sĩ nhi khoa tại Trung Quốc mới đây cũng khiến nhiều bố mẹ giật mình nhìn lại cách dạy con của mình. Cô kể, một ngày nọ, có một đứa bé tầm 7 tuổi được mẹ dẫn đến phòng khám vì bé liên tục than đau đầu từ sáng. Tuy nhiên, việc kiểm tra không thấy điều gì bất thường nên cô bé chỉ được kê một toa thuốc đau đầu thông thường.
Tưởng mọi chuyện vậy là xong nhưng hai ngày sau đó, bà mẹ lại tiếp tục đưa con đến phòng khám, cũng với một lý do: Bé bị đau đầu. Lo lắng lần trước đã bỏ sót, lần này bác sĩ Tiểu Du quyết định tiến hành dùng nhiều phương pháp để xem xét bệnh tình cho đứa bé, kể cả chụp CT não. Dù vậy nguyên nhân của cơn đau đầu vẫn là một ẩn số.
Tiểu Du đề nghị họ đến bệnh viện lớn có chuyên khoa để được thăm khám toàn diện. Vậy nhưng vài ngày sau, người mẹ trở lại, dường như suy sụp cầu xin cô hãy cứu lấy con mình vì ngay cả bệnh viện lớn cũng không thể tìm ra căn bệnh.
Bác sĩ tỏ ra nghi vấn về ca bệnh này, cô liền nói người mẹ ra bên ngoài phòng khám để một mình đứa bé ở lại và kiên nhẫn hỏi đứa bé một lần nữa. Tuy nhiên những câu trả lời đều không thống nhất, có lúc đứa bé lại nói đau nửa đầu bên trái, lúc sau lại nói bên phải và có vẻ khá bối rối.
Sau một hồi gặng hỏi, cô bé 7 tuổi này mới nói ra sự thật. Cha mẹ của em đều là công nhân và thường xuyên phải xa nhà từ 1 đến 2 tháng. Mỗi lần về lại chỉ ở được ít hôm rồi lại đi. Do đó, cô bé cảm thấy mình bị bỏ rơi, không nhận được sự quan tâm của bố mẹ như các bạn cùng lớp. Để thu hút sự quan tâm của mẹ, cô bé đã giả vờ đau đầu.
Cuối cùng, cô quyết định kê một đơn thuốc cho bé gái, trong đơn thuốc này có 1 chỉ định đặc biệt rằng: "Mẹ nên dành nhiều thời gian mỗi ngày hơn cho con gái!"
Sau khi nhận đơn thuốc từ bác sĩ, người mẹ vô cùng bất ngờ, lát sau chị mới hiểu ra vấn đề. Lúc này chị bật khóc và rối rít nói với con: "Mẹ xin lỗi vì đã bỏ bê con một mình thời gian qua, sau này bố mẹ hứa sẽ ở nhà với con nhiều hơn!".
Giai đoạn trưởng thành, phát triển của trẻ chỉ có thể ghi lại 1 lần, nếu đã bỏ lỡ thì dù hối hận cũng không thể bù đắp lại. Dù trăm công ngàn việc, áp lực cuộc sống lớn như thế nào cũng không thể xem nhẹ việc quan tâm tới con cái.
Nhà xã hội học người Mỹ Patty Huffler đã chỉ ra, đối với những bậc cha mẹ quá bận rộn, họ có thể sử dụng phương thức "thời gian riêng" để có thể gần gũi hơn với con cái. Mỗi ngày, cha mẹ dành cho con cái 1 khoảng thời gian riêng, hãy tắt điện thoại, đóng cửa phòng, chuyên tâm ở cạnh các bé. Tất cả các hoạt động trong khoảng thời gian này hãy để những đứa trẻ tùy ý sắp xếp.
Thời gian dài hay ngắn có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, có thể kéo dài 1 ngày, cũng có thể chỉ trong vòng 15 phút. Bởi vì điều quan nhất không phải bạn ở cạnh chúng trong bao lâu, mà là, bạn có toàn tâm toàn ý cho chúng trong khoảng thời gian đó hay không.
Hiểu Đan