(Tổ Quốc) - Những phụ huynh khác thì cho rằng bà mẹ có chút "chuyện bé xé ra to" nhưng người mẹ có lý lẽ của riêng mình.
Nên cho con học chữ vào lúc nào là câu hỏi của rất nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1. Nhiều phụ huynh có suy nghĩ nên dạy trẻ biết chữ từ sớm, để khi chúng vào lớp 1 có thể đọc thông viết thạo hoặc vì sợ con "thua trên vạch xuất phát". Cũng có người quan niệm vào lớp 1 mới bắt đầu học bởi sợ con nhanh chán khi học chính thức hay lo ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của con.
Trái ngược hoàn toàn với những ông bố bà mẹ ở Việt Nam, có một bà mẹ ở Mỹ khi thấy con mình biết mặt chữ khi còn học mầm non đã vô cùng tức giận. Câu chuyện xảy ra vào năm 1968, nhưng vụ kiện hy hữu và kết quả đáng ngạc nhiên sau đó vẫn được nhiều người nhắc lại như một cách nhắc nhở, rằng với trẻ tiền tiểu học, có nhiều kỹ năng còn quan trọng hơn cả học chữ viết.
Năm 1968, tại tiểu bang Neveda - Mỹ, có cô bé 3 tuổi tên là Edith một hôm chỉ vào chữ cái đầu tiên của từ “open” trên chiếc hộp đựng quà trong nhà mình, và nói với mẹ rằng đó là chữ “O’’. Mẹ của cô bé rất ngạc nhiên nên hỏi, vì sao con biết được đó là chữ “O”? Edith trả lời là cô giáo ở trường dạy thế!
Cho rằng trường mầm non đã tước đi khả năng tưởng tượng của con gái mình, người mẹ ngay lập tức viết đơn kiện trường mầm non mà cô bé đang theo học và đòi phí bồi thường tổn hại tinh thần cho cô bé 1.000 USD. Ngay khi đơn kiện được gửi lên Tòa án tiểu bang Nevada, mẹ bé Edith chính là tâm điểm của cuộc tranh luận. Các thầy cô của trường mẫu giáo cho rằng bà mẹ này nhất định là… bị điên. Những phụ huynh khác thì cho rằng bà mẹ có chút "chuyện bé xé ra to", luật sư của bà cũng không tán thành cách làm của thân chủ mình.
Mặc dù vậy, bà vẫn giữ quan điểm của mình và cho rằng khi chưa biết chữ “O”, con gái bà có thể nói “ O” là mặt trời, là quả táo, là quả trứng gà… Nhưng sau khi trường mầm non dạy cô bé nhận biết đó là chữ “O”, thì Edith đã bị mất khả năng tưởng tượng này.
Ba tháng sau phiên tòa chính thức được mở. Tại tòa án, bà đã tự biện hộ cho quan điểm này của mình bằng cách kể một câu chuyện có nội dung như sau:
“Tôi đã từng đi du lịch một số nước ở phương Đông. Một lần, trong công viên, tôi nhìn thấy hai con thiên nga, một con bị cắt bỏ một cánh bên trái được thả trong một cái hồ lớn; con kia thì còn nguyên vẹn không bị gì, được thả ở cái hồ nhỏ. Nhân viên quản lý ở đó nói rằng, như thế là để cho hai con thiên nga này không bay đi mất, con thiên nga bị mất một cánh bên trái không thể bay vì không giữ được thăng bằng, còn con kia vì thả ở hồ nhỏ nên không có đủ không gian để lấy đà bay. Lúc đó, tôi vô cùng khiếp sợ, khiếp sợ sự thông minh của người phương Đông. Và tôi cũng cảm thấy rất bi ai.
Hôm nay, tôi kiện cho con gái tôi, vì tôi cảm thấy con gái tôi giống như con thiên nga đó ở trong nhà trẻ. Họ đã cắt đứt một cánh tưởng tượng của Edith, đã nhốt con bé trong cái ao nhỏ chỉ có 26 chữ cái quá sớm.
Edison cũng bởi có trí tưởng tượng không thực tế, mới phát minh ra được bóng đèn điện; Newton bởi có tư tưởng sáng tạo ra cái mới, mới phát hiện ra được lực hấp dẫn của trái đất. Có thể khả năng tưởng tượng của Edith không phong phú, nhưng bạn không thể cướp đoạt quyền tưởng tượng của con bé, bởi vì một con thiên nga không có cánh thì vĩnh viễn không bay lên được".
Câu chuyện của mẹ bé Edith kể đã khiến toàn bộ các thẩm phán xúc động và bị thuyết phục. Cuối cùng, trường mầm non thua kiện, một kết quả khiến nhiều người bất ngờ.
Không chỉ có mẹ bé Edith mới phản đối việc dạy chữ cho con khi còn học mầm non mà một bà mẹ người Anh, cô Crystal Lower, cũng đã đăng một bài viết trên mạng xã hội giải thích tại sao việc dạy con biết chữ trước khi vào lớp 1 có thể không phải là cách tốt. Cô chia sẻ cách mình dạy con: “Thằng bé học các vận động thể thao qua việc đuổi theo đùa nghịch với một con chó, nhảy nhót quanh sân và học karatedo. Nó sẽ cần cơ thể này suốt cả đời nên phải rèn luyện cơ bắp thông qua hoạt động thay vì ngồi yên một chỗ học suốt cả ngày”.
Cũng chính từ câu chuyện của bà mẹ trên, tiểu bang Nevada đã sửa đổi “Luật bảo hộ giáo dục cho công dân”, trong đó quyền lợi của trẻ em tại trường học được quy định như sau: “Có quyền được chơi; quyền được hỏi tại sao cũng chính là quyền được sử dụng trí tưởng tượng”.
Câu hỏi "cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, nên hay không?" vẫn chưa có lời hồi đáp chính thức, thuyết phục. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội) cảnh báo, dạy con học trước sẽ hủy hoại khả năng tưởng tượng, sáng tạo, liên tưởng của trẻ. Bởi trẻ dưới 6 tuổi “mù chữ” sẽ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt.
"Việc biết chữ với trẻ Việt là chắc chắn, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ đều được bảo tồn và tôn trọng bằng cách rời xa việc học chữ để con chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn các con sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt", TS Vũ Thu Hương nói.
Hiểu Đan