(Tổ Quốc) - Gọi cửa một lúc lâu thì con mới mở cửa cho mẹ. Lúc đó đứa trẻ đã thay xong đồ. Bà mẹ này hỏi con có điều gì giấu mẹ nhưng đứa trẻ liên tục lắc đầu.
Nhiều bậc cha mẹ thường quát mắng và to tiếng với con mỗi khi bé làm sai. Họ cho rằng cách làm ấy sẽ khiến bé e dè, sợ hãi, lần sau không mắc lỗi nữa.
Bà mẹ người Trung Quốc tên Tiểu Lệ có một cô con gái năm nay lên 6 tuổi. Theo chia sẻ của cô thì buổi chiều hôm đó cô đang nấu ăn trong bếp, con gái về nhà sau khi đã chơi với các bạn trong khu phố. Vì bé đã khá lớn, cô cũng dặn dò con chỉ được chơi trong phạm vi gần nhà. Do đó Tiểu Lệ thường để con tự do với bạn bè mà không theo sát bé kỹ lưỡng như khi còn nhỏ.
Con gái cô vừa về đến nhà thì lập tức vào phòng đóng cửa lại. Bé nói rằng muốn thay quần áo và bé sẽ tự chọn đồ cho mình. Đó không phải điều gì lạ thường, con gái cô đã có khả năng tự thay đồ nên Tiểu Lệ không chú ý lắm.
Nhưng khi cô lên kiểm tra thì phát hiện con gái khóa trái cửa không cho mẹ vào. Trước nay con gái cô chưa hề làm như vậy. Tiểu Lệ nghĩ con gái đang giấu cô điều gì đó.
Tiểu Lệ gọi cửa một lát thì bé mới mở cửa cho mẹ. Lúc đó đứa trẻ đã thay xong đồ. Bà mẹ này hỏi con có điều gì giấu mẹ nhưng đứa trẻ liên tục lắc đầu. Tiểu Lệ quát lớn con nhưng càng mắng thì bé lại càng im lặng không trả lời.
Cuối cùng cô đổi cách nhẹ nhàng hỏi chuyện bé, còn hứa nếu con nói thật thì sẽ mua cho con búp bê mà đứa trẻ yêu thích. Lúc ấy con gái cô mới chịu kể lại mọi chuyện. Biết nguyên nhân mà Tiểu Lệ không khỏi hoảng hốt.
Hóa ra con gái cô bị một con chó trong khu phố cắn vào chân đến rướm máu. Nhưng bé không dám nói cho mẹ biết vì sợ bị mắng. Cũng bởi mỗi lần bé phạm lỗi, chơi đùa làm bẩn quần áo hay vụng về bị ngã xây xước da thì Tiểu Lệ thường mắng con té tát.
Tiểu Lệ lập tức đưa con đến bệnh viện kiểm tra và tiến hành tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh dại cho bé. Nghĩ lại mà cô vẫn thấy sợ hãi, nếu hôm đó cô không để tâm đến sự lạ thường của con và bé giấu kỹ chuyện mình bị chó cắn thì không biết sẽ có hậu quả gì xảy ra. Qua câu chuyện lần này Tiểu Lệ đã rút ra bài học sâu sắc trong cách ứng xử của bản thân khi con mắc lỗi.
Khi con mắc lỗi, nhiều bậc cha mẹ sẽ la mắng, thậm chí dùng đòn roi với con. Nhưng đó là một cách giải quyết sai, sẽ chỉ khiến trẻ thấy sợ hãi mà thôi chứ không có tác dụng giúp bé nhận ra sai sót của mình để sửa đổi.
Cách xử lý đúng của cha mẹ trong trường hợp này là:
- Hỏi han trẻ một cách kiên nhẫn về những gì đã xảy ra và để con tự mô tả lại quá trình sự việc. Bởi đối với con, có thể trẻ sẽ cho rằng hành động đó là đúng mà không ý thức được mình đã làm sai. Vì thế nếu cha mẹ chỉ một mực quát mắng bé, con sẽ không hiểu được tại sao mình bị phạt.
- Giảng giải cho con hiểu đó là một việc làm sai, cụ thể sai ở đâu và sai thế nào. Từ đó bé mới nhận thức được điều mình làm là không đúng.
- Hỏi con các câu hỏi như: "Nếu lần tới gặp phải trường hợp tương tự, con sẽ làm thế nào", "Con có lặp lại việc làm như vậy nữa không?". Để trẻ tự thừa nhận sai lầm của mình, tự giác đưa ra việc phải làm tương lai như vậy sẽ khiến con nhớ kỹ lỗi của mình, lần sau không còn tái phạm nữa.
Trường hợp con gái của Tiểu Lệ, bé thường làm bẩn quần áo hay mải chơi đùa để bị ngã gây thương tích trên cơ thể. Thực ra điều đó không hẳn là trẻ mắc lỗi mà trẻ nhỏ luôn hiếu động và nghịch ngợm, thật khó để tránh được những tình huống tương tự. Do đó cha mẹ không nên mắng mỏ, quát nạt con trong trường hợp này. Hãy hỏi han con nhẹ nhàng và dặn dò trẻ cẩn thận hơn khi chơi đùa. Tránh tình huống như con gái của Tiểu Lệ, bé bị chó cắn nhưng không dám nói với mẹ vì sợ bị mẹ mắng.
Tú Cầu