(Tổ Quốc) - Sau khi đỗ đại học, không còn phải chịu sự giám sát của mẹ, cậu con trai bắt đầu tiêu xài hoang phí, lén mua rất nhiều quần áo hàng hiệu.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, chi phí cho việc nuôi dạy con cái khá cao. Vì lẽ đó mỗi gia đình sẽ có sự điều tiết ngân quỹ nhất định. Nhiều cha mẹ chọn chi mạnh tay cho việc học hành và ăn uống của con sao cho đủ dinh dưỡng. Còn với chuyện quần áo mặc hàng ngày, sẽ tiết kiệm để giảm bớt chi phí hết mức có thể.
Các bậc cha mẹ này có tư tưởng con vẫn còn nhỏ, có thể mặc quần áo cũ (xin được, mua đồ thanh lý, đồ "seconhand") cũng chẳng sao, miễn là không rách, hỏng, còn không cần ăn diện, sắm mới. Nhưng trên thực tế, cha mẹ nên đôi khi cũng cần để ý đến lòng tự trọng của trẻ.
Con phải mặc quần áo cũ suốt từ khi còn nhỏ, đến khi lên đại học thì điên cuồng mua sắm, nợ nần chồng chất
Gần đây, một bà mẹ Trung Quốc phát hiện con mình vay thấu chi đã rất buồn bã. Bà thắc mắc, không hiểu tại sao mình luôn sống tiết kiệm mà con lại chi tiêu không biết điểm dừng như vậy?
Khi đối diện với sự chất vấn của mẹ, cậu con trai khóc và nói ra những suy nghĩ trong lòng. Thì ra mẹ của cậu luôn cố gắng tiết kiệm và hiếm khi mua quần áo mới cho con lúc nhỏ.
Thay vào đó mẹ mua lại quần áo cũ (đồ thanh lý, seconhand) từ người thân và bạn bè để cho con mặc. Người mẹ luôn nhắc con: "Những bộ quần áo này không rách, không hỏng, vẫn có thể mặc tốt, tiết kiệm được bao nhiêu. Nếu mua mới ở ngoài cửa hàng sẽ tốn rất nhiều tiền".
Điều đó trở thành nỗi ám ảnh với người con. Dù mẹ cậu nói đúng việc mặc quần áo cũ có thể tiết kiệm được khoản tiền lớn, nhưng đối với cậu con trai, điều đó khiến cậu cảm thấy bản thân kém cỏi. Đặc biệt là sau khi phải đối mặt với cuộc sống ngoài xã hội. Sự khác biệt giữa phù phiếm và thực tế khiến cậu con trai càng cảm thấy tự ti.
Sau khi đỗ đại học, không còn phải chịu sự giám sát của mẹ, cậu con trai bắt đầu tiêu xài hoang phí, lén mua cho bản thân rất nhiều quần áo hàng hiệu. Khi không đủ chi phí sinh hoạt, cậu con trai bắt đầu vay thấu chi, thậm chí vay lãi suất cao để trả nợ khoản vay…
Cậu biết mình làm không đúng, nhưng lại không thể kiểm soát được bản thân. Khi bước vào đại học, cậu như được giải thoát, muốn quên đi sự thiếu thốn khi còn nhỏ.
Biết được lý do của con, người mẹ không ngừng hối hận vì chính sự tiết kiệm quá mức của bản thân đã khiến con sa ngã. Suy cho cùng, số tiền người con phung phí để giải tỏa vấn đề tâm lý của bản thân còn gấp rất nhiều số tiền tiết kiệm được từ việc mua quần áo cũ thay vì mua mới của mình.
Cho con mặc quần áo cũ để tiết kiệm, có thể có những tác động tiêu cực đến trẻ khi chúng lớn lên không?
Trong mắt người lớn, việc mặc lại quần áo cũ không phải việc gì to tát, nhưng đối với những đứa trẻ chưa trưởng thành về mặt tư duy thì việc phải mặc quần áo cũ là một gánh nặng tâm lý, gây ảnh hưởng đến cảm xúc. Nó khiến trẻ mất hứng với sự trưởng thành trong tương lai.
Việc cho trẻ mặc quần áo cũ xin được, hoặc đồ thanh lý, seconhand khiến trẻ mất quyền lựa chọn, chỉ có thể tiếp nhận một cách thụ động. Do đó có thể khiến trẻ có những nét tính cách thụ động.
Việc mặc quần áo cũ cũng có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, thậm chí ảnh hưởng đến việc trẻ tự đánh giá và nhìn nhận giá trị bản thân. Trẻ sẽ nghĩ rằng chúng không xứng đáng được mặc đồ tốt hơn, chỉ có thể mặc những gì người khác để lại. Ngay cả khi có những tốt, đẹp hơn ở phía trước, trẻ cũng không dám vươn tay ra nhận.
Những đứa trẻ phải mặc lại đồ cũ cũng có thể phải trải qua cảm giác thiếu thốn, làm nảy sinh tâm lý tiêu dùng bốc đồng khi lớn lên. Khi còn nhỏ, trẻ càng thiếu thốn bao nhiêu thì càng muốn bù đắp bấy nhiêu khi lớn lên.
Việc mặc quần áo cũ đã lấy đi rất nhiều hạnh phúc thời thơ ấu của trẻ. Vì vậy khi trưởng thành, hạnh phúc bị mất đi thời thơ ấu sẽ thúc đẩy trẻ phải bù đắp bằng thứ đắt giá hơn.
Tiết kiệm là việc tốt, nhưng bố mẹ nên cân đối tiết kiệm ở mức độ hợp lý
Đối với việc giáo dục con cái, việc rèn được cho con có thói quen tiết kiệm là vô cùng cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên điều gì quá cũng sẽ không tốt. Rèn cho con thói quen tiết kiệm cũng vậy, có thể làm thu hẹp khuôn mẫu giáo dục mà bố mẹ muốn truyền tải cho con.
Khi cha mẹ giáo dục con cái về tính tiết kiệm, nên giáo dục làm sao cho trẻ hiểu rằng tiết kiệm là tận dụng tốt nhất những gì có thể, chứ không phải cắt giảm quá mức chi tiêu cần thiết. Hãy cùng con xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý.
Không có một phương pháp giáo dục nào trên thế giới có thể áp dụng cho trẻ mà không cần điều chỉnh. Vì vậy, bố mẹ khi giáo dục con cái tính tiết kiệm cũng nên xem xét tình hình thực tế của con mình, xem xét các nhu cầu của con, từ đó để trẻ nhìn nhận được đúng đắn về thói quen tiết kiệm.
Lưu Thoa