(Tổ Quốc) - Thay đổi môi trường mới, hoàn toàn không có bạn bè cũ, ngay cả phương pháp học tập, giao tiếp cũng khác xa trường cũ... bé bắt đầu có những biểu hiện "sốc văn hóa".
"4 năm trước, khi bắt đầu cho con bước chân vào môi trường quốc tế, mình cũng không lường trước được chuyện thế giới gặp phải dịch bệnh, rồi kinh doanh đóng băng, thu nhập sụt giảm. Thời gian đầu, hai vợ chồng cũng gắng xoay sở tới đâu hay tới đó, nhưng cuối cùng không gắng được nữa bởi gánh nặng học phí ngày càng cao", chị Quỳnh Mai (TP.HCM) chia sẻ về nguyên nhân phải chuyển con từ trường quốc tế sang trường công lập.
Để chuyển trường cho con, hai vợ chồng phải mất cả tháng suy nghĩ, nâng lên đặt xuống. 25 triệu/tháng thời kỳ còn ăn nên làm ra là một số tiền không lớn, nhưng hai năm nay, công ty gia đình chị hầu như không có thu nhập. Để lo tiền mặt bằng, chi phí sinh hoạt cũng đã là điều khó khăn. Đầu năm học vừa qua, chị Mai đành ngậm ngùi xin rút hồ sơ chuyển trường cho con. Mặc dù tiếc cho vốn tiếng Anh của con có được từ ngôi trường quốc tế, song người mẹ này không còn cách lựa chọn khác.
"Trong giai đoạn nghỉ dịch, dù học online nhưng nhà trường vẫn chỉ giảm 10% học phí. Mỗi khi đến kỳ nộp học phí là cả nhà như ngồi trên đống lửa, không khí nặng nề, u ám. Mình nghĩ nếu cứ thế này thì con càng ảnh hưởng tâm lý hơn. Thôi thì coi như cơ hội để con trải nghiệm một môi trường mới và chịu cho quen áp lực. Nếu không thể theo được đến cùng thì thà rút sớm chứ để vài năm nữa mới xin ra thì con mình sẽ không thể theo kịp các bạn ở trường mới", chị Mai nói.
Theo chị Mai, ưu điểm lớn nhất của trường công lập chính là khung chương trình giáo dục chuẩn và truyền thống, việc tiếp nối các bậc học trở nên dễ dàng hơn cho học sinh. Con phải cọ xát nhiều với môi trường bạn học xuất thân từ những hoàn cảnh gia đình khác nhau, kỷ luật nghiêm khắc, có sự ganh đua, có mục tiêu để phấn đấu.
Tuy nhiên, vấn đề mà con chị Mai gặp phải là thay đổi môi trường đột ngột. Từ trường quốc tế xuống tư thục đã là một cách biệt, bé lại còn từ trường quốc tế xuống trường công. Một nơi hoàn toàn không có bạn bè cũ, ngay cả phương pháp học tập, giao tiếp cũng khác xa trường cũ... bé bắt đầu có những biểu hiện "sốc văn hóa".
Con trở nên khép kín, không trò chuyện, mê game nhiều hơn
Vốn là đứa trẻ năng nổ, hướng ngoại nhưng từ khi chuyển trường, con chị Mai trở nên trầm tính hẳn. Con khóa cửa phòng không chịu tiếp xúc với ba mẹ, chỉ đến giờ ăn mới ra ngoài. Con chán ăn, không quan tâm đến việc giữ gìn vệ sinh, mê chơi game nhiều hơn.
Trước đây (nghĩa là trước năm lớp 5) bé học hành rất ngoan và tự giác, rất sạch sẽ, phụ giúp mẹ việc nhà… nhưng bây giờ con không làm gì cả. Con nói chuyện nhát gừng, hay cãi lại, học hành sa sút… Học kỳ 1 chỉ đạt điểm trung bình.
Sau khi tham vấn chuyên gia tâm lý và bạn bè, chị Mai quyết định thay đổi cách tiếp cận với con. Biện pháp là nhắc nhở nhẹ nhàng và sai việc gì thì kiên nhẫn chờ con thực hiện sau 5-15 phút. Mỗi ngày khen, động viên con. Tuyệt đối tránh nóng nảy, ép con học.
Bên cạnh đó, chị Mai cũng nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm để cô biết tình hình của con và có biện pháp phù hợp giúp đỡ con. Mất 1 tháng ba mẹ động viên giải thích các kiểu. Đến 1 ngày chị đón bé về buổi trưa, hẹn hò riêng đi ăn chỉ 2 mẹ con ăn món con thích. Mẹ mua tặng con bộ đồ chơi con mơ ước, đưa con về nhà ngủ trưa với mẹ (mọi ngày bé ngủ trưa ở trường, buổi tối thì ngủ riêng phòng) rồi thủ thỉ động viên, hỏi con về cảm xúc hiện tại, chuyển trường liệu có khó khăn gì cho con?
Sau khi con nói ra tâm tư mong muốn thì ghi nhận những cái sai và hứa cố gắng sửa đổi. Rồi sau ngày hôm đó con mới mở lòng dần chấp nhận môi trường mới.
"CHỐNG SỐC" cho con, cha mẹ phải là "nhà tâm lý"
Nói về kinh nghiệm "chống sốc" cho con khi chuyển từ môi trường quốc tế sang công lập rút ra được từ chính trường hợp con mình, chị Mai cho rằng, sai lầm của vợ chồng chị thứ nhất là không có nguồn ngân quỹ dự phòng cho trường hợp khẩn cấp của con, trong khi công việc kinh doanh không phải bao giờ cũng thuận buồm xuôi gió.
Thứ hai, gia đình đã không chuẩn bị tâm lý kỹ cho con trước khi vào môi trường mới. Thứ ba, vì nôn nóng trước thành tích đi xuống của con nên chị nhiều lần có lời nói nặng nề, tiêu cực với con mình. Khi tâm lý không muốn tiếp nhận thì kiến thức học có dễ cũng không học vào.
"Có một vấn đề nữa là các bé khi chuyển từ tư sang công còn trở thành tâm điểm chú ý của các bạn cùng lớp, trường. Sau này mọi chuyện ổn hơn, con mình mới tâm sự ngày đầu tiên, con nghe được những lời xì xào và võ đoán của bạn bè trong lớp: Chắc là vì nhà hết tiền, hay là bị đuổi học, hay là học không nổi vì dốt tiếng Anh... nên mới chuyển từ trường "nhà giàu" sang trường "thường". Những vấn đề này bắt buộc bố mẹ phải theo sát, hỏi han con để con mở lòng thì mình mới biết được", chị Mai chia sẻ.
"Muốn con cởi mở lại thì mình nghĩ cũng cần cho con 1 thời gian, để con thấy được lắng nghe, được hiểu, được chạm đến những tổn thương, con đủ tin tưởng để mở lòng ra... Tính xấu của mình là hay áp đặt con, dễ mất kiên nhẫn. Nhưng rất may là mình nhận ra sớm để điều chỉnh.
Mình nhận ra, cái gì mà bạn càng cấm bé sẽ càng làm, nhưng bé sẽ giấu và không bao giờ kể ra. Nói chung là bố mẹ kiên nhẫn thường xuyên tâm sự, thường xuyên quan tâm cảm xúc và chịu khó lắng nghe và giải đáp thì dần con sẽ thay đổi. Cố đặt mình vào vị trí của con để hiểu con".
Đừng cho con học trường quốc tế bằng mọi giá
Chị Mai cho biết, để không bị đứt gánh giữa đường ở trường quốc tế thì ít nhất phải có vài tỷ đồng gửi sẵn ở ngân hàng. Việc học của một đứa trẻ kéo dài ít nhất cũng 12 năm. Thường mọi người luôn nghĩ đến những hoàn cảnh lạc quan nhất như công việc ổn định, lương cao... nhưng năm nay với đại dịch Corona, ít nhiều tất cả chúng ta đều thấm và học được những bài học mới về sự thay đổi khó đoán của cuộc sống.
Nếu còn do dự khoản học phí thì phụ huynh đừng "cố đấm ăn xôi", đến lúc "đuối" mới rút thì đổ hết công sức xuống sông xuống biển. Bởi chương trình học ở trường quốc tế nhẹ hơn nhiều nên khi quay trở lại môi trường học cũ, trẻ sẽ có cảm giác bị mất căn bản, rất chật vật để đuổi kịp bạn bè.
Hiện nay chị Mai cho con học thêm Anh văn ở một trung tâm ngoại ngữ, đồng thời đăng ký thêm vài lớp năng khiếu mà con thích. Chị Mai cũng chú trọng việc cho con tham gia các lớp kỹ năng để phát triển kỹ năng mềm - điều mà chị cho rằng các trường công hiện đang thiếu.
Mặc dù thời gian đầu bé cũng bị đuối sức, song sau 2 tháng miệt mài gần đây, con đã dần đuổi kịp các bạn trong lớp. "Nếu sau này con có ý định đi du học mà kinh tế gia đình khá hơn thì mình sẽ đầu tư. Thực sự có nhiều học sinh xuất thân từ những trường bình thường ở Việt Nam nhưng học giỏi rồi giành được học bổng qua nước ngoài học vẫn thành danh. Thôi thì giờ hy vọng vào thái độ học hành của cháu chứ mình cũng không đặt nặng áp lực gì cả", người mẹ chia sẻ.
Hiểu Đan