(Tổ Quốc) - Thiếu hụt từ giường bệnh cho đến vaccine. Tình cảnh này giống như một cái tát đối với Ấn Độ - nơi đã từng tự hào là đất nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.
Sagar Kishore Naharshetivar đã lái chiếc xe bán tải của mình khắp vùng phía Nam Ấn Độ. Cha anh nằm trên thùng xe, cạnh đó là bình oxy. Ông nhiễm Covid-19 và cần được điều trị. Nhưng suốt tuần qua, họ đã thử tất cả các bệnh viện có thể trong 3 thị trấn khác nhau. Tất cả đều kín chỗ.
"Chúng tôi không thể tìm nổi một giường bệnh cho bố, mà cũng không thể đưa bố về nhà với tình trạng này" - Naharshetivar trả lời một kênh truyền hình địa phương. Họ đã lái xe suốt 24h liên tục. "Bình oxy sắp cạn rồi" - Naharshetivar liếc mắt đầy ái ngại về phía bố mình.
Cách thủ đô New Delhi khoảng 1000km, những bệnh nhân chết lạnh trên băng ca, khi người thân cố gắng đưa họ vượt qua đám đông chen chúc tại lối vào bệnh viện. Họ đã phải chờ quá lâu, để rồi tất cả là quá muộn.
Người dân khóc nấc bên thi thể người thân tại Ấn Độ
Ở tiểu bang Gujarat phía Tây Ấn Độ, một người đàn ông khác đang khóc nấc bên thi thể người thân - là một bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 và chết ngay trong bãi giữ xe. Bệnh viện ấy quá đông, và bệnh nhân này chưa đến lượt được chăm sóc. Tiếng tranh cãi nổ ra bên cạnh sự thổn thức, ồn ào một cách thê lương.
Và đó chẳng phải trường hợp cá biệt. Những khung cảnh tương tự đang xảy ra tại các bệnh viện trên toàn Ấn Độ, khi hệ thống y tế tại đây sụp đổ vì làn sóng dịch bệnh gia tăng quá kinh khủng. Trong ngày 22/4, Ấn Độ xác nhận có gần 315.000 ca nhiễm mới trong 24h - một kỷ lục lây nhiễm của thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Các giàn thiêu quá tải, phải thiêu thi thể người bệnh ngoài trời trong những lần hỏa táng tập thể
Hệ thống y tế sụp đổ, kèm theo đó là nỗi sợ bạo loạn, phá vỡ luật lệ. Các bình oxy giờ được vận chuyển với lực lượng cảnh sát đi kèm, ngăn chặn cướp đường. Chợ đen bán trang thiết bị y tế được dịp thăng hoa. Hôm 22/4, một lượng lớn vaccine đã bị trộm từ nhà kho của một bệnh viện ở Haryana, nhưng sau đó kẻ trộm đã trả lại kèm theo một mảnh giấy xin lỗi. Theo cảnh sát, tên trộm có lẽ muốn nhắm vào thuốc chữa bệnh, thay vì vaccine. Mà dù là cái nào thì cũng đều đang thiếu hụt cả.
Người dân hiện phải tìm cách tích trữ bình oxy tại nhà, sau khi nhận ra việc cố gắng để nhập viện vào lúc này thực sự là không tưởng. Trên mạng xã hội, hàng trăm ngàn tin nhắn cầu cứu được phát đi, mong tìm được giường bệnh, được cấp oxy, thuốc kháng virus, và vaccine. Thậm chí, một phóng viên còn chủ động ghi lại quá trình oxy trong máu tụt xuống trên Twitter, cho đến khi anh qua đời.
"Tôi chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng và bất lực như lúc này,- Bác sĩ Trupti Gilada nói trong một video cô tự quay và đăng trên Facebook, khi đang ngồi vào xe bên ngoài bệnh viện ở Mumbai. "Người trẻ ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi có bệnh nhân chỉ 35 tuổi phải dùng máy thở."
Tại sao niềm hy vọng bị địa ngục nhấn chìm?
Nhìn vào biểu đồ, làn sóng lây nhiễm của Ấn Độ trông giống như một bức tường dựng đứng, thay vì là một đường cong tăng dần. Một làn sóng khiến người dân phải hoảng sợ, vì nó đến chỉ 1 tháng sau khi số ca nhiễm giảm xuống thấp kỷ lục hồi tháng 2/2021.
Biểu đồ số ca nhiễm tại Ấn Độ giống như một bức tường dựng đứng (Ảnh: BBC)
"Một niềm tin phổ biến ở đất nước này - từ công chúng cho đến các nhà lập pháp, đó là Ấn Độ sẽ không phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 2. Và thật không may, điều đó khiến tất cả trở nên chủ quan" - trích nhận định của Tiến sĩ K. Srinath Reddy, cố vấn y tế cho chính phủ Ấn Độ.
"Rõ ràng là việc mở cửa lại xã hội - từ du lịch, bầu cử, tụ tập tôn giáo, đám cưới - đã tạo ra các sự kiện siêu lây nhiễm."
"Đồng thời biến chủng mới với khả năng lây nhiễm hiệu quả hơn đã làm tăng tốc độ lây lan."
Tháng 3/2021, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo xác định được 771 biến chủng virus corona tại quốc gia này, trong đó có biến chủng từ Anh, Nam Phi và Brazil. Cùng với đó còn là một "biến chủng kép" với 2 lần đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm và có thể né tránh vaccine.
(Lưu ý: tất cả các biến chủng đều trải qua nhiều lần đột biến, nên sau biến chủng này được gọi là B1617)
Mọi thứ đều thiếu hụt tại Ấn Độ, từ giường bệnh, oxy, thuốc chữa cho đến vaccine
Nỗi sợ ngày một dâng cao, khi truyền thông Ấn Độ báo cáo có trường hợp người được tiêm đủ 2 mũi vaccine cũng nhiễm bệnh - bao gồm cả cựu Thủ tướng Manmohan Singh (88 tuổi) đã nhập viện hơn 3 tuần vì nhiễm Covid-19 sau khi được tiêm mũi thứ 2 từ ngày 3/4. May mắn là theo cập nhật ngày 20/4, tình trạng của ông đã trở nên ổn định.
Dẫu vậy theo các chuyên gia, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào về việc vaccine trở nên mất tác dụng. Chưa rõ mức độ mắc bệnh của những người được tiêm chủng đầy đủ là như thế nào, cũng như họ mắc phải biến chủng nào trong số hàng trăm biến chủng đang tồn tại ở Ấn Độ.
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy có khoảng 132 triệu liều đã được phân phối. Nghe thì lớn, nhưng xét trên quy mô dân số 1,4 tỉ, nghĩa là chỉ dưới 10% được tiêm mũi đầu tiên, và số người được tiêm đủ 2 mũi là nhỏ hơn 2%. Ngày 20/4, một báo cáo cho thấy khoảng 0,03 - 0,04% người được tiêm đủ có xét nghiệm dương tính với virus corona. Được biết, Ấn Độ hiện đang áp dụng 2 loại vaccine - 1 là AstraZeneca từ Oxford, và 1 là vaccine nội địa do công ty Bharat Biotech sản xuất.
"Ngay cả khi B1617 đã là biến chủng đáng sợ nhất, đây vẫn là tin rất xấu cho Ấn Độ, nếu các quốc gia khác áp dụng các biện pháp hạn chế để ngăn biến chủng lây lan" - nhà toán học Christina Pagel từ ĐH College London nhận định. Trên thực tế, trong tuần qua Anh đã siết chặt hầu hết các chuyến bay từ Ấn Độ. CDC Hoa Kỳ cũng cảnh báo người dân không tới Ấn Độ vào lúc này kể cả khi đã tiêm chủng đầy đủ, đồng thời nhấn mạnh sự hiện diện của "biến chủng Ấn Độ".
Những kỷ lục đáng buồn
Ngày 22/4, số ca nhiễm tại Ấn Độ trong 24h là hơn 332.000, vượt qua kỷ lục hơn 313.000 được thiết lập tại Mỹ vào ngày 8/1/2021. Nhưng thậm chí, kỷ lục đó có thể chỉ là một phần nhỏ của hiện thực, vì đất nước đang thiếu hụt bộ xét nghiệm trầm trọng.
Số ca tử vong trong ngày hôm đó cũng phá kỷ lục của quốc gia này, với 2104 ca trong vòng 24h. Lại một lần nữa con số này chưa chắc đã đúng, vì có rất nhiều người tử vong ngoài bệnh viện, và họ chưa được xét nghiệm. Thi thể chất chồng tại nhà xác. Các nhà hỏa táng hoạt động hết công suất cũng chẳng kịp.
"Làn sóng dịch bệnh lần 2 càn quét như một cơn cuồng phong" - Thủ tướng Narendra Modi phát biểu.
Để ứng phó, chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng vào ngày 1/5, áp dụng cho toàn bộ công dân trên 18 tuổi (trước đó chỉ dành cho người trên 45 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu và những người có rủi ro cao). Nhưng kế hoạch là vậy, còn từ đầu tháng 4, hàng trăm cơ sở y tế trên cả nước đã cạn kiệt vaccine. Người dân đến tiêm chỉ để thấy tấm biển "đóng cửa vì thiếu nguồn cung" dán ở đó.
Tình cảnh này giống như một cái tát nặng nề vào Ấn Độ - nơi đã từng tự hào khi trở thành quốc gia sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài. Giữa bối cảnh rối ren, CEO của Viện Serum Ấn Độ - nhà sản xuất vaccine lớn nhất nước, đã đăng lên Twitter lời cầu xin Tổng thống Biden dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu nguyên liệu thô. Bởi lẽ dù vaccine của họ dù có được sản xuất trong nước, nguyên liệu sản xuất vaccine vô trùng vẫn phải nhập về từ Mỹ.
Kumbh Mela - sự kiện tôn giáo có quy mô lớn nhất thế giới vẫn được tổ chức tại Ấn Độ, trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm
Khả năng ứng phó của chính phủ Ấn Độ cũng bị đặt dấu hỏi lớn. Họ vẫn cho phép lễ Kumbh Mela - một trong những sự kiện tôn giáo tập trung đông đảo tín đồ bậc nhất thế giới. Sự kiện này sau đó cũng trở thành siêu lây nhiễm, với hàng ngàn người dương tính với virus corona.
Ngày 20/4, Thủ tướng Modi vẫn từ chối ý kiến phong tỏa toàn quốc, cho rằng các tiểu bang chỉ tiến hành phong tỏa khi không còn lựa chọn nào khác. "Hãy làm mọi thứ có thể để không bị phong tỏa. Hãy cố gắng phong tỏa cục bộ thôi." "Cục bộ" có nghĩa là áp dụng cho các tòa nhà có ca nhiễm, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Chỉ tại Mumbai và Delhi là có áp dụng phong tỏa thành phố: muốn di chuyển phải được cấp phép, mọi người làm việc tại nhà (trừ công nhân viên tuyến đầu và ngành thiết yếu), người dân không được ra ngoài...
Phong tỏa dĩ nhiên là một sự đánh đổi. Lần phong tỏa lớn nhất thế giới hồi tháng 3/2020 của Ấn Độ đã khiến nền y tế toàn quốc suy thoái tới 24%, và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân quyền nặng nề với rất nhiều công nhân di cư chết đói ngoài đường phố. Tình cảnh tương tự cũng đang xảy ra với Delhi. Chỉ mới ban hành lệnh phong tỏa thôi, các trạm xe bus và tàu hỏa lại chen chúc bởi công nhân di cư, tìm cách trốn khỏi thành phố để về quê. Giãn cách xã hội thì... quên đi.
Quay trở lại với câu chuyện của Naharshetivar. Sau 24h lái xe chở cha tìm giường bệnh, anh bắt đầu tự hỏi không biết cha còn cầm cự được đến bao giờ.
"Nếu không thể có giường cho ông, thì làm ơn, liệu có bác sĩ nào giải thoát ông bằng một cái chết không đau đớn..." - anh khóc nấc trước máy quay của phóng viên.
Nguồn: The Guardian, BBC, Wamu
J.D