Con 4 tuổi dọa "Không cho xem tivi sẽ phá", bà mẹ ở Hà Nội chỉ nói một câu mà bé thay đổi ngay thái độ

(Tổ Quốc) - Trẻ con thì cũng chỉ là những con người, không phải máy. Có lúc con sẽ không biết phải làm thế nào để đối mặt với cảm giác tiếc nuối, bất lực và tức giận khi không có được thứ mình muốn.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không thuộc về toà soạn.

Bố mẹ nào cũng biết rằng cho con tiếp xúc với tivi, các thiết bị điện tử nhiều là điều vô cùng có hại. Nhưng với trẻ em, sức hút từ những bộ phim hoạt hình, những video thú vị luôn hết sức mạnh mẽ. Việc lôi kéo chúng ra khỏi màn hình, dù đã quy ước sẵn, đôi khi vẫn rất khó khăn.

Giống như bao bà mẹ khác, chị Nguyễn Thị Thu Thủy - 29 tuổi (Nhân viên văn phòng/freelance writer), mẹ của 2 em bé Lạc (4 tuổi) và Bia (2 tuổi) cũng khá đau đầu bởi những phản ứng lắm lúc tiêu cực của con mình khi bị yêu cầu tắt tivi.

Con 4 tuổi dọa "Không cho xem tivi sẽ phá", bà mẹ ở Hà Nội chỉ nói một câu mà bé thay đổi ngay thái độ - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, mẹ của 2 em bé Lạc (4 tuổi) và Bia (2 tuổi).

Tuy nhiên, sau nhiều lần "tức nổ đom đóm mắt" và cảm thấy "không ổn" mỗi khi quát mắng hay tét mông con, chị Thủy nhận ra rằng, thực tế con không hư, con chỉ đang không biết cách xử lý cảm xúc. Bà mẹ này, vì thế đã chọn cách xử sự khác.

Chúng tôi xin chia sẻ lại câu chuyện của chị Thủy:

Lạc 4 tuổi, vẫn được xem Youtube trong khoảng thời gian giới hạn mỗi ngày. Khi mẹ thông báo hết giờ, Lạc sẽ miễn cưỡng tắt đi vì biết "Mommy's word is gold" (Lời mẹ là vàng). Thường thì con sẽ nhanh chóng tìm được trò khác để chơi, không đòi xem thêm.

Nhưng cũng có lúc mọi chuyện không đơn giản như thế. Trẻ con thì cũng chỉ là những con người, không phải máy. Có những hôm xem tập phim hay quá, Lạc vẫn muốn xem nữa nhưng mẹ bảo không được. Vậy là Lạc "khẩu phục nhưng tâm không phục", sau khi tắt TV sẽ cố tình nghịch phá việc mẹ đang làm hoặc hét to khi em đang ngủ. Thậm chí, có lần Lạc còn nói: "không cho con xem thì con sẽ phá mẹ".

Chao ôi! Mình tức nổ đom đóm mắt ra ấy chứ!

Lúc đó thì mình sẽ làm gì? Điên tiết lên và tét cho cái vào mông? Quát mắng và phạt đứng xó? Được thôi, làm thế sẽ lập tức dập tắt hành vi xấu và (thật lòng nhé) có phần hả dạ vì trút được cơn giận của mình.

Nhưng tiếc là mình luôn cảm thấy không ổn sau những lần như vậy.

Bởi vì, chính mình đã từng ở trong vị trí của Lạc. Mình vẫn nhớ lắm, một lần khi học tiểu học, chiều hôm đó trên kênh Hà Nội có chiếu phim hoạt hình "Người đẹp ngủ trong rừng", còn VTV thì chiếu bóng đá trực tiếp. Mình đang xem hoạt hình thì bị bố mẹ bắt chuyển sang kênh bóng đá một cách không thương tiếc.

Mình đã vô cùng, vô cùng, vô cùng tức giận và ấm ức. Cảm giác vừa tiếc nuối vì không được xem chương trình mình yêu thích, vừa bất lực vì không được quyền quyết định, vừa tức giận vì bố mẹ không chịu lắng nghe mình.

Và mình hiểu cảm xúc của Lạc.

Con không hư. Con chỉ đang vật lộn với những cảm xúc khó chịu. Con không biết phải làm thế nào để đối mặt với cảm giác tiếc nuối, bất lực và tức giận khi không có được thứ mình muốn.

Con 4 tuổi dọa "Không cho xem tivi sẽ phá", bà mẹ ở Hà Nội chỉ nói một câu mà bé thay đổi ngay thái độ - Ảnh 2.

Cảm giác vừa tiếc nuối vì không được xem chương trình mình yêu thích, vừa bất lực vì không được quyền quyết định sẽ vô cùng khó chịu. (Ảnh minh họa)

Không chỉ trái tim, mà cả trí óc của mình cũng mách bảo: Sẽ là hoàn toàn sai lầm khi dùng quát mắng, hình phạt để dập tắt biểu hiện bề ngoài của những cảm xúc đó. Nhiệm vụ của người lớn là hiểu cho cảm xúc của con và hướng dẫn con cách xử lý cảm xúc đúng mực.

Đừng để cho tâm trí bạn vội vàng phán xét

Đừng để cho tâm trí bạn vội vàng phán xét: "Láo quá", "không thể chấp nhận được", "hư quá mất rồi".

Hãy đứng từ góc độ khách quan và xem xét trải nghiệm của con: con đang trải qua tình huống gì, con cảm thấy thế nào. Sau đó, hãy là "huấn luyện viên tâm lý" của con, hướng dẫn con cách đối diện với những cảm xúc tiêu cực.

Mình biết là khó. Bởi vì chính chúng ta cũng được nuôi dạy giữa những xu hướng đầy phán xét. Mình luôn yêu và biết ơn bố mẹ của mình, nhưng đó là tình trạng chung của xã hội mà chúng ta đang sống. Nhưng chúng mình có quyền lựa chọn để vượt ra khỏi khuôn mẫu của bố mẹ chúng mình, phải không nào?

Mình đã bình tĩnh và nói với Lạc: "Mẹ biết con đang thấy khó chịu vì con vẫn muốn xem nữa mà không được. Con có đang cảm thấy tức giận không? Buồn không? Con nói cho mẹ nghe nào." Và sau khi đã xuôi xuôi thì mình mới giải thích "Vì mẹ yêu đôi mắt của con và không muốn đôi mắt xinh này bị cận thị vì xem nhiều. Con cũng thương đôi mắt của con phải không?".

Con 4 tuổi dọa "Không cho xem tivi sẽ phá", bà mẹ ở Hà Nội chỉ nói một câu mà bé thay đổi ngay thái độ - Ảnh 3.

Những lần đầu con vẫn vùng vằng không hợp tác, nhưng cảm xúc tồi tệ được đón nhận và lắng nghe thì rồi cũng sẽ trôi qua. Và mỗi lần như vậy, Lạc lại vững vàng trước cảm xúc tiêu cực hơn một chút. Đã có những lần, con vui vẻ tắt và tự nói với mình: "Con cho mắt con nó nghỉ, mai mẹ lại cho xem mẹ nhỉ?"

Thực ra, bạn có quyền nói mình giáo điều. Hằng ngày chúng mình đi làm kiếm tiền, chịu bao nhiêu áp lực, vậy mà về nhà lũ trẻ lại không biết điều, hư hỗn với mình thì thật là chỉ muốn tăng xông. Mình biết.

Nhưng tăng xông là cách giải quyết mì ăn liền và nó cũng như món nợ lãi cao, một ngày nào đó cả bạn và con bạn phải chịu cả vốn lẫn lãi. Vậy nên, thay vì để cho cảm xúc của mình và con cùng cháy bùng như dầu đổ vào lửa, thì hãy bắt đầu bằng việc chăm sóc cảm xúc của bản thân và dạy con cách làm điều đó.

Xử lý cơn nóng giận trong 3 bước

Nhận biết khi cơn giận tới

Lần tới khi con có một hành động khiêu khích sự kiên nhẫn của bạn, hãy tập trung quan sát những thay đổi trong cơ thể và tâm trí mình để nhận thấy cảm xúc giận đang dâng lên như thế nào. Đó là bước đầu tiên để bạn quay về trạng thái tỉnh thức. Còn nếu bạn cứ giữ mình trong trạng thái chạy tự động, chẳng mấy chốc cơn giận sẽ thúc đẩy bạn phản ứng thiếu suy nghĩ.

Tạm dừng phản ứng và quan sát cảm xúc

Khi cơn giận tới, bạn sẽ có cảm giác muốn phản ứng lại ngay bằng những hành động hay biểu cảm tiêu cực. Ngay khi bạn nhận biết được cảm xúc giận đang dâng lên, hãy dừng mọi phản ứng lại. Bạn có thể dừng phản ứng bằng cách tập trung vào hơi thở, tưởng tượng ra một cảnh tượng bình yên như bầu trời trong xanh hay mặt hồ phẳng lặng, quay đi một chút hoặc đi sang một phòng khác (vẫn đảm bảo con an toàn). Trong trải nghiệm của mình, việc tập trung vào hơi thở có tác dụng tức thì: Vì tâm trí tập trung vào hơi thở, ta sẽ tạm thời ngăn cảm xúc chi phối hành động. Đây chính là một dạng thiền.

Việc tập trung vào hơi thở có tác dụng tức thì: Vì tâm trí tập trung vào hơi thở, ta sẽ tạm thời ngăn cảm xúc chi phối hành động. Đây chính là một dạng thiền.

Tuy nhiên, cảm xúc giận vẫn còn đó. Bạn hãy quan sát nó và đào sâu hơn theo hai hướng. Thứ nhất: Bạn đang thế nào? Bạn có đang mệt vì trưa không được ngủ? Bạn đang chán và cần làm gì mình thích để tái tạo năng lượng? Bạn đang cảm thấy cô đơn vì lâu rồi không được tâm sự với ai đó? Thường thì ta có xu hướng quên mất nhu cầu của bản thân, và có vẻ ta chỉ chờ con gây sự để bộc lộ hết những mệt mỏi và thiếu thốn đó ra. Như vậy không công bằng đối với đứa trẻ. Hãy chú ý tới những nhu cầu đó. 

Thứ hai, hãy đặt mình vào vị trí của con. Đứa trẻ có nhu cầu gì chưa được đáp ứng? Hành động đó có phải là biểu hiện của một giai đoạn bình thường? Có phải bạn đã đặt ra những kỳ vọng không thực tế cho con? 

Thể hiện cảm xúc giận trong bình tĩnh

Sau một quãng quan sát cảm xúc, chúng ta phần nào bình tĩnh trở lại. Nhưng bạn vẫn cần để cảm xúc thoát ra ngoài bằng cách nói cho con biết. Hãy nói bằng giọng bình tĩnh, chân thành nhất có thể, như thể bạn đang chia sẻ, tâm sự và mong nhận được sự đồng cảm từ con: "Bố/mẹ đang cảm thấy giận và buồn vì con đẩy em con ngã. Bố/mẹ muốn con và em yêu thương nhau cơ". 

Con được tôn trọng và hiểu hành động của mình đã chạm giới hạn, và qua thời gian sẽ tự điều chỉnh hành vi. Tin tôi đi, trẻ con cũng không muốn làm bố mẹ buồn đâu, vì bố mẹ là người mà chúng yêu thương nhất.

Kỹ năng xử lý cơn giận là thói quen cần luyện tập, không phải một sớm một chiều mà có được. Ngay cả những bố mẹ kiên nhẫn nhất hay đã luyện tập trong thời gian dài, vẫn có những lúc không xử lý được cơn giận theo cách mình mong muốn. Điều quan trọng là hôm nay bạn bình tĩnh hơn hôm qua, và ngày mai bạn bình tĩnh hơn hôm nay, dù chỉ là một chút.

Con 4 tuổi dọa "Không cho xem tivi sẽ phá", bà mẹ ở Hà Nội chỉ nói một câu mà bé thay đổi ngay thái độ - Ảnh 5.

Hiểu Đan

Tin mới