(Tổ Quốc) - Với Mục "Ăn", em T. điền vào ô trống chữ "Không biết". Mục "Mặc và trang sức", T. điền vào ô trống một chữ tục tĩu.
Thời gian gần đây, dư luận xôn xao trước vụ việc của cô giáo Nguyễn Thị Tuất tại trường tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai (Hà Nội). Theo đó cô giáo này có phản ánh về chuyện bị BGH nhà trường "trù dập", sau khi tố cáo một số sai phạm trong phân công chuyên môn, thu chi tài chính.
Cô Tuất cho biết Ban giám hiệu trường Tiểu học Sài Sơn B đã chuyển cô từ giáo viên chủ nhiệm khối 2 sang dạy buổi chiều khối 5. Sau đó, cô nhiều lần bị phân công làm các nhiệm vụ khác nhau như: Kê bàn ghế, phòng chống dịch Covid-19, dạy bộ môn, ra cổng đón học sinh, dọn vệ sinh…
Cô Tuất cũng phản ánh bản thân nhiều lần bị chính học sinh của mình hành hung bằng cách bắn đạn giấy, súng nước hay trùm mặt đánh cô ngay trên bục giảng... Những chia sẻ của cô Tuất sau đó gây bão dư luận. Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã lập đoàn thanh tra.
Khi mọi việc chưa được sáng tỏ thì mới đây, dư luận lại xôn xao trước hình ảnh chụp lại vở bài tập từ một em học sinh của cô Tuất. Cụ thể bài kiểm tra môn lịch sử trong vở bài tập của N.V.T (lớp 4), có câu hỏi: "Qua quan sát hình và bài đọc trong sách giáo khoa, em hãy điền vào các cột để biết người Lạc Việt ăn, mặc, ở và sinh hoạt lễ hội như thế nào".
Với Mục "Ăn", em T. điền vào ô trống chữ "Không biết". Mục "Mặc và trang sức", T. điền vào ô trống một chữ tục tĩu. Mục "Ở", T điền vào ô trống chữ "Không nói" và với mục "Lễ hội", T. điền vào ô trống chữ "Cút". Những câu hỏi khác, T. trả lời cho có, như không quan tâm đến môn học. Trước thái độ của học sinh, cô Tuất phê trong bài: "Con không được viết bậy ra vở, phải đọc kỹ yêu cầu bài tập để làm".
Trong khi đó, với bài kiểm tra Địa Lý, một em học sinh khác tên H.T.H lại trả lời mất gốc kiến thức, viết sai chính tả rất nhiều từ cơ bản như “rệt vải” (dệt vải), “chồng lúa” (trồng lúa),...
Hiện nhiều phụ huynh đang rất sốc trước cuốn vở bài tập này. Bởi với học sinh lớp 4 thì những ngôn từ trên quả thực quá sức tưởng tượng. Một số ý kiến cho rằng, chưa rõ thực hư loạt tình tiết cô Tuất phản ánh những ngày qua trắng đen ra sao, nhưng nhìn cách phê bài có thể thấy được sự kiên nhẫn của cô với học trò. Ý kiến này sau đó nhận được nhiều lượt ủng hộ.
Học sinh hư trong lớp, lỗi do ai?
Trước những tình tiết mới nhất của vụ việc, nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi: Liệu có ai đứng đằng sau xúi giục những đứa trẻ? Và việc học sinh có những ngôn từ, hành động không đúng mực thì trách nhiệm thuộc về ai? Nhà trường? Cha mẹ? Hay giáo viên?
Nói về chuyên môn Giáo dục Tiểu học, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tiến sĩ Hương cho rằng, không ổn định được lớp học, trách nhiệm lớn nhất thuộc về giáo viên. Bởi giáo viên vào lớp không phải chỉ có giảng, trách nhiệm của giáo viên phải dạy học sinh về cả 3 mảng: kiến thức, kỹ năng và đạo đức, đặc biệt là lứa tuổi Tiểu học.
"Tư cách đạo đức của học sinh trong lớp không tốt thì một phần lớn trách nhiệm là của giáo viên. Không có chuyện yêu cầu bắt buộc học sinh phải ngồi im thin thít cho giáo viên dạy còn nếu học sinh không ngồi im thin thít thì giáo viên không dạy. Các giáo viên phải có kỹ năng ổn định lớp và chúng tôi gọi đó là hoạt động giáo dục. Giáo viên không chỉ có hoạt động giảng dạy mà phải có cả hoạt động giáo dục nữa", Tiến sĩ Hương cho hay.
Nữ tiến sĩ chia sẻ thêm: "Trong trường hợp của cô Tuất, tôi chưa bàn đến chuyện cô Tuất xích mích với ai, tôi chỉ bàn đến đúng thời điểm cô Tuất đang ở trong lớp và trách nhiệm cao nhất của cô là phải dạy học sinh về kiến thức, kỹ năng, đạo đức. Nếu cô không dạy được kiến thức bởi vì lúc đó học sinh đang rất ồn, không sao cả, cô hãy dành thời gian đó để giáo dục đạo đức cho học sinh, chuyện đó là bình thường, đó là trách nhiệm lớn nhất của cô Tuất vào thời điểm đó.
Tôi đặt ra câu hỏi là tại sao lúc đó cô Tuất không làm gì để ổn định lớp? Tôi nói với tư cách là một giảng viên đi đào tạo, nếu như sinh viên của tôi không thể nào giữ trật tự được một lớp học thì chúng tôi sẽ không cho sinh viên qua môn học đó, và bạn đó sẽ không bao giờ lấy được bằng.
Bạn đừng nghĩ rằng trẻ con dễ bị xúi giục. Những tình huống như thế này, nếu các cô đã trải qua trường sư phạm, nếu các cô đã đi thực tập, các cô đã ra ngoài đi dạy nhiều năm thì đó là việc giải quyết trong tầm tay.
Ví dụ như sinh viên của chúng tôi, bây giờ nhiều bạn sinh viên chỉ nặng 40kg, cao tầm 1m50, trong khi học sinh bây giờ rất to cao, các bạn lớp 5 có thể cao đến 1m40, nghĩa là xấp xỉ cô. Rất nhiều bạn sinh viên của chúng tôi đi thực tập, toàn bị các bác bảo vệ không cho vào vì nghĩ là người lạ, hoặc các bác bảo vệ bắt vào lớp vì nghĩ là học sinh chạy ra ngoài cổng chơi, tức là nhầm với học sinh. Thế nên, khi các bạn ấy vào lớp, học sinh biết các bạn ấy là sinh viên thực tập, biết là có thể bắt nạt được các cô nên học sinh sẽ bắt nạt các cô tơi bời.
Với điều kiện như thế, cô phải làm thế nào để ổn định được lớp và dạy được học sinh, đó là bài học đầu đời của chúng tôi trước khi cho sinh viên ra trường. Nếu sinh viên không làm được thì sẽ không đủ tiêu chuẩn để tốt nghiệp".
Cũng theo Tiến sĩ Hương: "Môn Địa lý và Lịch sử là môn chính, không phải là môn phụ. Thực ra trong tiểu học không có môn chính và môn phụ. Thậm chí, môn Địa lý và Lịch sử là một trong những môn mà chúng tôi chú tâm đào tạo, bởi vì thường không có giáo viên kiêm nhiệm cho những môn ấy.
Nói cách khác, ba môn: Toán, Tiếng Việt và các môn Tự nhiên Xã hội thì bắt buộc giáo viên tiểu học nào cũng phải dạy được và Lịch sử, Địa lý là 1 trong 3 nhánh của môn Tự nhiên Xã hội. Tức là nó là môn mà nếu giáo viên không dạy được thì chúng tôi không cho tốt nghiệp đại học sư phạm".
Ý kiến của Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận được cả sự đồng tình và phản bác của dư luận.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, cô Tuất với kinh nghiệm thực tế 30 năm trong nghề mà lại "không ổn định được lớp học" thì khá vô lý. Chỉ có sự tác động, kích động nào đó thì các em học sinh mới trở nên hung hăng, chống đối cô.
Ngoài ra, việc học sinh bột phát phá lớp là khá hiếm. Nếu có cũng chỉ một học sinh, và phải là lý do cô xúc phạm quá nặng nên học sinh mới dám phản ứng như vậy? Trong trường hợp của cô Tuất, sự im lặng là đúng. Bởi mỗi lời nói, mỗi hành động lúc này là nằm trong tầm ngắm và sự mong đợi của những người đứng sau kích động trẻ (nếu có).
Bên cạnh đó, việc học sinh hư không thể chỉ đổ lỗi cho mỗi giáo viên bộ môn. Còn giáo viên chủ nhiệm, nhà trường. Trách nhiệm của những bên đó ở đâu?
Những ý kiến phản bác sau đó nhận được rất nhiều lượt đồng tình, chia sẻ.
Hiện tại dư luận vẫn đang chia làm 2 luồng tranh cãi gay gắt và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
=> Xem toàn bộ vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Tuất tố bị trường trù dập TẠI ĐÂY.
Thanh Hương