(Tổ Quốc) - "Con vẫn nhớ ngày trước mẹ có nói với con là: Chỉ sợ con người trong lòng chứa đầy mực chứ không sợ những người xăm hình trên người", một học sinh nêu ý kiến.
Gây ấn tượng nhất từ hôm qua tới nay chính là bức ảnh được cho là lịch sử với các học sinh và người dân Thủ đô khi nhớ về mùa khai giảng đặc biệt của năm học này. Đó là bức ảnh chụp cô Văn Thùy Dương - Phó hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022.
Điều đặc biệt là sân trường không học sinh, chỉ có những hàng cây yên lặng đổ bóng dưới những vệt nắng loang lổ. Sự yên tĩnh, bình lặng ấy thật khác xa với không khí nô nức của ngày tựu trường, khiến người ta không khỏi thấy xúc động xốn xang khó tả.
Bức ảnh ý nghĩa là thế nhưng vấn đề gây tranh cãi nhất lại không liên quan đến nội dung chính mà lại xoay quanh hình xăm nhỏ xíu sau gáy của cô Phó hiệu trưởng. Hàng loạt bình luận trái chiều được đưa ra, người cho rằng giáo viên xăm hình không phù hợp với môi trường sư phạm, người cho rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu", điều phụ huynh quan tâm là chất lượng giảng dạy chứ không phải một hình xăm riêng tư trên cơ thể.
Trước những ý kiến trái chiều, cô Dương đã giải nghĩa về hình xăm của mình: "Hình xăm kết hợp này có ý nghĩa cho riêng tôi: Là sự mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn và mọi thế lực đen tối để mang lại cuộc sống cân bằng cho mình bằng chính sự giác ngộ toàn vẹn. Vượt qua khó khăn mà luôn nhắc nhở mình bớt tham sân si, để cho chính cuộc sống của mình được an nhiên tự tại!".
Nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng, tattoo (nghệ thuật xăm hình) cũng chỉ là một hình thức làm đẹp, là một sở thích. Ai cũng có nghề nghiệp, và bên cạnh nghề nghiệp công việc họ còn có cuộc sống riêng của mình. Họ làm tốt công việc của họ là được, học sinh đến trường được chăm sóc ân cần là được. Nhìn hình xăm đoán tính cách cả một con người chỉ bộc lộ định kiến nặng nề, là bất công cho người làm công tác giảng dạy.
Một số bình luận từ phụ huynh và học sinh nhận được nhiều đồng tình:
- Đã là quyền và sở thích của mình thì mình cứ vui vẻ thôi, mỗi người có một cách nghĩ! Riêng chị, là một cựu phụ huynh Lương Thế Vinh, chị đánh giá cao tâm huyết và đóng góp của em đã chung tay, góp sức cùng Thầy Cương và đội ngũ giáo viên làm nên một Lương Thế Vinh khiến biết bao phụ huynh và học sinh đã, đang học tại trường yêu quý và ngưỡng mộ.
- Đây là ngôi sao David - biểu tượng của sức mạnh, sự thông thái, trí tuệ, khôn ngoan và lòng trung thành! Chả có gì sai khi cô giáo có một hình xăm đầy ý nghĩa như thế cả. Có trách là trách họ không hiểu ý nghĩa của hình thôi.
- Bao nhiêu đời học sinh Lương Thế Vinh chưa thấy đứa nào kêu vì hình xăm mà trở thành người hư đốn cả. Con vẫn nhớ ngày trước mẹ có nói với con là "Chỉ sợ con người trong lòng chứa đầy mực chứ không sợ những người xăm hình trên người".
- Mình nhìn bức ảnh rất xúc động nên không thấy ngôi sao. Thấy rồi vẫn xúc động. Bức hình rất đẹp, giàu xúc cảm và ý nghĩa.
Nhiều người ngày nay coi hình xăm là một nghệ thuật. Bất kỳ ai cũng có thể lựa chọn cho mình những hình xăm ở những vị trí yêu thích, như một cách ghi dấu ấn bản thân. Tuy là vậy nhưng trong thực tế, xã hội vẫn còn có cái nhìn khắt khe với những người có hình xăm. Môi trường giáo dục lại càng đặc biệt bởi hình thức, tác phong, cách ăn mặc, cách cư xử… của thầy cô luôn được xem là chỉn chu, mẫu mực.
Công chức, viên chức có được xăm hình?
Điều 18, Điều 19 của Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về những việc công chức không được làm như: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công; Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật;
Tuy nhiên, không có quy định nào cấm cán bộ, công chức xăm hình. Tuy nhiên để đáp ứng phù hợp với vị trí công tác và môi trường làm việc, từng cơ quan, đơn vị có thể sẽ có quy chế khác nhau. Do đó, nên tìm hiểu cụ thể quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Hiểu Đan