(Tổ Quốc) - Đôi khi, những hành động, lời nói vô tư đến vô duyên của phụ huynh cũng khiến các cô thầy khó xử lắm.
Nói đến chuyện học online là nói đến bao nhiêu tình huống bá đạo khiến đôi khi người trong cuộc chỉ muốn "độn thổ". Mấy đứa nhỏ nằm vắt vẻo ngủ, "tiếng cô vang rừng núi nhưng không ai trả lời" hay đang học lại đói bụng đi ăn cơm là chuyện... thường ngày ở huyện. Và đôi khi, chính phụ huynh cũng là nhân vật chính "góp vui" khiến cho những câu chuyện về học online càng tăng phần hài hước.
Trên các hội nhóm dành cho giáo viên, những câu chuyện không đỡ nổi từ bố mẹ học sinh luôn khiến ai nấy cười lăn lộn. Tuy nhiên, đó là từ vị trí của người theo dõi câu chuyện, còn với các "nhân vật chính" thì đôi khi, những hành động, lời nói vô tư đến vô duyên của phụ huynh cũng khiến các cô thầy khó xử lắm.
Một cô giáo mới đây chia sẻ câu chuyện khó đỡ. Khi đang dạy online, vừa yêu cầu học sinh bật cam (camera) để kiểm tra thực hành làm bưu thiếp, bỗng có một ông bố mặc "xà lỏn" lượn qua lượn lại, sau đó vừa đi vừa nói: Sao bà cô mày già dữ vậy. Cô còn thật thà kể, tóc bạc nhưng do dạy online không nhuộm vì cô nghĩ rằng học sinh có thấy mình đâu, ai dè...
Các giáo viên được "mục sở thị" câu chuyện của đồng nghiệp hài hước cho rằng mình phải giảm cân nhanh nếu không muốn lâm vào tình cảnh tương tự. Nhiều người cũng tranh thủ kể đủ thứ chuyện không đỡ nổi trong quá trình dạy online của mình:
"Hôm qua tui dạy online, có phụ huynh (bố) của mấy bạn nhỏ khen, cô giáo xinh thế, dễ thương nhỉ. Còn phụ huynh kia thì hỏi con cô giáo xinh vậy đã có bạn trai chưa? Con gái của phụ huynh đấy bảo, cô giáo có con lớn rồi ba, tui cười đau ruột"; "Phụ huynh hỏi con: Con ơi, đứa nào đây? Lớp mình có học sinh lớn thế? Cô giáo con mẹ ạ. Cô giáo: ?????"; "Còn mình thì kêu học trò lấy sách bài tập. Thằng bé cằn nhằn kêu mẹ đi lấy. Mẹ thì nói: "Cái gì nữa? Cô này cũng kì. Đòi hỏi đủ điều"...
Có một số phụ huynh chưa tế nhị, ngồi kế bên con nhưng lại làm việc riêng, gọi điện, cười nói, thỉnh thoảng quên tắt micro gây ồn hay bình phẩm ngoại hình của giáo viên một cách khiếm nhã. Một số người lớn còn tham gia phát biểu trong lớp, góp ý cô giáo phải thay đổi cách dạy, giáo án, cách ra bài tập.
Còn với học sinh thì khỏi nói, có 1001 lý do để khỏi học online: Mic em bị hỏng; Điện thoại em sập nguồn; Cho em ra can 2 con gà chọi của em đánh nhau không nó chết mất; Em đi nhốt chó lại đã cô nhé; Em phơi thóc cho mẹ đã; Em ăn nốt bát mì; Cô ơi nhà em mất điện; Cô ơi, wifi nhà em hỏng rồi; Cô ơi, em ngồi cạnh cục wifi mà vẫn lag; Cô ơi, nhà hàng xóm xây nhà, ồn lắm em không học được; Cô ơi, Nhà hàng xóm em có đám ma. Cho em ra bê lễ, đến lượt em rồi.
Quả thật, dạy online không chỉ đòi hỏi giáo viên cập nhật trình độ công nghệ thông tin, thay đổi cách giảng dạy, truyền đạt mà còn phải có... thần kinh thép. Một buổi dạy là đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố. Tuy nhiên nói như 1 cô giáo, dù có nhiều chuyện khó nói nhưng được nghe, được đọc ti tỉ lý do dễ thương của các em dù phải học online đi nữa thì đó vẫn là niềm vui của thầy cô.
Học trực tuyến trong thời đại dịch này là điều cấp thiết và là giải pháp tối ưu cho ngành giáo dục. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng không thể phủ nhận những lợi ích như sự an toàn, tiết kiệm thời gian và chi phí, có thể học mọi lúc, mọi nơi, rèn luyện kỹ năng tập trung, lựa chọn những khoá học từ xa tiện lợi,… dành cho trẻ.
Tóm lại, để có một môi trường học tập tốt giúp trẻ phát triển toàn diện, dù là lớp học truyền thống hay trực tuyến đều đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng, ý thức và sự đồng hành của giáo viên, học sinh và cả bậc phụ huynh.
Hiểu Đan