(Tổ Quốc) - Một dòng trạng thái xin ý kiến của cô giáo tiểu học bỗng trở thành "nguồn cơn" khiến hội phụ huynh tranh cãi nảy lửa.
Nhiều người cho rằng đừng cho con đi học trước 6 tuổi, hãy để trẻ có tuổi thơ đúng nghĩa. Nhưng cũng có phụ huynh phản biện, trang bị cho con những kiến thức cơ bản trước khi vào lớp 1 là điều cần thiết. Cho học trước vừa tạo thói quen và ý thức học, vào năm học đỡ vất vả và có nhiều thời gian để sửa các lỗi sai của bé như nói ngọng, phát âm hay nhầm lẫn giữa các chữ gần giống nhau. Câu hỏi: Có nên cho con học chữ trước, dù đã đặt ra không biết bao nhiêu lần nhưng không thể có một câu trả lời đồng nhất.
Có lẽ cũng vì lý do đó, mà khi một cô giáo lớp 1 than thở trên một diễn đàn dành cho giáo viên về chuyện một số bé trong lớp chưa biết bảng chữ cái, ngay lập tức, chủ đề này trở thành đề tài tranh cãi gay gắt, nhất là khi một phụ huynh bình luận: "Bạn nên nghỉ nghề giáo viên và đi cày ruộng".
Theo cô giáo, năm đầu tiên chủ nhiệm lớp 1, lớp cô có 6 bạn chưa thuộc hết bảng chữ cái. Trong khi đó, vùng khó khăn nên phụ huynh cũng không quan tâm con cái: "Em hoang mang quá. quý thầy cô có kinh nghiệm dạy lớp 1 chia sẻ giúp em cách khắc phục với ạ. Em chân thành cảm ơn", cô giáo viết.
Câu chuyện tưởng chỉ dừng lại ở một tình huống cần tư vấn thông thường nhưng mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn khi một số phụ huynh cho rằng cô giáo thiếu trách nhiệm, đùn đẩy nhiệm vụ dạy chữ cho lớp mầm non và phụ huynh. Những người này nhận định, dạy chữ là nhiệm vụ của giáo viên lớp 1, đòi hỏi tất cả học sinh phải nắm bảng chữ cái là vô lý: "Bạn nên nghỉ nghề giáo viên và đi cày ruộng", một ông bố gay gắt.
Luồng ý kiến này cũng chỉ ra, học trước cực kỳ có hại cho các con. Thậm chí, cách mà nhiều thầy cô đối xử với những các tờ giấy trắng cũng tệ không kém nếu ứng xử với các em ấy như một đứa trẻ dốt nát chẳng ra gì vì đơn giản chúng không học trước.
"Trí thông minh của đứa trẻ không phụ thuộc vào việc học trước. Cả cuộc đời của trẻ đủ dài để lấy lại vài năm rèn chữ và học trước. Nhưng việc ép trẻ học trước là cách nhanh nhất để các con trở nên rập khuôn, mất đi sự tiếp cận ngây thơ và trở thành những con gà công nghiệp không hơn, không kém. Các thầy cô giáo có tâm nên suy lại về cách mình sẽ đối xử với những đứa trẻ đang phát triển đúng tuổi của chúng", một phụ huynh nhận định.
Phải phân biệt nhận diện mặt chữ cái với biết đọc
Một bộ phận giáo viên, phụ huynh khác thì cho rằng, khi cô giáo đã đặt câu hỏi, thì điều đầu tiên ghi nhận là họ có suy nghĩ và tâm huyết với nghề. Cách cô đặt câu hỏi có thể chưa làm mọi người hài lòng, nhưng tinh thần cầu thị, mong muốn tìm giải pháp giúp học sinh của mình tốt hơn.
Đồng thời nhiều người cũng cho biết, con học ở trường mầm non đã hầu như biết hết bảng chữ cái và số đếm cơ bản. Phải phân biệt là nhận diện mặt chữ cái với biết đọc. Cô không yêu cầu con biết đọc, chỉ là nhận biết được mặt chữ. Việc để con như tờ giấy trắng vào tiểu học không chỉ khó cho con mà cho cả cô. Việc học cũng cần sự vào cuộc của phụ huynh, đừng đổ mọi trách nhiệm lên vai cô giáo.
Một cô giáo cho biết, theo chương trình của Bộ GD-ĐT, ở bậc học mầm non, trẻ đã được làm quen với chữ cái và phép toán trong phạm vi 10. Theo đó, trẻ sẽ được học chữ cái thông qua các hoạt động như: Tập đồ, sao chép, nhận diện chữ cái… Đối với môn Toán, các bé sẽ được làm quen với phép tính cộng trừ trong phạm vi 10 dưới dạng câu hỏi "thêm, bớt"… Đây là nền tảng cho bé theo kịp chương trình ở lớp 1.
Phụ huynh khác cũng đồng tình: "Chuẩn đầu ra của không chỉ mầm non Việt Nam mà nếu bạn nghiên cứu 1 chút thì sẽ thấy chuẩn đầu ra của cả Mỹ, Sing và rất nhiều nước trên thế giới đều là trẻ thuộc mặt chữ cái. Chương trình bây giờ mỗi ngày mỗi khác. Có nơi mầm non đã dạy hết mặt chữ rồi thì lên lớp 1 cô giáo dạy ghép vần rất nhanh. Nhưng có những nơi lớp mầm không dạy chữ thì lên lớp 1 nếu theo chương trình mới khá vất vả vì ngày nào cũng sẽ là bài mới và tập đánh vần luôn chứ không có kiểu là 1 chữ đấy dạy đi dạy lại mãi".
Khi trẻ đặt chân vào lớp một, trẻ không thể không biết gì mà có thể hòa nhập được. Vấn đề là cách tiếp cận và phương pháp dạy như thế nào để việc biết chữ sớm là nền tảng cho trẻ, mở ra chân trời tri thức, chứ không phải là sự kìm hãm tư duy hay thui chột sáng tạo của trẻ.
Nên chuẩn bị gì cho con vào lớp 1?
Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội khuyên bố mẹ vài điều đơn giản sau.
Với môn Toán: cho con nhận biết số và đếm được 1-10, biết so sánh nhiều hơn - ít hơn. Giỏi hơn nữa mà biết thêm - bớt thì càng tốt.
Với môn Tiếng Việt: Con nhớ được các mặt chữ là rất tốt. Sau này cô giáo sẽ dạy ghép vần nhanh hơn, bố mẹ và các con mới là những người đỡ vất vả hơn cả!
Còn kĩ năng viết thật ra không quá khó khi bắt đầu từ những nét đầu tiên. Bố mẹ cho con tập tô vài nét cơ bản, mục tiêu không phải để con biết viết. Mà là để kĩ năng cầm bút đúng hơn, cổ tay mềm mại hơn. Sau này con làm quen việc viết bài nhanh hơn, đỡ mỏi tay hơn.
Còn học viết thành một con chữ hoàn chỉnh, cái này bố mẹ để cô giáo lớp 1 dạy cũng được. Cô có phương pháp dạy dễ hơn còn bố mẹ tự dạy viết thì khá vất vả.
Cô Ngọc Anh chia sẻ, theo nghiên cứu thì mỗi đứa trẻ 5-6 tuổi chỉ có thể tập trung để hiểu vấn đề trong vòng 10-15 phút. Sau thời gian đó, con vẫn chưa hiểu, bố mẹ nên chuyển kênh khác nhé. Kiến thức đó chưa phù hợp để dạy con thời điểm đó. Mình sẽ dạy vào thời điểm sau. Nếu như cố ép con tiếp nhận đến cả vài tiếng, nó không khác nào sự tra tấn về tinh thần chỉ để thoả cảm xúc của bố mẹ.
Hiểu Đan