(Tổ Quốc) - Bài văn gì mà bóc phốt cả mẹ lẫn bố thế này, đúng là con với chả cái.
Nếu muốn xả stress, ngoài việc xem phim hài, đọc truyện cười, còn có một giải pháp hữu hiệu khác, đó chính là tìm đọc các bài tập làm văn của trẻ con. Qua góc nhìn ngây ngô, thật hơn cả chữ thật của tụi nhỏ, người lớn sẽ có những trận cười đau cả ruột.
Tuy nhiên, đó là cảm giác của... người ngoài. Còn những nhân vật chính được nhắc đến hay miêu tả trong bài có khi lại không dễ chịu đến vậy. Bao nhiêu áng văn chương "bất hủ" con tả về mẹ, cháu kể về bà... với những đặc điểm che đi còn không kịp ra đời khiến người trong cuộc không biết nên cười hay mếu. Chẳng hạn tác phẩm tường thuật về TIẾNG ỒN đang "làm mưa làm gió" sau đây. Dù đề bài chẳng hề liên quan nhưng dưới ngòi bút vàng của đứa con quý hóa, chân dung cả bố lẫn mẹ hiện ra hài không chịu nổi.
Văn chương thì vô cùng mướt mát, chữ viết nắn nót siêu đẹp nhưng đọc nội dung thì đúng là cười ná thở. Con với chả cái, thật thà đến thế là cùng: "Sáng nay cô giáo dạy mình tìm hiểu về tiếng ồn, xong cô hỏi có ai biết những loại tiếng ồn gì không? Mình nhớ ra tiếng ồn của con chim nhà ông ngoại. Con chim nhà ông nó biết nói câu "có khách, có khách" với lại câu "thả tao ra, thả tao ra".
Con chim này nó rất ghét mẹ của mình. Có hôm nhìn thấy mẹ nó kêu ầm lên là "ác ác ác" xong rồi nó kêu "thả tao ra, thả tao ra". Mẹ Hạnh của mình túm cái ghế trèo lên thò mồm vào lồng của nó xong rồi mẹ kêu "tao thịt mày, tao thịt mày". Ông ngoại vỗ đùi cười ặc ặc còn cậu Toàn của mình thì cầm máy dí vào quay cái video. Mẹ mình cứ đi qua cái lồng của nó là lại chẩu mồm lên kêu "tao thịt, tao thịt". Có hôm mẹ còn cãi nhau bằng tiếng chim với nó xong dì Lịch của mình lại dí máy vào quay rồi cười hố hố. Bố Chi của mình thì bẩu (bảo): "Thôi thế là lấy phải con điên rồi!". Hôm nay ông ngoại gọi điện cho tụi mình, mẹ con xui tụi mình hỏi bao giờ thì ông thịt con chim?".
Nhiều ông bố bà mẹ tưởng đôi khi làm chuyện "bí mật" thì không ai biết, nhưng quên mất vẫn có một chiếc "camera chạy bằng cơm" ngay trong nhà! Con nít thì thật thà, vậy nên tất tật chuyện nhà đem kể công khai cho thiên hạ biết. Qua bài văn "cảnh báo" này, thiết nghĩ mỗi khi thể hiện cảm xúc, người lớn phải nhìn quanh nhìn quất xem có đôi mắt nào đang dõi theo không đã. Biết đâu một ngày lục tìm cặp sách con lại thấy tên tuổi mình chễm chệ trong bài văn nào cũng nên, lúc đó thu hồi cũng đã muộn mất rồi.
Hiểu Đan