(Tổ Quốc) - "Trong lớp có thể có những bạn nghĩ trong sáng, nhưng chắc chắn có học sinh đủ hiểu để cười rúc rích. Làm việc với trẻ em, ngôn từ cẩn trọng là đúng rồi", một phụ huynh cho hay.
Mới đây các bậc cha mẹ được phen xôn xao trước bài giảng Tiếng Việt lớp 5 của một trung tâm dạy học trực tuyến. Cụ thể phụ huynh nọ sau khi xem bài giảng “Lẫn lộn khi phân biệt từ láy, từ ghép” của trung tâm đã tỏ ra bức xúc vì cô giáo trong clip lấy ví dụ 2 từ khá nhạy cảm để minh họa cho học sinh. Đó là “mây mưa” và “bồ bịch”.
Theo phụ huynh này: “Học sinh lớp 5 mà cô giáo sử dụng những ngôn từ nhạy cảm, vượt quá trí tưởng tượng của cấp tiểu học”. Ngay sau đó, bài chia sẻ gây bão MXH và nhận được nhiều bình luận. Rất nhiều luồng ý kiến được đưa ra, cả đồng tình và trái chiều.
Không ít cha mẹ phản đối, thẳng thừng chê trách cô giáo lấy ví dụ không phù hợp. Chị D.C.L bày tỏ: “Giáo viên dạy như này kỳ cục quá. Bảo sao có lúc con mình cứ hỏi toàn những từ lạ. Chắc là vào mạng xem được mấy bài giảng như này đây".
Hay một phụ huynh khác tên P.M.H cũng chia sẻ quan điểm: "Có thể nhiều bố mẹ khác cho là bình thường nhưng thiếu gì từ ngữ khác hay hơn, đẹp hơn mà không nêu ví dụ. Điều này chỉ cho thấy sự thiếu chỉn chu và nghèo nàn vốn từ mà thôi.
Ví dụ như bố mẹ bảo từ "bồ bịch" có thể hiểu nghĩa đen, nhưng đối với đa phần trẻ em thế hệ thời nay, "bồ bịch" đâu phải là một đồ vật thông dụng trong nhà như ngày xưa để nhất thiết đưa vào. Trong lớp có thể có những bạn nghĩ trong sáng, nhưng chắc chắn một số đủ hiểu để cười rúc rích. Làm việc với trẻ em, ngôn từ cẩn trọng là đúng rồi".
Tuy nhiên một số cha mẹ lại phản bác và cho rằng người lớn đang suy nghĩ quá... đen tối và áp đặt tư duy của mình vào trẻ. “Đừng nghĩ phức tạp quá mọi việc và áp dụng nghĩa bóng vào từ mọi lúc, mọi nơi. “Bồ bịch” cũng chỉ đơn giản là dụng cụ để mang, đựng đồ vật thôi”, anh N.T để lại bình luận.
Hiện tại chủ đề này vẫn đang khiến các bậc phụ huynh tranh cãi quyết liệt và dường như chưa có dấu hiệu dừng ngơi nghỉ.
Có nên đưa 2 từ nhạy cảm trên vào bài giảng cho học sinh tiểu học hay không?
Về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Tiểu học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tham khảo. Chị Hương chia sẻ quan điểm: “Không nên đưa 2 từ này vào cho các con học. Đối với học sinh lớp 5 thì nhiều con đã biết đến nghĩa bóng của từ rồi.
Nếu là lớp 1, các con có thể không hiểu nhưng Tiếng Việt có vô vàn từ vựng, đâu có thiếu mà phải chọn những từ nhạy cảm? Ta nên chọn những từ đẹp và trong sáng, chẳng hạn như "lung linh", "xôn xao",... Trước đó, bộ sách Cánh Diều cũng bị phụ huynh phản đối kịch liệt, phải điều chỉnh lại vì có những từ ngữ không thực sự phù hợp đó thôi".
Tiến sĩ Hương cho rằng ngày nay trẻ tiếp xúc với phim ảnh, mạng xã hội sớm nên biết nghĩa nhạy cảm của những từ này. Không chỉ vậy, hiện nay có tình trạng học sinh quan hệ tình dục sớm, ngay từ lớp 6. "Một lượng lớn học sinh ngày nay cho rằng việc bố mẹ cấm xem phim sex, cấm quan hệ là cổ hủ. Thậm chí nhiều trẻ còn chất vấn bố mẹ ngày xưa có xem không mà giờ cấm con xem?
Như vậy, nếu chúng ta không rõ ràng ngay từ đầu về những vấn đề nhạy cảm thì có thể khiến con trẻ hiểu nhầm rằng những thứ nhạy cảm là một quyền lợi mà người lớn đang dùng sức mạnh để trấn áp, cấm đoán trẻ. Chứ đó không phải những thứ nguy hiểm mà chúng ta đang cố bảo vệ trẻ khỏi đó.
Thực ra từ nào cũng có ý nghĩa của nó và với các con lớp 5 thì có thể hiểu rồi, biết rồi. Do vậy nếu người lớn cứ đưa ra các từ nhạy cảm một cách quá thoải mái thì chắc chắn trẻ sẽ đặt câu hỏi: “Tại sao bố mẹ lại cấm đoán các con những vấn đề nhạy cảm? Tại sao trong bài học có mà con lại không được nói,... Như vậy nếu xét trên khía cạnh giáo dục giới tính thì những từ trên chẳng đem lại tác dụng, ý nghĩa gì mà còn có hại”, Tiến sĩ Hương cho hay.
Thanh Hương