Có đứa trẻ sống trong gia đình nhìn rất đỗi êm đềm nhưng lớn lên lại bị rối loạn nhân cách, nguyên nhân nằm ở những lời nói như này của cha mẹ

(Tổ Quốc) - Bài viết này có thể sẽ là một lời cảnh tỉnh cho cha mẹ trong cách chúng ta giao tiếp với con hàng ngày.

Tôi chẳng đánh chẳng mắng chẳng áp dụng hình phạt nặng nề với con, mà sao con tôi vẫn bị rối loạn nhân cách? – Tại sao lại không chứ?

Những gì bạn nói với con hôm nay, sẽ ảnh hưởng rất nhiều với con trong tương lai. Không phải chỉ có những đứa trẻ bị đánh đập, bỏ rơi, chì chiết hay bị dọa nạt mới là những đứa trẻ bất hạnh. Có những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình nhìn bên ngoài rất đỗi êm đềm vẫn mắc rối loạn nhân cách khi chúng lớn lên.

Chính xác thì điều này xảy ra như thế nào. Hãy lướt qua một số ví dụ:

Con buồn gì vậy? – Con không muốn ở với ông bà à? Có gì mà buồn, ông bà yêu con, con phải ngoan chứ.

Sao con phải sợ một con sâu nhỉ, có gì đáng sợ đâu? – Con trai mà lại sợ sâu à?

Con thích quà sinh nhật gì? – Búp bê? Lại búp bê. Con đã có 30 con búp bê rồi. Con không thích cái gì khác à?

Vì sao con không chơi với bạn Cá? – Con chẳng thích, con không thấy vui. – Thế không phải bạn Khoai còn chán hơn à? Bạn Khoai còn chẳng biết nói chào. Đi chơi với Cá đi, nếu không thì ở nhà.

Mẹ, con sợ thử máu lắm! – Chẳng có gì phải sợ cả, đi nào và đừng có kêu ca nữa.

Con không muốn ngồi với em! – Con mấy tuổi rồi? Lớn như vậy rồi thì ra dáng làm chị đi!

Có vẻ như đây là những đoạn hội thoại rất thường gặp trong thời thơ ấu. Và có vẻ cũng chẳng mấy ai cho rằng nó sẽ ảnh hưởng gì thậm tệ tới một đứa trẻ.

Những cách giao tiếp này đều đi theo một quy trình như thế này:

- Đầu tiên, với mỗi đứa trẻ, con chân thành truyền đạt, nói ra những gì đang xảy ra với mình.

- Tiếp theo, con nhận được những dấu hiệu trực tiếp cho thấy những trải nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc của mình là không được chấp nhận.

- Cuối cùng, con được thông báo chính xác những gì con nên cảm thấy hoặc phải làm.

Nói thế nào nhỉ, người lớn luôn cho rằng mình có thẩm quyền để nói với những đứa trẻ rằng những cảm xúc, suy nghĩ của chúng là không đủ chín chắn và không thể tin cậy được. Và con phải điều chỉnh đi nếu vẫn muốn sống tốt với cha mẹ mình.

Một đứa trẻ có thể rất xấu hổ, tuyệt vọng hay phẫn uất, nhưng chắc chắn không thể nói "hãy để cảm xúc của tôi yên". Con chỉ có thể từ bỏ những cảm xúc và suy nghĩ của riêng mình, để làm hài lòng và nghe theo sự định đoạt của người lớn.

Có đứa trẻ sống trong gia đình nhìn rất đỗi êm đềm nhưng lớn lên lại bị rối loạn nhân cách, nguyên nhân nằm ở những lời nói như này của cha mẹ - Ảnh 1.

Thừa nhận, chấp nhận cảm xúc của trẻ

Trong tâm lý học, có một khái niệm là validation, có nghĩa là sự thừa nhận, chấp nhận những trải nghiệm, suy nghĩ, cảm xúc nội tâm của người khác và hành vi của họ một cách hợp lý và có thể thấu hiểu. Sự thừa nhận này cũng không có nghĩa là đồng ý, là đưa ra lời khen ngợi hay bỏ qua những giới hạn, những tình huống khẩn cấp hoặc là kỳ vọng. Nó cũng không phải là dạy hoặc thuyết phục ai đó làm điều mà họ thực sự không muốn.

Sự thừa nhận có thể giúp hỗ trợ điều chỉnh cảm xúc, giúp họ có những trải nghiệm của riêng mình một cách thật sự ý nghĩa, có thể cải thiện giao tiếp, cải thiện các mối quan hệ và nó thể hiện qua cách chúng ta được ai đó lắng nghe, thấu hiểu hoặc ít nhất là cố gắng hiểu những gì chúng ta đang trải qua.

Khi không có validation, những cảm xúc dường như bị vô hiệu hóa và chúng ta luôn có cảm giác bị từ chối, bỏ qua hoặc đánh giá. Và nó là một trong những nguyên nhân dẫn tới rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) – theo tiến sĩ tâm lý Marsha Linehan, một loại rối loạn tâm thần đặc trưng bởi tâm trạng, suy nghĩ và hành vi không ổn định. Rối loạn này ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận bản thân, người khác và các tình huống trong cuộc sống (chẳng hạn như thường xuyên có những thay đổi nhanh về cảm xúc khiến họ nhầm lẫn và không rõ mình cần phải làm gì dẫn tới việc họ cực kỳ nhạy cảm, có xu hướng đả kích hoặc phản ứng dữ dội).

Với một đứa trẻ, khi tâm lý, cảm giác, suy nghĩ, mong muốn và nhu cầu của trẻ không được chấp nhận thường xuyên trong gia đình, trẻ sẽ lớn lên và luôn cảm thấy có điều gì đó không ổn với mình.

Trên đời này không có những cảm xúc xấu, không có ham muốn sai trái, không có những tưởng tượng viển vông. Những cảm xúc, ham muốn hay trí tưởng tượng phản ánh bản chất độc đáo của mỗi đứa trẻ. Mỗi khi chúng ta gắn nhãn cho nó là ngu ngốc, đáng xấu hổ, từ bỏ… có nghĩa là chúng ta đang bắt con phải cắt bỏ, vứt bỏ đi một phần của chính mình.

Rồi ngày qua ngày, năm qua năm, con sẽ còn lại bao nhiêu sau khi loại bỏ đi những thứ không phù hợp? Khi học và tìm hiểu về tâm lý, điều mình học được nhiều nhất trước hết đó là phải tự yêu bản thân mình. Thật khó nếu như chúng ta phải yêu những gì không có (hoặc là những gì chúng ta không dám thừa nhận). Đó cũng là lý do vì sao hầu hết các quá trình trị liệu tâm lý luôn bắt đầu bằng việc người được trị liệu sẽ phải tự hỏi bản thân những câu: tôi là ai, tôi muốn gì, có điều gì đáng giá ở tôi, tôi cảm nhận về tôi thế nào và tôi có thể dựa vào chính mình hay không. Nhưng sẽ có thể không có câu trả lời nào được đưa ra nếu đứa trẻ bên trong người đó trước đây đã từng không được chấp nhận.

Khả năng lắng nghe chính mình và tin tưởng bản thân cần được xây dựng ngay từ khi một đứa trẻ mới sinh ra đời. Nếu nó bị đóng đinh bởi một chiếc búa tạ trong quá trình chăm sóc của cha mẹ, nó sẽ không đi tới đâu.

Cha mẹ tất nhiên luôn muốn điều tốt nhất cho con. Nhưng sự không tin tưởng chính bản thân mình có thể đã khiến họ cũng làm tổn thương tâm hồn một đứa trẻ bằng sự ngờ vực. Cảm xúc và nhu cầu của một đứa trẻ rất cần được tôn trọng. Chúng ta có thể tức giận với hành động của con, có thể yêu cầu cư xử khác đi, nhưng cảm xúc thì không thể chạm tới.

- Con buồn gì vậy? Con không muốn ở với ông bà à? => Ừ, mẹ biết rồi. Chắc thi thoảng con sẽ nhớ mẹ. Cố lên nhé, vì mẹ bận nên chưa thể đưa con đi luôn được, mẹ sẽ cố gắng về đón con sớm.

- Sao con phải sợ một con sâu nhỉ, có gì đáng sợ đâu? => Ừ, mẹ cũng thấy sợ, hồi bé mẹ rất sợ sâu đấy. Nhưng lớn lên thì mẹ không còn sợ nữa.

- Con thích quà sinh nhật gì? => Búp bê hay là một bộ đồ nấu bếp? Mẹ tưởng con cũng thích một bộ đồ bếp? Hôm trước con nói muốn cho búp bê nấu đồ mà? Rất tiếc mẹ không đủ tiền để mua cả hai thứ cho con, vậy nên mình chọn một thôi nhé.

- Vì sao con không chơi với bạn Cá? – Con chẳng thích, con không thấy vui. => Thế bạn Khoai thì sao? Con thích chơi với bạn nào? Con thích chơi gì với bạn ấy, nói cho mẹ nghe.

- Mẹ, con sợ thử máu lắm! => Vậy làm gì để con đỡ sợ? Mẹ sẽ ngồi cạnh ôm con, con an tâm.

- Con không muốn ngồi với em! => Em còn nhỏ nên có thể sẽ nghịch ngợm và bị đau, con giúp mẹ một lát tôi, mẹ đang dở tay một chút xíu. Con đếm từ 1 tới… là mẹ sẽ xong nhé.

Trong những cách phản hồi trên, cha mẹ đặt câu hỏi về những trải nghiệm cá nhân của trẻ, dù không phải lúc nào con cũng sẵn sàng trả lời hoặc trả lời một cách trọn vẹn. Trao quyền để con tự cảm nhận và bày tỏ cảm xúc với việc điều khiển cảm xúc của con là những việc hoàn toàn khác nhau. Mong muốn của người lớn có thể không phải lúc nào cũng được đáp ứng nhưng đó không phải là thảm họa. Chỉ khi nào trẻ phải sống trong cảm giác thiếu thốn cảm xúc và không được bày tỏ nội tâm thì đó mới là thảm họa.

Có đứa trẻ sống trong gia đình nhìn rất đỗi êm đềm nhưng lớn lên lại bị rối loạn nhân cách, nguyên nhân nằm ở những lời nói như này của cha mẹ - Ảnh 3.

Tôn trọng cảm xúc của người khác là một bài học quan trọng cho sự trưởng thành

- Bị em gái đánh vào tay? Chà, em còn nhỏ, có gì mà phải phật ý.

- Không dám đi ngủ một mình vì tối? Xấu hổ quá, con 5 tuổi rồi.

Khi sự chấp nhận không có được trong thời thơ ấu, một người trưởng thành có thể sẽ:

- Khó khăn đối với việc ra quyết định, cần liên tục tìm kiếm lời khuyên, hỏi lại, làm rõ.

- Không hiểu mình tốt hay xấu – đặc biệt là trong một mối quan hệ.

- Sợ hãi và không dám thể hiện cảm xúc – được che giấu bằng một tấm mặt nạ tích cực "không, tôi không giận gì đâu" nhưng hàm răng thì nghiến và bàn tay thì nắm chặt.

- Có hành vi hung hăng thụ động (đoán xem tao muốn làm gì mày).

- Thường xuyên nghi ngờ bản thân, nghi ngờ mình sai lầm, không bình thường.

- Thói quen ngập ngừng không dám trải nghiệm về cảm xúc bằng suy nghĩ "Liệu mình có nên vui mừng bây giờ không?".

- Cảm giác trống rỗng bên trong, khó trả lời những câu: Tôi là ai, tôi là gì…

- Sợ tiếp xúc, đối mặt (Nếu người khác nhìn thấy con người thật của tôi, họ sẽ không chấp nhận tôi).

- Sẵn sàng chấp nhận thay thế (để được yêu, chấp nhận tình một đêm, mang thai mà không cần tình yêu của đối phương…)

- Khó lập kế hoạch, đặt mục tiêu

Bạn đã bao giờ tự hỏi, vì sao có những người lớn dù họ có mọi thứ (tiền bạc, học vấn, địa vị, gia đình…) họ vẫn không bao giờ cảm thấy hạnh phúc hoặc là được chấp nhận?

Đơn giản bởi vì HỌ TỪNG LÀ NHỮNG ĐỨA TRẺ BẤT HẠNH MỘT CÁCH "ÊM ĐỀM" NHƯ VẬY ĐÓ!  

Vài nét về tác giả:

Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.

Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.

Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.

Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.

Linh Phan

Tin mới