(Tổ Quốc) - Cô gái nghe đến đây, nước mắt tuôn rơi không kìm được, chạy một mạch cho đến khi nhìn thấy bóng lưng của người mẹ đang thấp thỏm chờ đợi ở cổng nhà...
Một cô bé 14 tuổi bỏ nhà đi vì cãi nhau với mẹ. Không một xu dính túi, cô bé đi một đoạn đường thì trời cũng dần tối, khát và đói, cuối cùng cô co ro trong một góc không ngừng khóc nức nở, cúi gằm mặt và trông nhếch nhác như một người vô gia cư bên vệ đường.
Bà chủ khách sạn đối diện phát hiện ra, hỏi thăm: "Con gái, con đói không? Cùng cô ra cửa hàng ăn tô mì nhé". Cô bé ngượng ngùng nói: "Cô ơi, nhưng con không có tiền" - "Không sao đâu, cô sẽ đãi con, đi thôi". Sau đó, bà kéo cô bé vào cửa hàng.
Một lúc sau, tô mì nóng hổi được bưng lên, cô bé nhìn chằm chằm không ăn ngay mà bật khóc, kể hết những nỗi oan khuất mà mình phải gánh chịu ở nhà: "Cô ơi, chúng ta không quen nhau, cô có thể cho con một tô mì, nhưng khi cãi nhau, mẹ đã đuổi con ra ngoài. Mẹ còn dặn con đừng bao giờ quay lại ngôi nhà đó nữa, mẹ không yêu con gì cả…".
Nghe xong lời than thở của cô bé, bà chủ thở dài nói: "Con gái à, cô thấy con là một đứa trẻ rất biết điều. Con có thể cảm ơn cô đã cho con một bát mì, nhưng mẹ con đã nấu bao nhiêu bát mì rồi từ khi con còn là một đứa trẻ? Con đã ăn bao nhiêu lần, bao nhiêu điều mẹ đã làm cho con mà con chưa nhìn thấy, và đã bao giờ con nghĩ đến công ơn của mẹ chưa?".
Cô gái nghe đến đây mới chợt nhận ra, nước mắt tuôn rơi không kìm được, chạy một mạch cho đến khi nhìn thấy bóng lưng của người mẹ đang thấp thỏm chờ đợi ở cổng nhà. Điều đầu tiên bà nói khi nhìn thấy con gái là: "Con ơi, con đói rồi, mau vào nhà đi, mẹ làm cho con món mì tôm hùm yêu thích"...
Câu chuyện kết thúc ở đây, nhưng nhiều vấn đề về giáo dục con cái thì vẫn còn mãi...
Ngoài đời, chúng ta thường nghe nhiều bậc phụ huynh phàn nàn "Con tôi chưa lớn nhưng tính nóng nảy, đóng sập cửa nhà, bỏ nhà đi". Có người cho rằng phương pháp giáo dục của cha mẹ có vấn đề, cũng có người cho rằng con cái ngày nay sống quá đầy đủ và không thể chịu được chút chỉ trích. Điều này cũng xuất phát từ sự thiếu hụt của lòng biết ơn.
Biết ơn không chỉ là sự đền đáp một cách đơn thuần, đó là trách nhiệm, là thái độ, là sự tu dưỡng phẩm chất của một con người. Như chủ quán ăn đã nói khi bé gái 14 tuổi bỏ nhà đi, sao người lạ thì dễ dàng nói lời cảm ơn vì đã cho bát mì, sao không nghĩ đến việc nói lời cảm ơn cha mẹ nỗ lực? Thực chất đây là ý thức biết ơn mà nhiều trẻ em không được giáo dục.
Làm thế nào để giúp trẻ phát triển thái độ biết ơn? Có thể nói, tác động môi trường lớn hơn ngàn lời rao giảng. Các bậc cha mẹ nên thực hiện những điều sau đây:
1. Làm gương: Bản thân cha mẹ nên thực hành lòng biết ơn
Dạy trẻ cách tôn trọng và biết ơn người khác, không gì hiệu quả bằng cách hành xử hàng ngày của cha mẹ. Cách đơn giản nhất đó là nói “cảm ơn” và “làm ơn” với vợ/chồng và con của bạn thường xuyên nhất có thể.
Cha mẹ hãy làm gương cho con cái bằng cách cảm ơn những người đã phục vụ chúng ta. Ví dụ như, người phục vụ xe buýt, người lao công trong trường, người lái xe hoặc người giúp việc ở nhà bạn cần được cảm ơn về những dịch vụ họ đã cung cấp, giúp đỡ bạn. Và cha mẹ phải dạy cho trẻ cần tôn trọng và nói lời cảm ơn với những người như vậy.
Bên cạnh đó, hàng ngày hãy đề cập đến chủ đề lòng biết ơn, ví dụ như khi đi dạo vào một ngày trời quang đãng, bạn có thể nói với trẻ rằng: “Thật may mắn khi chúng ta được đi dạo trong một ngày nắng đẹp như thế này!”. Điều này cũng dạy trẻ biết ơn những điều đơn giản, đời thường nhất là những thứ thường bị bỏ quên.
2. Tu dưỡng tình cảm gia đình
Trong môi trường sống bận rộn, cha mẹ dù phải lo toan cho cơm áo gạo tiền hay việc học hành của con cái thì chúng ta cũng nên cố gắng dành thời gian để thăm hỏi người lớn tuổi, họ hàng, bạn bè để con cái học được gần gũi với gia đình một cách trực tiếp nhất.
3. Trau dồi ý thức độc lập của trẻ, không làm hư con cái
Nhiều cha mẹ nuông chiều con khiến đứa trẻ phát triển tính ích kỷ độc đoán và vô lý. Điều này cũng khiến trẻ mặc định việc cha mẹ chăm chút, đáp ứng yêu cầu của chúng là đương nhiên. Lớn lên trẻ sẽ dễ trở thành con người vô ơn, bất hiếu.
Cha mẹ cần thấy rằng, nói “không” nhiều lần với trẻ sẽ khiến việc nói “có” nghe ngọt ngào hơn nhiều. Bằng cách này sẽ giúp dạy trẻ kiên nhẫn chờ đợi thứ mình muốn có và trân trọng, biết ơn về điều đó. Bên cạnh đó, bằng cách khuyến khích con bạn giúp đỡ các công việc nhà, chẳng hạn như rửa bát hoặc tưới cây, bạn sẽ tạo ra môi trường để trẻ học về lòng biết ơn.
4. Mở rộng tầm nhìn, đừng để con cái học hành vất vả
Nhiều xung đột giữa cha mẹ và con cái là do cha mẹ vượt qua ranh giới chẳng hạn như kiếm soát con quá mức, không cho con làm những việc mình thích... Với tâm lý muốn con thành rồng thành phượng, họ cũng bắt con suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Tuy nhiên, những đứa trẻ như vậy ngoài việc thiếu kết nối với cha mẹ còn thiếu hiểu biết, thiếu lao động. Vì vậy chúng cũng khó biết quý trọng công lao từ những người khác, chúng cũng không thể thực sự học cách biết ơn.
Vì vậy, để nuôi dưỡng lòng biết ơn của con cái, cha mẹ nên học cách để con cái mở rộng tầm nhìn, cố gắng không để con học hành vất vả, thường xuyên đưa con ra thế giới bên ngoài để trải nghiệm chân, thiện, mỹ. Chẳng hạn như giúp đỡ người già qua đường, nhặt rác trên đường vứt vào thùng rác, phát thức ăn cho chó mèo đi lạc, tưới cây...
Cha mẹ phải hiểu rằng, trẻ sẽ không đột nhiên thấm nhuần thói quen về lòng biết ơn. Trẻ có thể mất vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc nhiều năm để dần xây dựng thói quen này. Hãy kiên nhẫn gieo hạt, bạn nhất định sẽ nhận được thành quả ngọt ngào.
Hiểu Đan