(Tổ Quốc) - Cha mẹ luôn nghĩ con cái phạm sai lầm thì mắng mỏ chút có sao. Họ không biết rằng, những lời nói quá đáng sẽ như con dao, để lại vết thương lòng không bao giờ lành.
Thời gian trước, MXH Trung Quốc bàn tán sôi nổi về trường hợp của một cô gái 33 tuổi. Theo đó, Tiểu Kim mặc dù đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng vẫn không đi làm mà ở nhà "ăn bám" vào cha mẹ. Cô nói rằng, bản thân hiện nay là do cách giáo dục sai lầm mà cha mẹ cô gây ra.
Được biết, Tiểu Kim từ nhỏ luôn bị bố mẹ coi là "đồ bỏ đi". Dù cô có làm tốt việc gì cũng chưa bao giờ được công nhận, thậm chí khi quét nhà cũng bị cha mẹ chửi mắng, chế giễu.
Những lời nói tiêu cực như vậy không ngừng gieo vào tai cô mỗi ngày và không bao giờ có thể xóa bỏ được. Dù đã trúng tuyển đại học nhưng Tiểu Kim nhận thấy bản thân không có khả năng giao tiếp với người khác. Sau khi tốt nghiệp, cô tìm được việc làm nhưng vì rụt rè, sợ thất bại cùng với việc không có sự ủng hộ từ gia đình, khiến cô tự ti hết lần này tới lần khác. Chính vì thế, sau một thời gian, cô chọn cách trốn ở nhà, bất chấp sự mắng mỏ của cha mẹ mỗi ngày.
Thực tế, hầu hết các bậc cha mẹ đều quen với việc la mắng con, nhất là những gia đình có con trai. Tuy nhiên bạn có nhận thấy càng quát mắng trẻ càng không nghe lời, thay vào đó chúng sẽ thích quậy phá hơn, mất bình tĩnh hơn?
Một khi bạn hình thành thói quen này, không những không có tác dụng giáo dục mà còn có thể khiến trẻ bị mắc 3 loại "khuyết tật về tính cách" sau, càng trưởng thành, càng khó thay đổi!
1. Rụt rè và sợ hãi, cảm giác không an toàn
Bố mẹ thường thấy rằng mỗi lần bị mắng, trẻ thường không nói nên lời. Họ nghĩ rằng cách dạy con này là hiệu quả nhưng lại không biết nó gây tổn thương trầm trọng đến tâm hồn non nớt của trẻ. Sau khi bị la mắng, trẻ sẽ trở nên rụt rè, ngại bộc lộ suy nghĩ trong lòng, không có chính kiến độc lập, sợ cha mẹ, không bao giờ dám chống lại dù biết cha mẹ sai, trẻ sẽ trở nên phục tùng, ngay cả khi ở nhà cũng không cảm thấy an toàn.
2. Kỹ năng giao tiếp xã hội kém
Trẻ thường bị cha mẹ la mắng có thể gây ra các vấn đề về kỹ năng xã hội, chẳng hạn khi gặp người lạ luôn núp sau bố mẹ, dù bạn có động viên nhưng trẻ cũng không dám tiến lên phía trước. Kỹ năng xã hội là khả năng chúng ta phải có, trên đời này không ai có thể sống thiếu tập thể. Nếu trẻ không dám giao tiếp với người khác, trẻ sẽ không thể kết bạn và phải vật lộn một mình.
3. Nghi ngờ bản thân, đánh giá thấp bản thân
Trong tâm lý học có một hiện tượng gọi là "hiệu ứng gợi ý". Khi cha mẹ quát mắng con cái, họ sẽ mang đến những gợi ý tâm lý tiêu cực tới con cái. Nếu cứ tiếp tục như vậy, trẻ dần nội tâm hóa những nhận định tiêu cực này thành đánh giá của bản thân, cho đến khi chúng trở thành "đứa trẻ hư", "đứa trẻ ngốc nghếch" giống như nhận định của cha mẹ.
Những đứa trẻ sống trong sự quát nạt của cha mẹ sẽ không tin tưởng vào người khác và không đề cao cá nhân mình. Sau này ra xã hội, chúng sẽ rụt rè và không tự tin rằng mình không thể làm được việc lớn, nghi ngờ bất cứ việc gì mình làm. Và kỹ năng quản lý cảm xúc của những đứa trẻ như vậy cũng rất kém. Chỉ cần gặp một chút rắc rối nhỏ, chúng sẽ mất bình tĩnh.
Trong chương trình "Cha mẹ siêu phàm", có một bà mẹ "nóng tính" như vậy, thường giao tiếp với con bằng cách "gầm rú". Sau đó, ê-kíp chương trình đã đưa bà mẹ đến một nơi trải nghiệm và yêu cầu nghe một đoạn âm thanh thu sẵn.
Khi tiếng la hét của chính mình phát ra từ loa, người mẹ ngay lập tức gục xuống. Cô quỳ và bịt chặt tai, người không ngừng run rẩy. Cô không thể tin được giọng nói cuồng loạn đáng sợ này thực sự là bản thân thường ngày của mình. Người lớn không thể chịu được năng lượng tiêu cực do la mắng mang lại, huống chi là trẻ em?
Khi trẻ em mắc lỗi, việc chúng ta làm không phải là chỉ trích mà chờ con ổn định cảm xúc để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân của toàn bộ sự việc. Tuổi thơ của trẻ chỉ có một lần. Cha mẹ phải nhìn vào điểm mạnh của trẻ và không phải lúc nào cũng đánh giá cuộc sống của chúng bằng suy nghĩ của mình.
Hiểu Đan