(Tổ Quốc) - Không biết vì lý do gì nhưng bé gái có biểu hiện giận dỗi, liên tục cầm chai nước đánh vào người mẹ.
Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao trước một clip được đăng tải trên mạng xã hội tiktok. Nhân vật chính trong clip là một bé gái và người phụ nữ - được cho là mẹ bé. Không biết bé gái giận dỗi điều gì nhưng liên tục cầm chiếc chai nhựa để gõ vào đầu mẹ. Đặc biệt lúc ấy người mẹ còn đang ôm, ru em bé ngủ.
Tuy nhiên điều khiến mọi người bất mãn không phải hành động của bé gái mà chính là cách hành xử của người mẹ và cả những người trong clip. Bà mẹ sau đó cũng không nhắc nhở, chỉnh đốn con một cách nghiêm khắc mà chỉ phản ứng cho có lệ.
Bên cạnh đó, clip xuất hiện cũng giọng nói của một số người thân xung quanh, đang cười đùa như hùa theo hành động của bé gái.
Cách dạy con gây tranh cãi của người mẹ.
Nhiều bậc phụ huynh sau đó đã tranh cãi gay gắt về clip này. Không ít phụ huynh cho rằng, người mẹ đang chiều hư con. Bởi việc không nhắc nhở, chỉnh đốn ngay hành động không đúng mực có thể khiến trẻ trở nên nhờn và ngang bướng hơn.
Chuyên gia nói gì về hành động của bé gái và người mẹ?
Nói về đoạn clip trên, Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh (Giám đốc chi nhánh Cty Giáo dục KidsTime tại TP Hồ Chí Minh) đưa ra nhận xét: "Thế nào là hành vi hỗn hào?
Khi một đứa trẻ có hành vi đánh bố mẹ, cầm chai nhựa gõ lên đầu,... - đa số đều nghĩ rằng, đây là một hành vi hỗn hào, cần phải nghiêm khắc răn đe. Thế nhưng trong trường hợp một em bé cầm chai nước suối rỗng gõ lên đầu mẹ trong khi mẹ đang cho em của mình bú thì đó không phải là một hành vi hỗn hào. Đó có thể gọi là sự ghen tị và muốn cho mẹ phải chú ý đến mình.
Bé ganh tỵ với ai? Với em bé mẹ đang ôm trong lòng và chỉ muốn mẹ quan tâm đến mình. Và người mẹ đã có phản ứng đúng như ý muốn của trẻ. Người mẹ đã cầm chai lên "nhử nhử" như muốn đánh lại con, la rầy chiếu lệ rồi vứt cái chai đi,... Đây chính là phản ứng khiến cho bé lặp lại hành vi này trong dịp khác".
Chuyên gia Lê Khanh cho biết: "Phản ứng mà mẹ có thể làm với bé gái trong trường hợp này đó là hãy đặt em bé xuống, kéo "kẻ bị ra rìa" vào lòng và cầm cái chai lên, nói một cách rõ ràng: "Mẹ rất yêu con, nhưng con không được làm như vậy nữa. Mẹ không thích", sau đó yêu cầu bé cất cái chai đi. Mẹ cũng có thể hướng dẫn cho bé cách tạo sự chú ý của con như đến gần mẹ, nắm tay, ôm mẹ,...
Có thể nói hầu hết các hành vi hỗn hào hay gọi là thế của trẻ dưới 3 tuổi chỉ là hệ quả của việc bố mẹ thường xuyên áp dụng sai cách dạy con. Các hành vi la mắng, đánh con rồi sau đó lại hối hận, xin lỗi con rối rít, chiều chuộng ngay sau đó chỉ là cách khiến con học được thói đánh lại hay lăn đùng ra ăn vạ.
Chúng ta không nên đánh mắng cũng không cần phải giảng giải, dạy dỗ đạo đức đúng sai, tốt xấu mà phải cho trẻ nhận biết một cách đơn giản, cụ thể và nghiêm khắc về các hành vi ăn vạ nhõng nhẽo hay đánh, cắn, túm tóc... Những hậu quả mà bé phải chịu như không được đi chơi với mẹ, không ăn kem, hay không được nói chuyện với mẹ trong khoảng 30 phút.
Khi có em bé, thường trẻ biểu lộ sự ghen tỵ khá rõ ràng. Mẹ khi ấy phải có những cử chỉ quan tâm, cách đối xử công bằng như không quá ôm ấp vuốt ve em trước mặt trẻ và tập cho trẻ cùng chăm sóc em, cùng chơi với em với sự hỗ trợ của mẹ".
"Không có hành vi nào của trẻ là tự nhiên xuất hiện, mà đều là những hệ quả của cách chăm sóc, giáo dục từ cha mẹ. Sự yêu thương không đúng cách sẽ tạo nên những đứa trẻ mà ta gọi là hỗn hào hay hư hỏng", chuyên gia Lê Khanh nhận định.
Thanh Hương