(Tổ Quốc) - Linh Phan - một trong những cựu sinh viên của trường ĐHQG Tp.HCM đã tình nguyện tham gia dọn phòng tại KTX để có nơi ở cho người cách ly.
Những ngày này, cả nước đang tích cực làm đủ mọi cách để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Nhưng với số lượng kiều bào, du học sinh trở về từ nước ngoài ngày càng đông, nhu cầu chỗ ở cách ly cũng là vấn đề đau đầu cần giải quyết. Bên cạnh các doanh trại quân đội, bệnh viện dã chiến, nhiều tòa nhà, khu ký túc xá của sinh viên cũng đã được trưng dụng để làm khu cách ly.
Mới đây, khu KTX ĐHQG Tp.HCM cũng đã nhận được thông báo chuyển thành khu vực cách ly tập trung. Ngay sau khi biết tin, những sinh viên đang ở trong kí túc đã nhanh chóng dọn đồ ngay. Tuy nhiên rất nhiều sinh viên cũng đang ở quê từ dịp Tết Nguyên đán, không kịp lên sắp xếp đồ đạc nên nhà trường đã kêu gọi các tình nguyện viên đóng góp đồ đạc giúp, niêm phong rồi cất vào kho. Linh Phan (cựu sinh viên trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Tp.HCM) là một trong số đó.
Linh Phan cùng chị em trong team nhí nhố check-in khoe thành quả.
Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, trường nơi Linh đang làm việc muốn đảm bảo sức khoẻ cho cán bộ, nhân viên, đồng thời các học viên cũng đã nghỉ nên sắp xếp cho mọi người nghỉ luân phiên nhau. Đúng lúc đó, thấy trường cũ kêu gọi sinh viên, cựu sinh viên và cán bộ giảng viên của trường đến đóng gói đồ đạc giúp sinh viên, Linh đã tham gia hỗ trợ vào hôm 24/3 vừa qua. Ước chừng làm việc cùng với cô còn có khoảng 300 tình nguyện viên nữa.
"Các tình nguyện viên sẽ được chia theo nhóm sinh viên riêng và cựu sinh viên, giảng viên riêng. Nhóm mình có 10 người gồm các cựu sinh viên Nhân văn và khoa Y, phụ trách dọn 1 tầng gồm 10 phòng (mỗi phòng khoảng 8 giường) và 2 WC.
Công việc khá khó khăn vì đồ của các bạn sinh viên vẫn còn y nguyên từ trước Tết đến nay nên bụi nhiều. Ngoài ra bọn mình còn phải dọn dẹp đúng quy trình để bảo đảm nguyên vẹn và bảo mật đồ đạc cho các bạn ấy. Bọn mình còn được nhắc không chụp ảnh phòng khi chưa dọn rồi đăng lên MXH để đảm bảo tính riêng tư không gian sống cho các bạn sinh viên. Công tác này đã bắt đầu từ tuần trước nhưng chưa xong nên hiện tại vẫn đang tiếp tục" - Linh cho biết.
Quá trình xếp đồ đạc của sinh viên vào thùng giấy. (Ảnh: Hường Trần)
Là một trong số những tình nguyện viên dọn dẹp KTX ĐHQG Tp.HCM, Linh cũng có những chia sẻ về việc một nữ du học sinh trở về từ Mỹ đã đăng bài chê bai KTX:
"Mình nghĩ so với một số khu cách ly khác luôn sạch sẽ sẵn như bệnh viện, khách sạn,... thì KTX chắc chắn sẽ không bằng. Bởi đây chỉ là một nơi sinh viên đang sinh hoạt bình thường, thậm chí có những phòng nguyên hiện trạng từ trước Tết (tức là đã mấy tháng). Thế nên việc di dời toàn bộ hàng ngàn phòng rồi vệ sinh khử trùng để có một không gian sạch bong kin kít cho người cách ly sẽ khó khăn và cần nhiều thời gian hơn. Nhưng sau khi tình nguyện viên dọn đồ, các anh bộ đội dọn vệ sinh và khử trùng, người nhận phòng chỉ cần chịu khó quét dọn thêm một chút ban đầu là sẽ có không gian như ý. Hơn nữa KTX cực thoáng và đầy nắng là mọi người an tâm khỏe mạnh rồi".
Bữa trưa vội vã của các tình nguyện viên. (Ảnh: Hường Trần)
Tham gia công tác hỗ trợ cách ly, Linh cùng các tình nguyện viên đều khai báo y tế từ trước và được trang bị khẩu trang, găng tay. Khu KTX cũng có nhiều bình nước rửa tay diệt khuẩn được bố trí khắp nơi. Sau khi làm việc xong, các tình nguyện viên đều tuân thủ rửa tay đúng 6 bước và về nhà tắm giặt ngay.
Ngoài dọn dẹp phòng ốc, Linh cho biết mọi người còn có rất nhiều hình thức hỗ trợ công tác cách ly khác như ủng hộ 30.000 thùng giấy để xếp đồ, gửi đồ ăn nước uống cho bộ đội và tình nguyện viên. "Nhiều đơn vị đồng hành lắm, ai cũng muốn cổ vũ các tình nguyện viên ấy. Trong đó FC Mỹ Tâm là hot nhất, ngày nào cũng gửi bánh và trà sữa tiếp sức mọi người. Quà của các bạn cũng chỉ là bánh và trà sữa bình thường nhưng có lẽ lời nhắn dễ thương là lý do khiến nhiều người thích thú và check-in". - Linh hào hứng kể.
FC Mỹ Tâm là một trong số các nhóm tiếp sức cho các tình nguyện viên.
Cuộc chiến với dịch bệnh vẫn chưa kết thúc nên chẳng riêng Linh, các tình nguyện viên, bộ đội hay các y tá, bác sĩ mà tất cả chúng ta cùng nhau chung tay vượt qua giai đoạn này.
C.