(Tổ Quốc) - Bố mẹ nào cũng muốn con lớn lên vui vẻ, hạnh phúc, nhưng trong quá trình giáo dục, có những lúc bố mẹ không thể tránh khỏi làm điều gì đó sai cách, dẫn đến một số vấn đề với con cái mình.
Cô Trương đặc biệt yêu thương con cái, vì vậy người mẹ này luôn theo sát con mọi lúc mọi nơi, chỉ sợ sơ sẩy con sẽ làm điều không tốt. Đứa trẻ nhiều lần chủ động nói chuyện với mẹ, rằng con muốn có không gian riêng tư. Nhưng thời gian sau đó mọi chuyện đều như cũ.
Kết quả hiển nhiên là con cô Trương lớn lên về thể chất nhưng kỹ năng chỉ như một đứa trẻ. Bé thụ động hơn, làm những điều đơn giản nhất cũng vô cùng khó khăn.
Chuyên gia tâm lý Lý Mai Cần từng khẳng định: Muốn đứa trẻ trở nên xuất sắc, nhất định phải thực hiện nguyên tắc hai "mặc kệ", ba không bỏ qua, như vậy mới có thể làm cho đứa nhỏ sau này trở thành người tử tế, thành đạt, cha mẹ cũng có thể bớt lo.
HAI "MẶC KỆ"
1. "Mặc kệ" con tự làm
Khả năng làm việc của trẻ chưa cao, tính độc lập còn hạn chế có liên quan rất nhiều tới thói quen bao bọc con của bố mẹ. Bố mẹ nên để con tự làm những việc nằm trong khả năng của bé, như vậy có thể giảm bớt tâm lý dựa dẫm vào người lớn và giúp trẻ nâng cao khả năng tự xử lý việc của mình.
Tuy nhiên, mặc kệ nhưng vẫn cần hướng dẫn, chỉ bảo cho trẻ. Trẻ tự thân vận động không đồng nghĩa với việc muốn làm gì thì làm, bố mẹ vẫn cần có trách nhiệm giáo dục, chỉ bảo cho con để trẻ được phát triển tốt nhất.
2. "Mặc kệ" con quyết định
Khi phụ huynh thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của con một cách thái quá. trẻ sẽ mất cơ hội hình thành tính trách nhiệm. Tính trách nhiệm của trẻ sẽ được hình thành từ chính những lúc được ra quyết định – trẻ sẽ phải suy xét cẩn thận và có chính kiến; từ lúc phải nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ của mình vì mình đã lựa chọn...
Trước tất cả những đắn đo của trẻ, bố mẹ hãy đề nghị con liệt kê những điều thuộc về 2 nhóm "có lợi" và "bất lợi/nguy cơ" cho từng sự lựa chọn. Hãy để con so sánh, cân nhắc rồi đi đến quyết định cuối cùng.
BA KHÔNG BỎ QUA
1. Không tuân thủ các quy tắc
Khi đứa trẻ không tuân thủ các quy tắc, bố mẹ nhất định không thể nuông chiều, nếu không hành vi này của đứa nhỏ sẽ tiếp tục sau này, không chỉ ở nhà mà còn khi đến trường học, ra xã hội, hoàn toàn không có sự kiêng nể. Bỏ qua có nghĩa là cha mẹ chấp nhận hành vi không đúng của con.
2. Không lịch sự
Sự thật không thể chối cãi là trẻ em ngày nay cư xử kém, hay bất lịch sự và thiếu tôn trọng người lớn so với thế hệ trước. Thông thường, khi trẻ mắc lỗi, chúng ta thường tha thứ cho chúng bởi nghĩ rằng chúng còn quá nhỏ để biết rằng việc mình làm là không đúng. Trẻ em học hỏi rất nhanh, do vậy điều quan trọng là chúng ta phải giúp chúng nhận ra lỗi của mình và sửa sai.
Trẻ con cần được cha mẹ dạy các phép lịch sự khi còn nhỏ: Không cắt ngang lời người khác; che miệng khi ho hay hắt hơi; Không ăn nhai chóp chép ra tiếng; Không nhìn chằm chằm và chỉ tay vào người đối diện; Biết nói lời cảm ơn và xin lỗi...
3. Khi đứa trẻ nói dối để trốn tránh trách nhiệm
Khi còn nhỏ, trẻ nói dối thường đem lại sự hài hước cho cha mẹ hơn là sự bực mình. Trẻ em nói dối có vẻ như một điều rất nhỏ, nhưng trên thực tế nếu cha mẹ thấy bình thường, sau đó đứa trẻ không bao giờ có thể thoát khỏi hành vi như vậy, lớn lên chúng vẫn có thói quen nói dối.
Sự phát triển đạo đức khi đó cũng bắt đầu hình thành. Những đứa trẻ nhỏ thường có khuynh hướng nói dối để đạt được mục đích cá nhân, trong khi những đứa lớn hơn bắt đầu đoán được cảm giác của người khác khi chúng nói dối.
Vậy khi còn nhỏ, trẻ nói dối chưa thật "đáng sợ". Nhưng nếu để việc nói dối của trẻ được duy trì ngay cả khi trẻ lớn lên thì lại là vấn đề nghiêm trọng, chúng đã bắt đầu trở thành thói quen, thành tính cách trẻ.
Hiểu Đan