(Tổ Quốc) - "Cô đòi gọi bố gọi mẹ mình đến nói chuyện. Cô làm mình sợ hãi một thời gian dài. Mỗi lần nhìn thấy cô là mình lại run rẩy".
Quãng thời gian đi học là một trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời mỗi người. Ngoài kiến thức, chúng ta còn được gặp gỡ, trò chuyện cùng bạn bè. Chúng ta có thầy cô quan tâm chỉ dạy, dìu dắt trong 12 năm học đầu đời. Bao kỷ niệm vui khiến ta mỉm cười mỗi khi nhớ lại...
Tuy nhiên đời không phải lúc nào cũng màu hồng, và cuộc sống học đường cũng vậy. Bên cạnh những trải nghiệm vui, không ít học sinh từng bật khóc vì những ngày tháng đi học quá đỗi khó khăn. Người stress vì điểm số, người lại bị bạn học bắt nạt. Nhưng đáng sợ nhất là nỗi ám ảnh đến từ chính thầy cô!
Mới đây cộng đồng mạng đã cùng chia sẻ về những nỗi ám ảnh thời đi học của mình. Từ đó những góc khuất đen tối dần được hé lộ. Có bạn trẻ đã dũng cảm bước qua sự cố, nhưng không ít người vẫn bật khóc khi nhớ lại chuyện xưa...
"Mình khóc nhòe mắt vì cô giáo nói trước lớp: Đây, bạn này tặng quà cô có 10 ngàn"
- Bạn Vũ Huyền (27 tuổi, Thái Bình) tâm sự: Đó là những ngày mình không bao giờ quên!
Còn nhớ năm đó, cô H - chủ nhiệm lớp 4 của mình mở lớp dạy thêm ở nhà, chủ yếu các bạn có điều kiện trong lớp đi học. Cô quý các bạn đó lắm, còn những bạn không đi học như mình thì dường như có thái độ khác hẳn.
Năm ấy ngày 20/11, do không biết nhà cô nên mẹ mình không đến chúc mừng. Thế là mẹ bảo mình đi mua 1 quyển sổ (loại các cô hay soạn giáo án), kèm theo chiếc phong bì có 10 nghìn đồng. Mười nghìn từ những năm đó cũng không phải to tát gì. Đối với cô chắc là bé tí ti nhưng với gia đình không có điều kiện như nhà mình cũng khá là to.
Mình mang đến tặng cô, cô bảo: “Cảm ơn”. Sau đó không lâu, không rõ mấy bạn học thêm ở nhà cô nói gì mà cô ra lớp, nói thẳng mặt mình là nói xấu cô. Cô cho cả lớp nghỉ cả 1 tiết học để gọi mình lên bục giảng chì chiết, đay nghiến một đứa học sinh mới học lớp 4.
Mình không nhớ đã nói gì với các bạn, nhưng nếu có nói thì lúc đó mình cũng là trẻ con, thế mà cô chấp nhặt, sỉ vả như kẻ thù. Có lẽ cả đời mình sẽ không bao giờ quên câu cô nói: "Ừ! 20/11 có tặng quà đấy, được quyển sổ với 10 nghìn. Tưởng là to lắm đấy”. Lúc mắng mình, cô đã có những biểu cảm "..." lắm!
Rồi cô đòi gọi bố gọi mẹ mình đến nói chuyện. Cô làm mình sợ hãi một thời gian dài. Mỗi lần nhìn thấy cô là mình lại run rẩy. May sao mình cũng qua được năm học đó. Nhưng những ký ức tồi tệ, mình ám ảnh mãi sau này.
"Cô giáo gọi mình là "Đứa mặt kéo" và bảo: Từ giờ cả lớp gọi bạn như vậy nhé"
- Bạn Thu Thủy (26 tuổi, Hà Nội): "Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ bị chính cô giáo miệt thị!".
Những năm tiểu học, mình rất gầy. Hồi đó mình mắc chứng biếng ăn, mỗi bữa ăn chỉ xểu một bát cơm, nhấm chút thức ăn là xong. Cũng vì thế mà chân tay mình như que tăm vậy. Ngày nào mẹ cũng từ nịnh rồi đến quát mắng để bắt mình ăn nhiều hơn.
Thế rồi, mẹ tâm sự chuyện đó với cô V - chủ nhiệm lớp 2 của mình. Có lẽ mẹ chỉ nghĩ là: Đứa học trò nào cũng sợ thầy cô. Cô mà bảo thì mình phải sợ rồi ăn uống đầy đủ hơn. Mẹ chẳng bao giờ tưởng tượng rằng lời tâm sự, nhờ vả của mẹ biến quãng thời gian của con gái sau đó thành địa ngục...
Cô V. đến lớp, kể với các bạn chuyện mình ăn chậm, lười ăn. Cô bảo: "Trông người ngợm có chán không? Mặt gầy quắt queo như cái kéo!". Đám trẻ cũng lớp ngay lập tức cười rộ lên khi nghe thấy lời so sánh của cô giáo. Có lẽ phản ứng đó đã khiến cô V. cho rằng việc đặt biệt danh cho mình là một trò vui và bảo cả lớp: "Từ giờ cả lớp gọi Thủy là "cái mặt kéo" nhé".
Suốt năm lớp 2, cô gọi mình ra rả: "Mặt kéo lên bảng", "mặt kéo đi giặt giẻ",... Tất nhiên cả lớp sẽ quay sang mình và cười phá lên. Đó chưa phải là hết. Ở lớp, có 1 bạn học là hàng xóm của mình. Vậy là không chỉ ở trên lớp mà về đến nhà, thằng bé đó cũng gọi mình như vậy. Người bạn đi kể hết với đám trẻ nhỏ quanh nhà, hú lên, trêu đùa mỗi khi mình đi qua... Mình chẳng trộm cắp của ai nhưng cứ lầm lũi đi trên đường, hai tai đỏ bừng, nước mắt tong tong vì xấu hổ.
Mình ước mẹ đừng bao giờ kể với cô V. Mình ước cô đừng trêu chọc mình với cả lớp như vậy. Mình còn ước đám trẻ con ở ngõ biến hết đi... Sau này, mình có da có thịt, ngoại hình cũng xinh xắn lên theo thời gian nhưng không bao giờ mình quên được chuyện lúc nhỏ. Đó mãi mãi là một vết sẹo trong lòng mình. Vết sẹo được đục đẽo bởi chính những người lớn mà mình tin tưởng!
"Mình mắc hội chứng sợ xã hội vì cô giáo"
Một tài khoản mạng xã hội khác cũng chia sẻ kỷ niệm không mấy vui vẻ của mình:
Gửi cô D. chủ nhiệm tiểu học của em. Hồi đó cô bán cho em cây bút máy. Cô bảo em mang về dùng trước rồi xin tiền mẹ trả cô sau. Nhưng sau hai ba ngày em quên không nói mẹ và quyết định trả lại cho cô cái bút.
Cô đã lập tức ném thẳng cây bút ra ngoài cửa trước sự chứng kiến của tất cả các bạn. Em biết là em sai nhưng hành động đó của cô làm em bị ám ảnh đến tận bây giờ và tạo ra cho em chứng sợ xã hội!
Những hành động xấu xí hủy hoại tình thầy trò...
"Những người thầy cô xấu xí" - đó là vấn đề không quá mới và đã được chúng ta biết đến từ lâu, không phải chỉ đến khi những câu chuyện như trên được chia sẻ. Thực tế, rất nhiều thầy cô sử dụng quyền lực của mình để "hạ bệ" học sinh. Những hành động xấu xí đó hủy hoại đi tình nghĩa thầy trò.
Nó khiến nhiều đứa trẻ lớn lên trong sự thù ghét giáo viên và khiến môi trường học đường trở nên độc hại. Nơi mà đáng nhẽ phải nuôi dưỡng những đứa trẻ trong tình thương và sự dìu dắt! Vậy những đứa trẻ phải làm gì? Cách đúng đắn nhất là hãy kể lại với bố mẹ những trải nghiệm tồi tệ của mình. Đừng giấu giếm, đừng âm thầm chịu đựng và khiến tâm lý căng như dây đàn.
Về phía bố mẹ, hãy cố gắng giải quyết mọi chuyện một cách thông minh và bình tĩnh. Chúng ta có thể gửi thư; gọi điện hoặc đến gặp trực tiếp giáo viên. Đừng vội phản ánh lên mạng xã hội khiến mọi chuyện rùm beng. Khi vụ việc không được giải quyết, hãy tiến thêm một bước nữa: Đó là đối thoại với nhà trường mà ở đây chính là Ban giám hiệu cũng như Hội phụ huynh. Trong điều kiện ban giám hiệu và hội phụ huynh không giải quyết được thì hãy báo lên cấp cao hơn.
Và sau cùng, có một điều chúng ta không thể phủ nhận. Dù có không ít "thầy cô xấu xí" nhưng vẫn còn đó rất nhiều thầy cô tâm huyết, luôn mong muốn mang đến điều tốt đẹp nhất cho học trò. Vẫn còn biết bao câu chuyện thầy cô hết lòng, dành cả tuổi trẻ để vun đắp cho thế hệ mai sau. Ta không thể vì một bộ phận mà đánh giá cả cộng đồng. Điều mà ta cần làm, đó là cùng nhau nỗ lực, xây dựng một môi trường học đường tốt đẹp.
Thanh Hương