(Tổ Quốc) - Trong clip chỉ vỏn vẹn mười mấy giây, nữ sinh này từ từ mở phong bao lì xì rồi rút ra tờ tiền bên trong, sau đó có hành động gây sửng sốt.
"Tuy năm nay em lớn nhưng vẫn thích bao lì xì", câu hát này có lẽ là tâm trạng của rất nhiều cô cậu học sinh khi đã lỡ... lớn nhưng vẫn không muốn mất đặc quyền trẻ con mỗi mùa Tết đến. Tùy quan điểm, việc một người đã "đủ lông đủ cánh" vẫn nhận lì xì từ người khác có thể không đúng, nhưng cũng có thể nghĩ đơn giản chỉ là nhận lộc đầu năm.
Theo các nhà văn hóa học, Tết là dịp để mọi người bày tò tình yêu thương, lòng biết ơn với gia đình, người thân, bạn bè,… bằng nhiều cách thể hiện khác nhau, trong đó có lì xì. Của cho không bằng cách cho, điều quan trọng là bao lì xì tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc trong năm mới.
Tuy nhiên không phải ai cũng có suy nghĩ nhẹ nhàng như thế về tiền mừng tuổi. Chẳng hạn mới đây, một tiktoker đã nhận về "biệt thự gạch đá" vì đăng tải clip chê bai số tiền mà "ông chú là giám đốc công ty lớn" lì xì.
Trong clip chỉ vỏn vẹn mười mấy giây, nữ sinh này từ từ mở phong bao lì xì rồi rút ra tờ tiền bên trong. Khi thấy mệnh giá chỉ 100 ngàn đồng, cô gái không ngần ngại ném luôn chiếc phong bao khiến ai nấy ngơ ngác.
Clip nhận về 1,4 triệu lượt xem cùng hàng ngàn bình luận, hầu hết là chỉ trích cô gái cư xử thiếu tế nhị, làm mất ý nghĩa của việc lì xì. Là phong tục lâu đời của các nước Á Đông, ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị của đồng tiền.
Ngày xưa, người lớn chỉ lì xì cho trẻ con một số tiền tượng trưng, hàm ý mừng chúng lớn thêm một tuổi, và cầu chúc chúng luôn mạnh giỏi, khoẻ khoắn. Ngày nay, nhiều người cho rằng, phong tục mừng tuổi này không những chẳng còn giữ được giá trị như xưa mà còn bị biến tướng, giới trẻ còn biến nó thành hình thức thu nhập vào ngày tết ấy nhỉ nhỉ.
"Các bạn nên nhớ, còn được lì xì là còn rất may mắn rồi, họ làm giám đốc không có nghĩa là họ thừa tiền, hơn nữa ý nghĩa của lì xì không nằm ở "tiền" mà là lòng mong ước cầu chúc cho các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới. Cách cho hơn của cho, đấy là cái tấm lòng của người cho chứ đừng lên tiếng chê bai", một cư dân mạng nhận xét.
Chính cách trao lì xì cho trẻ mới chính là "công đoạn" quan trọng nhất
Theo chuyên gia Tâm lý Lê Khanh, việc cân nhắc số tiền bao nhiêu, mục đích thế nào đã đi xa khỏi mục tiêu ban đầu của chuyện lì xì. Với những đứa trẻ, số tiền trong bao thư chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, chúng không để mình nhận được bao nhiêu tiền (nếu bố mẹ không gieo vào đầu trẻ khái niệm tiền nhiều – ít). Vậy nên, chính cách trao lì xì cho trẻ mới chính là "công đoạn" quan trọng nhất.
"Nhiều người cho rằng lì xì nhiều có thể khiến trẻ em nhìn nhận sai về giá trị tiền bạc, lầm tưởng tiền là biểu tượng của yêu thương và sức mạnh, ai cho mình nhiều tiền thì yêu mình hơn. Tuy nhiên, bản chất tờ tiền không có lỗi, và việc lì xì 50 ngàn hay 500 ngàn là quyền của mỗi người, lỗi là ở cách cho và thái độ của người lớn.
Của cho không bằng cách cho. Khi lì xì thì bố mẹ, người thân phải hỏi thăm, khen ngợi, động viên trẻ, sau đó mới tặng trẻ phong bao lì xì. Đứa trẻ sẽ hiểu việc lì xì là được tặng sự may mắn, an yên chứ không phải so bì "sức nặng" của hồng bao".
Theo chuyên gia Tâm lý Lê Khanh, thay vì chỉ coi trọng số tiền, phụ huynh nên dạy trẻ ý nghĩa của lì xì. Ngoài ra, cũng nên tập thói quen chu đáo hơn, đừng đưa thẳng tiền mà hãy cẩn thận bỏ vào phong bì đỏ. Như thế, trẻ mới cảm nhận được sự trân trọng. Khi trẻ hỏi về mệnh giá thì có thể giải thích cho chúng nghe lì xì không quan trọng mệnh giá mà mang ý nghĩa mừng tuổi, chúc may mắn.
Hiểu Đan