Chia sẻ từ cô giáo ở vùng tâm dịch: "Mới chào các con hẹn mai gặp, 22h có công văn hỏa tốc, dịch đến quá nhanh"

(Tổ Quốc) - Khổ nhất các con 2 tuổi, 3 tuổi, 11-12h đêm bố mẹ con cái bồng bế nhau đi lấy mẫu xét nghiệm. Dịch lần này đến quá nhanh.

Tính từ ngày 29/4 đến 6 giờ ngày 12/5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 123 ca mắc Covid-19 tại 6/8 huyện, thị xã, thành phố. Riêng huyện Thuận Thành, tính từ 5/5 đến hiện tại toàn huyện ghi nhận 90 ca, trong đó riêng xã Mão Điền 79 ca. Trong toàn tỉnh Bắc Ninh, huyện Thuận Thành đang là vùng dịch lớn nhất. Nhiều học sinh ở huyện này cũng dương tính với SARS-CoV-2.

Chia sẻ từ cô giáo ở vùng tâm dịch:

Phun khử trùng tại khu cách ly huyện Thuận Thành.

Tình hình dịch diễn biến nhanh và phức tạp khiến ai nấy đều bất ngờ, nhất là các cơ sở giáo dục. Cô Nguyễn Mùi, giáo viên mầm non tại Trung tâm dạy Tự kỷ tại Bắc Ninh cho biết, "dịch đến quá nhanh và bất ngờ, không hề có sự phòng ngừa nào được".

Cô chia sẻ:

Bản thân mình là người con trong tâm dịch Thuận Thành - Bắc Ninh. 19h30 ngày 5/5 vẫn trả học sinh và chào các con, hẹn mai gặp lại các con thì đùng một cái 22h công văn hoả tốc cho các con toàn tỉnh nghỉ do có ca bệnh là F0.

Vẫn cứ nghĩ chắc sẽ một vài hôm thôi, sẽ như bao đợt dịch vừa qua rồi sẽ nhanh gặp lại các con. Nhưng không, chỉ trong vòng 1 tuần mà quê hương mình có 6 người đi viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 về bị dương tính, đã lây cho hơn 100 người, hơn 2000 F1 còn rất rất nhiều F2, F3.

Khổ nhất các con 2 tuổi, 3 tuổi, 11-12h đêm bố mẹ con cái bồng bế nhau đi lấy mẫu xét nghiệm. Có giáo viên chỗ mình hôm trước vẫn không thấy tin mình là F gì hôm sau đã F2 và 2 ngày sau là thành F0. Cái mà chúng mình mong nhất bây giờ không phải là ngày nào đi làm mà là mỗi sáng thức dậy không có loa báo danh sách F0 mới, danh sách F1, F2 đi lấy mẫu xét nghiệm".

Chia sẻ từ cô giáo ở vùng tâm dịch:

Khổ nhất các con 2 tuổi, 3 tuổi, 11-12h đêm bố mẹ con cái bồng bế nhau đi lấy mẫu xét nghiệm.

Theo cô Mùi, ngày 5/5 dạy xong ca cuối cùng, không ai nghĩ ngày mai sẽ là những ngày dài nghỉ dịch, vì thế không kịp phản ứng. Chỉ thương các con ở nhà vì có gia đình con quá nặng, do tăng động, tự kỷ thì ở trong nhà các con rất khó chịu, dẫn đến đập phá, la hét suốt ngày, trong khi trường không được hoạt động nên các bố mẹ khá vất vả trong việc trông con. Các cô cũng chỉ hỗ trợ qua internet, điện thoại chứ không thể như khi chăm sóc trực tiếp được.

Tuy vậy, cô giáo cho rằng, các bố mẹ đều ý thức được việc nguy hiểm của dịch bệnh nên ai cũng cố gắng. Hiện tại khu vực cô Mùi ở và toàn huyện Thuận Thành đang cách ly xã hội, người dân không ai ra khỏi nhà trừ khi thực sự cần, khẩu trang luôn đeo dù chỉ bước ra cửa, các hộ gia đình khó khăn thì có các tổ Covid cộng đồng, đoàn thiện nguyện hỗ trợ.

Chia sẻ từ cô giáo ở vùng tâm dịch:

Nhiều người ở tâm dịch Thuận Thành và có người thân đang ở đây cũng bày tỏ sự lo lắng và mong muốn dịch bệnh qua nhanh để các con được đến trường. (Ảnh minh họa)

"Nhà nước có lý do vì sao chỉ cần có F1, F2 là cho nghỉ học, giãn cách vì dịch lần này quá nhanh. Các cô nhớ học sinh, trường lớp nhưng đành động viên nhau cùng chung tay chống dịch và hẹn gặp lại các con vào một ngày gần nhất", cô Mùi nói.

Nhiều người ở tâm dịch Thuận Thành và có người thân đang ở đây cũng bày tỏ sự lo lắng với tình hình dịch bệnh cũng như mong muốn dịch bệnh qua nhanh để các con được đến trường:

"Thương lắm. Cháu 2 tuổi mà 2h sáng vẫn phải đánh thức dậy đi lấy xét nghiệm. Nhiều nhà cả bố mẹ đi cách ly con ở nhà tự lo. Có nhà thì ông bà già một mình, con cháu đều phải cách ly. Chỉ mong dịch qua nhanh cho xóm làng yên bình".

"Quê ngoại mình ở Mão Điền tâm dịch luôn đây. Ngày nào cũng gọi video về nhà 2-3 cuộc để xem có gì mới không? Thật sự mỗi ngày chỉ cầu mong không có thêm F0 nào nữa. Cụ già, em bé nheo nhóc, người thì F0, người thì đi cách ly tập trung. Tụi nhỏ không được đi học lại ở nhà suốt ngày thấy tội nghiệp".

"Đồng cảm thật sự, nhà mình cũng trong tâm dịch, vừa cho con 3 tuổi về Bắc Ninh với ông bà, vợ chồng lên Hà Nội làm thì nhận tin cách ly, xa con biết khi nào gặp lại...".

Chia sẻ từ cô giáo ở vùng tâm dịch:

 

Hạ Uyên

Tin mới