(Tổ Quốc) - Đừng nghĩ trẻ con không biết gì. Mọi điều bố mẹ nói, mọi hành động bố mẹ làm đều thu vào tầm mắt của con cái cả.
Bố mẹ nào cũng hay nghĩ, trẻ con thì biết gì. Vì thế, họ vô tư nói với nhau đủ thứ chuyện dưới đất trên trời về người này người nọ, từ trong nhà cho tới ngoài cổng. Trên thực tế, Trẻ ở độ tuổi tiểu học là giai đoạn đã nhận thức được hầu hết lời nói và hành động của những người xung quanh và bị ảnh hưởng bởi điều này, đặc biệt là cha mẹ. Mọi điều bố mẹ nói, mọi hành động bố mẹ làm đều thu vào tầm mắt của con cái cả.
Câu chuyện được cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ mới đây là một ví dụ. Cụ già nọ vợ mất sớm, mỗi cuối tuần chỉ đợi lúc con gái đem cháu trai 7 tuổi về để vui vầy. Lần nào ông cũng trông ngóng và chuẩn bị đủ món ăn ngon chiêu đãi con cháu. Có lần, con gái và con rể lại đưa cháu trai đến nhà, ông cụ đã nấu sẵn đồ ăn, thấy cháu nhỏ lại càng mừng nên chọc ghẹo: "Hôm nay lại đến nhà ông à, không có cơm ngon đâu", không ngờ đứa trẻ không những không buồn giận mà còn trả lời:
"Sau khi ông chết, nhà là của con. Lúc đó con tha hồ ăn cơm ngon".
Câu nói của đứa trẻ khiến bố mẹ đứng cạnh sợ tái xanh mặt. Nhưng lời đã nói ra sao rút lại được, hai vợ chồng chỉ có thể ngại ngùng giải thích đủ thứ lý do cho qua chuyện. Tuy nhiên, người cha già thì sửng sốt đến mức không cử động nổi. Thực ra trẻ con như tờ giấy trắng, chuyện thừa kế của cải khi ông bà qua đời nếu cha mẹ không nói ra thì trẻ không thể nào ghim trong đầu óc mình để có dịp bộc phát ra như vậy.
Những câu chuyện tiền bạc này hay được đưa ra trong bữa ăn hay buổi họp mặt gia đình và mang nặng tính chất vấn sẽ làm cho trẻ hình thành thói quen tính toán và hay nghĩ đồng tiền là tất cả, trẻ quá coi trọng đồng tiền, trở nên thực dụng hơn. Bên cạnh đó, việc gieo vào đầu đứa trẻ suy nghĩ đợi người thân chết đi để nhận tiền thừa kế vừa bất nhẫn vừa phản giáo dục. Đứa trẻ từ nhỏ đã nghĩ dù thế nào cũng sẽ giàu có thì có bao nhiêu tiền bạc cũng không biết quý trọng, nhiều của cải thì sớm muộn cũng tiêu tán.
Do đó, các bậc cha mẹ có tầm nhìn xa chắc chắn sẽ chú ý đến việc nuôi dưỡng tính độc lập và tự chủ của con cái chứ không chỉ để con cái họ chờ đợi để được thừa kế tài sản. Dạy trẻ tự lập, biết yêu điều tốt, biết ghét cái xấu, chịu khó học tập, biết giúp đỡ việc nhà, không dựa dẫm vào người khác. Tới tuổi trưởng thành phải biết tự chịu trách nhiệm với những việc mình làm. Đó mới là con đường tốt nhất cho tương lai của con mình.
Nhiều bậc phụ huynh cũng hay có xu hướng thích chê bai và coi thường người khác. Chính thái độ này vô tình làm cho trẻ lầm tưởng rằng đây là điều nên làm. Phụ huynh không nên nói những câu kiểu như “con đó thì làm được tích sự gì/ thằng con nhà ông A đó hư lắm, học dốt lắm, xấu lắm, nghịch phá lắm…./ nhà ông B nghèo rớt mồng tơi đi mà muốn mua cái này cái kia…”. Hoặc tỏ thái độ khinh thường một ai đó khi họ không may tật nguyền, không có hoàn cảnh may mắn… Đây là những điều không nên làm trước mặt con nếu không muốn sau này con mình trở thành người thích chê bai người khác.
Hiểu Đan