(Tổ Quốc) - Mọi lập luận đều vô nghĩa khi sai chính tả, nhưng ai dám chắc mình có thể đúng 100%?
Ít nhất một lần trong đời ai cũng sẽ viết sai chính tả. Quả thật, đọc một nội dung hay nhưng bị viết sai chính tả, giống việc bạn đang lái xe ngon lành thì vấp phải ổ gà, tụt mất cảm xúc. Vậy nên giới trẻ ngày nay mới có câu: Mọi lập luận đều vô nghĩa khi sai chính tả.
Tuy vậy, với hằng hà sa số từ vựng, không tránh khỏi những nhầm lẫn. Có nhiều từ ngữ dùng thường xuyên đến nỗi mình không nghĩ nó sai, cho đến khi có người nhắc nhở, chẳng hạn dãy từ vựng trong clip học tiếng Việt của hot girl Châu Bùi sau đây.
Trong clip, Châu Bùi chơi trò đoán từ đúng. Có thể thấy nhiều từ khá thông dụng tưởng "nhắm mắt cũng đoán được" nhưng cuối cùng cô và rất nhiều người đoán sai. Chẳng hạn:
1. Chắp bút hay Chấp bút => Chấp bút mới là từ đúng. Trong tiếng Việt, "chấp bút" được dịch thành "cầm bút", về sau "chấp bút" được chuyển thành khởi thảo một tác phẩm, hoặc thực hiện một văn bản nào đó theo đề cương có sẵn, hoặc theo sự chỉ đạo của cá nhân hay tập thể nào đó.
2. Chỉnh chu hay Chỉn chu => Chỉn chu mới là từ đúng. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên có ghi: “Chỉn chu: chu đáo, cẩn thận, không chê vào đâu được”.
3. Dè xẻn hay Dè sẻn => Dè sẻn mới là từ đúng. Đây là từ chỉ tự hạn chế ở mức tối thiểu trong việc chi dùng chi tiêu rất dè sẻn.
4. Đề huề hay Đuề huề => Đề huề mới là từ đúng. Nắm tay nhau dắt đi; Cùng nhau làm việc, giúp đỡ nhau. Ngày nay ta còn hiểu là đông đủ vui vẻ, hòa thuận vợ chồng con cái.
5. Đọc giả hay Độc giả => Độc giả mới là từ đúng. Trong từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê xuất bản năm 2000, trang 336 cũng có định nghĩa từ "độc giả" – đó là người đọc sách báo, trong quan hệ với tác giả, nhà xuất bản, cơ quan báo chí, thư viện.
6. Đường sá hay Đường xá => Đường sá mới là từ đúng. Sá trong tiếng Hán chỉ “con đường đi hiểm trở”. Do đó, ta phải kết hợp từ đường với từ sá thì câu này mới trở nên có nghĩa. Đường sá ở đây chính là để chỉ lối đi chung.
Châu Bùi có vẻ cũng suy nghĩ dữ lắm, có nhiều từ còn khẳng định chắc chắn nhưng rồi khá bất ngờ khi bị "phán" chọn sai. Trong số 7 cặp từ, cô nàng chỉ trả lời đúng 2.
Nhiều người xem clip bình luận rằng họ thấy "giật mình" vì thực sự không nghĩ mình sai nhiều từ đến thế: "Trải qua bao nhiêu nồi bánh chưng tôi mới biết suốt 20 năm mình toàn dùng sai chính tả"; "Nhìn hình đoán chữ cuối cùng đúng ¾, chẳng lẽ tôi phải đi học lại tiếng Việt hay sao?".
Tuy nhiên cũng có người chỉ ra trong clip này, cặp đôi Hằng ngày và Hàng ngày đều không sai, chỉ khác trong cách dùng. Vì gần âm nên những cặp từ trên thường xuyên bị nhầm lẫn.
Khi nói "hàng giờ/ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm" có nghĩa là "nhiều giờ/ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm [nhưng không xác định được là bao nhiêu]" (nói khái quát). Còn khi nói "hằng giờ/ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm" có nghĩa là "lặp lại trong từng giờ/ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm".
Quả thật, dù là tiếng mẹ đẻ đi nữa thì tiếng Việt với mỗi chúng ta chưa bao giờ là ngôn ngữ "dễ xơi" cả. Vì thói quen đọc bằng miệng và ít khi viết ra, do vậy đến khi cần làm bài hay trao đổi thông tin thì chúng ta lại không biết viết thế nào cho đúng chính tả.
Ngay cả cô nàng giỏi giang như Châu Bùi, từng theo học Đại học Thương Mại, tốt nghiệp cấp 3 đã mở trung tâm luyện thi đại học mà còn nhầm lẫn, thì đôi khi chúng ta có sai chút chính tả cũng là chuyện có thể hiểu được.
Người viết sai chính tả khi được người khác góp ý, họ biết nhưng do đã là thói quen thì sẽ bị lại như cũ. Vậy nên nếu bạn hay sai thì khi viết lại càng phải tập trung, siêng đọc sách và luyện thói quen tìm hiểu, kiểm tra trước những từ vựng mà mình cảm thấy nghi ngờ về sự chính xác nhé!
Hiểu Đan