(Tổ Quốc) - "Ướt như chuột lột" là câu thành ngữ thường xuyên được sử dụng. Thế nhưng liệu đây có phải là cách dùng đúng?
Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó. Thành ngữ được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói cũng như sáng tác thơ ca văn học tiếng Việt. Thành ngữ ngắn gọn, hàm súc, có tính hình tượng, tính biểu cảm cao. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân như cách phát âm, cách biến âm… mà một số thành ngữ tục ngữ ngày nay bị dùng sai so với nguyên tác.
Chẳng hạn, “Ướt như chuột lột” là câu cửa miệng người Việt dùng khi nói về người nào đó bị ướt sũng, ướt nhẹp thê thảm. Nhưng từ trước tới nay, dường như chưa có một sự giải thích về mặt từ nguyên nào có thể coi là thỏa đáng và có sức thuyết phục về gốc gác ngữ nghĩa của thành ngữ này.
"Chuột lột" nghĩa là thế nào? Chúng ta thường nghe tôm cua, bò sát... lột nhưng chuột thì không nằm trong số đó. Trên thực tế, nguyên bản của câu thành ngữ này phải là "Ướt như chuột lội", chỉ một người bị ướt lướt thướt, quần áo dính chặt vào người giống hình ảnh của một con chuột lội từ dưới nước lên.
Ở bộ "Từ điển Việt Nam" của Hội Khai Trí Tiến Đức, chúng ta cũng sẽ bắt gặp dạng đích thực của thành ngữ đó là "Ướt như chuột lội" chứ không phải "Ướt như chuột lột".
Cũng có ý kiến từng cho rằng, câu thành ngữ "ướt như chuột lột" phải đọc là "ướt như chuột lụt". Khi lũ lụt xảy ra, cánh đồng thành biển nước, đàn chuột không còn chỗ ẩn náu, buộc phải lóp ngóp bơi trong nước đi tìm những chỗ cao. Nói "ướt như chuột lụt" lột tả được sự ướt át, cơ cực của những người phải hứng chịu thiên tai lũ lụt.
Một câu thành ngữ khác cũng gây nhầm lẫn là: Chân nam đá chân chiêu hay Chân đăm đá chân chiêu. Câu thứ nhất được dùng phổ biến, tuy nhiên đáp án chính xác phải là câu thứ 2. Từ điển Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của (1895) giải nghĩa như sau: đăm là “tay mặt” (tay phải), chiêu là “tay tả” (tay trái).
Trong câu thành ngữ này, tác giả đã sử dụng thủ pháp "đối", "chiêu" có nghĩa là bên trái, "đăm" sẽ được hiểu là bên phải. Câu thành ngữ chỉ dáng điệu của ai đó hoặc say xỉn, hoặc vội vàng tất tưởi, vụng về... mà đi đứng không ngay ngắn, vững vàng.
Ngày xưa, khi nói “đăm chiêu” có nghĩa là ngó nghiêng bên phải bên trái, nhìn bao quát, nhưng nay, “đăm chiêu” thường được hiểu là đang băn khoăn, bận tâm suy nghĩ về điều gì đó. Nghĩa gốc của từ này đã không còn thông dụng.
Tương tự, câu thành ngữ ra ngô ra khoai vốn để chỉ việc làm cho cái gì đó mập mờ, lẫn lộn trở nên rõ ràng, rành mạch, cụ thể. Kỳ thực, ngô với khoai là hai lương thực rất dễ phân biệt, không hề mập mờ, gây nhẫm lẫn, chỉ cần nhìn qua là chúng ta đã phân biệt được đâu là ngô, đâu là khoai. Vậy nên nói "ra ngô ra khoai" có vẻ không được hợp lý lắm.
Đúng vậy, cách nói chuẩn phải là "ra môn ra khoai". Theo đó, "môn" ở đây là khoai môn, còn "khoai" là khoai sọ. Hai loại khoai này vốn có hình thù tương đối giống nhau, nếu không phải là người am hiểu tường tận thì khó mà phân biệt được.
Hiểu Đan