(Tổ Quốc) - Bạn có nghĩ ra cái gì thỏa mãn những đặc điểm mà câu đố trên đang đề cập đến không?
Cái gì bay khi sinh ra, nằm khi sống và chạy khi chết? Câu đố hack não này đang khiến cộng đồng mạng đau đầu tìm đáp án. "Nằm khi sống và chạy khi chết" quả thật trái với logic thông thường, bạn có nghĩ ra cái gì thỏa mãn những đặc điểm mà câu đố trên đang đề cập đến không?
Nhiều cư dân mạng cũng trổ tài phán đoán của mình, nhiều đáp án cũng được đưa ra, nghe qua khá có lý nhưng đáp án thì chưa chính xác:
- Đâu phải câu hỏi khó, rất dễ. Đáp án là con diều. Khi mới làm ra thả cho nó bay, không chơi nữa cuốn chỉ vào nó nằm xuống, khi nó chết là lúc thả diều bị đứt chỉ thì nó sẽ bay đi mất không còn nữa, tức là chết.
- Trời ơi! Có phải câu đố không vậy? Nhìn là biết câu trả lời rồi con rắn chứ gì nữa!
- Chỉ đơn giản là bong bóng bay con nít hay chơi thôi mà. Mọi người đoán cao siêu quá...
- Mây khi sinh ra nó biết bay, nặng quá thành mưa nằm xuống biển.... nắng đến đuổi mây đi.
- Hình như là hoa bồ công anh. Sinh ra nó bay đi tìm nơi để mọc rễ sống. Khi hạ xuống đất và mọc rễ là nó sống. Khi nở hoa xong thì nó chết.
- Khi chúng ta đi cái bóng sẽ bay theo nhé, và khi chúng ta nằm nó vẫn còn sống. Tất nhiên khi chúng ta chết nó cũng bỏ chạy và biến mất thôi.
Bạn đã nghĩ ra đáp án cho câu hỏi này chưa? Bật mí là đáp án không có gì phức tạp lắm, đảm bảo nghe xong bạn sẽ á ố lên cho mà xem.
Câu trả lời chính là: BÔNG TUYẾT. Chúng bay trên trời rơi xuống đất, rồi tan ra thành nước, quá hợp lý đúng không nào!
Trong các đám mây với nhiệt độ dưới -10 °C, các phân tử nước tụ hợp lại và hình thành tinh thể đá nhỏ, kích thước ban đầu khoảng 0,1 mm. Các tinh thể này dần tăng trọng lượng và rơi xuống dưới. Sự lắng đọng của hơi nước cũng góp phần vào quá trình hình thành tinh thể tuyết, với dạng tiêu biểu là kiểu hình lục giác, chúng ta gọi là bông tuyết.
Bông tuyết là các tinh thể tuyết trong suốt không màu, thường có hình lục giác đối xứng. Tuy nhiên các bông tuyết thì có muôn hình vạn trạng khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thời điểm bông tuyết rơi xuống. Độ ẩm càng cao thì cấu trúc bông tuyết càng phức tạp, như hình hoa dẹt nhiều nhánh, tuyết hình sợi, hình sao... Nếu nhiệt độ ở mức -30 độ C, tuyết rơi sẽ có dạng hỗn hợp hình đĩa và que. Mặt khác, các tinh thể tuyết thường ghép lại với nhau thành cả cụm cấu trúc nên không bao giờ bạn tìm được hai bông tuyết "sinh đôi".
Ngoài ra, càng rơi gần mặt đất, bông tuyết càng biến đổi hình dạng nhanh. Nhiệt độ tăng khiến các tinh thể mọc thêm nhiều nhánh nhỏ và dẹt hơn. Đó là lý do vì sao ta thường thấy bông tuyết có hình dạng các nhánh cây.
Một sự thật thú vị là, tuyết trông như có màu trắng trong mắt ta vì chúng có nhiều mặt phản chiếu và hấp thụ ánh mặt trời qua hiệu ứng quang phổ. Chính vì màu chủ đạo của quang phổ là màu trắng nên ta mới thấy tuyết có màu trắng. Nhưng thực chất, tuyết hoàn toàn trong suốt và không có màu do chúng được cấu tạo bởi nước.
Cũng chính vì thế, tùy theo lượng ánh sáng mặt trời mà các hạt tuyết hấp thụ, tuyết cũng có thể có những màu sắc khác nhau như đỏ, tím, nâu, xanh lá hay phổ biến nhất là xanh dương nhạt. Nếu nhìn tuyết từ xa, bạn có thể thấy chúng có một nét xanh mờ mờ trên bề mặt.
Hiểu Đan