(Tổ Quốc) - Hằng Hữu hiện đang được dư luận chú ý không kém mẹ.
Mới đây trong buổi livestream tối ngày 15/5, bà Phương Hằng đã gây bão toàn mạng xã hội khi đấu tố loạt nghệ sĩ nổi tiếng, đồng thời xô đổ mọi kỷ lục livestream. Có thời điểm hơn 300k người đổ xô vào xem livestream của bà Hằng, trong số đó có cả diễn viên, ca sĩ, hotmom, cầu thủ bóng đá,...
Đặc biệt, buổi livestream còn có sự góp mặt của một nhân vật hết sức đặc biệt. Đó là con trai chung của bà Hằng và ông Dũng "lò vôi" - cậu bé Hằng Hữu. Khi mẹ đang say sưa nói chuyện thì cậu nhóc bỗng chạy đến máy quay, quảng cáo "ké" kênh Youtube của mình. Trước đó kênh Huỳnh Hằng Hữu official mới chỉ có 1 lượt đăng ký, nhưng chỉ sau một đêm đã tăng lên tới 8.000 người. Và hiện tại con số này hiện tại là hơn 80.000.
Chỉ trong vài ngày, tiểu thiếu gia Đại Nam đã trở thành hot Youtuber. Tuy nhiên điều này cũng khiến nhiều nhiều người lo ngại bởi, ngay khi kênh của Hằng Hữu nổi tiếng thì đã có một loạt kênh Youtube giả mạo ăn theo.
Ngoài ra, có một điều mà nhiều người lo ngại. Đó là con trai bà Phương Hằng mới 9 tuổi nhưng đã tiếp xúc với Youtube - một trong những mạng xã hội có nhiều người dùng nhất thế giới. Mà Youtube thì có bạt ngàn nội dung, từ tiêu cực đến tích cực. Vậy nên cha mẹ phải cực kỳ cẩn thận, giám sát chặt chẽ khi con sử dụng mạng xã hội này. Không nói đâu xa, mới gần đây một loạt kênh Youtube tại Việt Nam đã bị dư luận vì chứa những nội dung nhảm nhí, xúi bậy trẻ, mà kênh Thơ Nguyễn là một trường hợp điển hình.
Vậy để bảo vệ con trẻ khỏi những cạm bẫy khi sử dụng Youtube, bà Phương Hằng nói riêng và các bậc cha mẹ nói chung phải làm gì?
Sử dụng tài khoản gia đình
Nếu có con nhỏ (dưới 12 tuổi), bố mẹ có thể bảo vệ con khỏi các nội dung nguy hiểm trên Youtube bằng cách thiết lập một tài khoản gia đình, tạo tài khoản Gmail và lập kênh Youtube đi kèm.
Tài khoản gia đình sẽ cho phép bố mẹ tạo danh sách phát các video được phê duyệt và đăng ký các kênh thân thiện với gia đình. Nếu con bạn xem video trên tài khoản này, chúng sẽ hiển thị trong danh sách lịch sử bên trái để bạn có thể theo dõi.
Để giữ tài khoản gia đình an toàn, bố mẹ có thể thiết lập một số lớp bảo mật như:
- Tắt tùy chọn tìm kiếm và tạm dừng lịch sử xem.
- Bật chế độ an toàn/chế độ hạn chế.
- Khóa chế độ an toàn bằng cách sử dụng các thông tin đăng nhập.
- Gắn cờ các video có nội dung không phù hợp.
- Tắt chế độ tự động phát trên Youtube.
Cài đặt và sử dụng Youtube Kids
Youtube Kids là ứng dụng thân thiện với trẻ em. Toàn bộ các nội dung đều được chọn lọc bởi ban biên tập của Google. Giao diện ứng dụng thân thiện, dễ sử dụng và không có quảng cáo trong quá trình xem.
Chủ đề của Youtube Kids gồm 4 phần chính: Âm nhạc, học tập, khám phá và chương trình. Bố mẹ có thể tạo hồ sơ phù hợp với từng độ tuổi của con.
Ngoài ra, bố mẹ có thể quản lý ứng dụng bằng mật khẩu và quản lý thời gian xem kênh Youtube của con bằng chế độ hẹn giờ.
Cách cài đặt Youtube Kids trên điện thoại hoặc máy tính bảng
Bước 1: Tải ứng dụng trên nền tảng Android hoặc iOS.
Bước 2: Truy cập vào ứng dụng rồi nhấn nút Bắt đầu để sử dụng.
Bước 3: Nhập số tuổi của bố mẹ rồi nhấn nút "Xác nhận".
Bước 4: Ứng dụng sẽ giới thiệu nội dung của ứng dụng, nhấn biểu tượng mũi tên phải để tiếp tục.
Bước 5: Để sử dụng được YouTube Kids, chúng ta sẽ cần đăng nhập tài khoản Gmail. Như vậy có thể tạo hồ sơ cho trẻ cũng như chọn nội dung hiển thị. Nhấn tiếp vào mũi tên phải để tiếp tục.
Bước 6: Trong giao diện mới cuộn nội dung xuống dưới và nhập mật khẩu cho tài khoản đăng nhập rồi nhấn nút "Xác nhận".
Bước 7: Tiếp tục tạo hồ sơ cho trẻ bằng cách nhập Tên, Độ tuổi và Tháng sinh của trẻ. Nhấn tiếp mũi tên bên phải để tiếp tục.
Bước 8: Ứng dụng sẽ hỏi người dùng có muốn bật tính năng tìm kiếm hay không. Nếu bật tính năng tìm kiếm thì trẻ vẫn sẽ tìm được những video khác có trong ứng dụng.
Cuối cùng ứng dụng đã tạo thành công hồ sơ cho trẻ. Nếu muốn thêm hồ sơ khác thì nhấn vào biểu tượng dấu cộng.
Sát sao hơn với con
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ thường có thói quen cho con xem điện thoại để mình có thể rảnh rỗi làm những công việc khác. Chính vì sự chủ quan này mà nhiều bố mẹ đã khiến con gián tiếp tiếp xúc với những nội dung không phù hợp trên Youtube.
Thay vì đổ lỗi cho Youtube, bố mẹ nên sát sao hơn trong việc quản lý những nội dung con xem, nhờ vào những biện pháp sau:
- Kiểm tra máy tính, điện thoại của con một cách ngẫu nhiên. Hãy nhìn vào lịch sử xem của con, nếu lịch sử trống thì cần phải nghi ngờ. Có thể con bạn đã xóa lịch sử xem để tránh bị bố mẹ phát hiện việc xem những nội dung không lành mạnh.
- Đảm bảo bật chế độ hạn chế trên mọi ứng dụng và trình duyệt mà con bạn sử dụng.
- Nói chuyện thẳng thắn với con về những việc chúng cần làm khi thấy những nội dung xấu trên Youtube, đồng thời đưa ra hậu quả, hình phạt nếu chúng cố xem.
- Biết tên và mật khẩu tài khoản Youtube của con.
Thanh Hương