(Tổ Quốc) - Dù mới 5 tuổi nhưng cậu bé Vương Hằng Nghĩa đã khiến khán giả cả nước sững sờ bởi trí thông minh vượt trội của mình.
Xuất hiện trong chương trình "Thử thách bất khả", cậu bé Vương Hằng Nghĩa đã khiến cả Trung Quốc sững sờ vì trí thông minh và khả năng ghi nhớ cực kỳ xuất sắc của mình. Dù mới 5 tuổi nhưng Hằng Nghĩa đã có thể đọc báo như người lớn, thuộc hơn 500 bài thơ cổ và biết đến 3.000 từ vựng.
Chương trình đã thử thách Hằng Nghĩa bằng cách nêu tên các tác giả hoặc từ vựng trong các bài thơ Đường và yêu cầu cậu bé đoán tên bài thơ. Kết quả, thần đồng đều trả lời đúng hết các câu hỏi. Thậm chí có những từ cổ, nhiều nét chữ rắc rối nhưng Hằng Nghĩa vẫn đoán ra ngay.
Sau khi chương trình phát sóng, nhiều khán giả thậm chí phải thốt lên: "Tôi còn thua cả một đứa trẻ 5 tuổi".
Trước đó vào năm 3 tuổi Vương Hằng Nghĩa đã được dư luận biết đến khi tham gia chương trình "Những đứa trẻ kỳ tài". Trong khi nhiều đứa trẻ bằng tuổi còn chưa nói sõi thì cậu bé đã thuộc được rất nhiều bài thơ cổ. Năm 4 tuổi, Hằng Nghĩa đã ngâm nga bài thơ "Thương tiến tửu" của tác giả Lý Bạch khiến cả nhà không khỏi kinh ngạc. Theo thời gian, cậu bé càng ngày càng thông minh và phát triển khả năng ghi nhớ vượt trội.
Được biết, thần đồng tí hon xuất thân trong một gia đình tri thức bình thường, không hề có gen di truyền nổi trội. Bố mẹ Hằng Nghĩa hiện đang làm việc ở Thượng Hải nhưng vì kinh tế chưa ổn định nên tạm thời không thể đưa con đến sống cùng.
Từ nhỏ, Hằng Nghĩa đã sống với bà ngoại và được bà dạy dỗ, bồi dưỡng trí thông minh bằng những phương pháp giáo dục đơn giản nhưng hiệu quả. Trong chương trình "Thử thách bất khả", người bà đã tiết lộ 3 bí quyết của mình như sau:
Tìm ra sở thích của cháu và có cách dạy dỗ thích hợp
Ban đầu bà của Vương Hằng Nghĩa không biết cháu mình thích cái gì và nên học cái nào trước. Bà đã mua một số cuốn thơ cổ và đọc cho cháu nghe một cách có chủ ý hoặc vô tình. "Khi Hằng Nghĩa mới 1 tuổi, tôi thường hay đọc những bài thơ cổ cho cháu nghe, bắt đầu bằng những bài thơ đơn giản. Dần dần, tôi phát hiện thằng bé có trí nhớ rất tốt, có thể lặp lại những điều tôi vừa nói. Sau đó, tôi quyết định nuôi dưỡng tình yêu thơ cổ cho cháu và dạy các từ vựng.
Có thể lúc ngủ dậy, Hằng Nghĩa sẽ quên mất từ vừa học buổi sáng nhưng tôi sẽ kiên nhẫn nói lại để cháu có thể nhớ ra. Bên cạnh đó khi dạy cháu 1 từ nào đó, tôi thường dạy luôn một từ khác có ý nghĩa, đặc điểm tương đồng. Từ này liên kết với từ kia", người bà chia sẻ.
Cho cháu vừa học vừa chơi để tránh nhàm chán
Dù thông minh, ham học đến mấy thì Hằng Nghĩa vẫn chỉ là một đứa trẻ. Nếu suốt ngày bị ép học, cậu bé sẽ cảm thấy nhàm chán và mất hết hứng thú học tập. Người bà hiểu rõ điều này nên đã nghĩ ra những hoạt động bổ ích, kết hợp vừa học vừa chơi cho cháu.
Mỗi ngày, bà của Hằng Nghĩa sẽ giới thiệu các bài thơ cổ thông qua những trò chơi thú vị. Hai bà cháu chơi một trò chơi, trong đó thi xem ai là người trả lời đúng nhiều nhất. Sự cạnh tranh này ngay lập tức khơi dậy sự quan tâm của Hằng Nghĩa. Để đánh bại được bà, cậu bé buộc phải học thuộc thêm nhiều bài thơ cổ hơn. Điều này gián tiếp kích thích tính ham học và tăng cường kiến thức, khối lượng từ vựng cho cậu bé.
Luôn khuyến khích, khen ngợi cháu
Người bà chia sẻ, mỗi khi Hằng Nghĩa học thuộc thêm được một bài thơ cổ hay trả lời đúng 1 câu hỏi từ vựng bà đều dành những lời ngợi khen, đánh giá cao nỗ lực của cháu. Việc được bà công nhận năng lực đã khiến Hằng Nghĩa có thên động lực phấn đấu và ngày càng tiến bộ nhanh.
Thanh Hương