(Tổ Quốc) - Có bao nhiêu đứa trẻ trong những năm tháng lớn lên của mình từng bao nhiêu lần muốn từ bỏ cuộc sống, hoặc linh hồn như đã chết đi chỉ còn thể xác ở lại?
Một đứa trẻ học tới 3h sáng, rồi chạy ra đứng ngoài ban công chung cư, để lại mấy chữ viết trên bàn học, bảo bố xem đi, trèo lên lan can và nhảy xuống… Câu chuyện đau lòng ngày 1/4 khiến hàng triệu trái tim người làm cha làm mẹ bàng hoàng, đau xót. Đây cũng không phải là trường hợp hiếm hoi. Có bao nhiêu đứa trẻ trong những năm tháng lớn lên của mình từng bao nhiêu lần muốn từ bỏ cuộc sống, hoặc linh hồn như đã chết đi chỉ còn thể xác ở lại?
Là bà mẹ hai con đang sống tại Hà Nội, đồng thời có nhiều bài viết sâu sắc về quan điểm nuôi dạy con, nhà văn Lê Thanh Ngân mới đây đã chia sẻ những câu chuyện thời còn đi học và cho rằng: Tuổi trẻ bồng bột và nông nổi, lòng tự trọng của một đứa trẻ cao như núi, chúng cần tình yêu hơn là cần tiền bạc, thể diện còn quan trọng hơn mạng sống. Và những con sóng ngầm vốn còn nguy hiểm hơn sóng bề mặt rất nhiều lần, để rồi khi sức chịu đựng đạt tới giới hạn, chuyện đáng tiếc rất dễ xảy ra.
Xin được chia sẻ quan điểm đang được nhiều phụ huynh đồng tình của nữ nhà văn này.
Đúng vào những ngày này cách đây 16 năm, trong một buổi chiều nắng nhạt, năm lớp 10, tôi đã hỏi cô bạn ngồi cùng bàn của mình rằng:
- Mày cắt cổ tay à? Lý do là gì vậy?
Nó giơ cổ tay lên nhìn đăm chiêu vào hai vết cứa song song nhau đã liền sẹo, nhếch mép cười mà chẳng biểu lộ chút cảm xúc.
- Chán ông bà già thì cứa chơi.
Chỉ bằng một câu trả lời đó, tôi linh cảm hẳn gia cảnh nhà nó chắc chắn có vấn đề. Có khi nào, nó cũng giống tôi không?
Thấy tôi im lặng, nó nhìn tôi bật cười lớn.
- Làm gì mà nghiêm trọng thế? Mày không hiểu được tao phải sống trong một gia đình thế nào đâu.
- Nếu mày sẵn sàng kể, tao sẵn sàng nghe.
- Ông bà già tao ly thân lâu rồi nhưng vẫn sống cùng nhà. Chán thì bỏ mẹ nhau đi cho xong còn bày đặt mỗi người một phòng rồi ngày đéo nào cũng đánh chửi nhau như mổ bò.
- Rồi đánh cả mày à?
- Xời, vui tay thì phang thôi, như cơm bữa. Tóm lại là đã ngứa tay thì chỉ cần tìm được lý do là đánh. Nên tao cũng đéo báu bở gì sống trong cái nhà này.
- Vết này từ bao giờ?
- Lâu rồi, hồi lớp 8.
- Không sợ đau à?
- Sợ gì, chết được là sướng, sống mới khổ. Mà sống sướng thì tội gì phải chết.
- Thực ra… lao xuống vực, thắt cổ, đâm đầu vào ô tô, nhảy cầu… tao đều đã từng nghĩ tới.
Nó bật cười còn to hơn khi nãy.
- Nhưng không dám làm đúng không?
- Đúng. Không dám. Tao tiếc. Tao còn nhiều dự định chưa thực hiện.
- Vì mày đâu có ở trong hoàn cảnh như tao.
- Không, tao và mày thực ra cũng gần như nhau thôi. Bố mẹ mày ly thân còn bố mẹ tao thì ly hôn lâu rồi. Giờ tao đang ở cùng mẹ và bố dượng.
- Chắc chưa bị đánh bao giờ hả?
Giờ thì đến lượt tôi cười.
- Cứ phải bị đánh đập thì mới nghiêm trọng à? Nhìn chung, đã không may mắn sinh ra trong một gia đình như vậy thì đứa nào cũng có những nỗi khổ riêng thôi. Tao hiện giờ thì thấy chỉ cần được ăn và học là tốt lắm rồi. Cố gắng tự mình thay đổi đời mình thôi, chết thì dễ, sống mới khó.
- À, giờ thì tao mặc kệ, cũng không dám đánh tao nữa vì đánh tao là tao bật lại. Ngày đấy dại dột chưa nghĩ được như bây giờ. Mà cũng từ cái đợt tao tự tử không thành ấy, ông bà ấy mới ngừng cãi nhau đấy, chia nhà ra rồi, coi như không liên quan. Chia sớm đi có phải đỡ không, ít nữa đỡ phải tốn tiền xăm che sẹo, để sẹo thế này ai dám lấy.
…
Một cuộc trò chuyện của hai đứa trẻ đã từng có ý định tự tử diễn ra như thế đấy. Nó giải thích tại sao lũ trẻ thường trọng bạn bè còn hơn cha mẹ. Ở cạnh bạn bè, chúng được thoải mái nói ra những suy nghĩ trong đầu, được sống thật với cảm xúc của chúng còn ở cạnh cha mẹ thì không. Bởi, chúng luôn phải sống cho họ. Thỏa mãn cảm xúc của họ. Là nơi để họ trút giận cũng giống như trang sức để họ đeo lên người.
Một cậu bạn khác của tôi cũng từng kể cho tôi câu chuyện về lần tự tử bất thành của mình vào năm lớp 11. Lý do là bởi vì cậu ấy dính vào yêu đương, học hành sa sút và bị bố mẹ đánh đập. Hôm đó, cậu ấy đã cất công đi khắp các nhà thuốc trong huyện để gom đủ số thuốc ngủ, một mình chốt cửa nhà vệ sinh để uống thuốc.
Khi tỉnh dậy thấy mình vẫn trong nhà vệ sinh, đầu đau như búa bổ, xung quanh là những bãi nôn bốc mùi và bố mẹ vẫn không hề hay biết. Cũng chính bởi sự vô tâm đó của họ, cậu ấy tự móc họng để nôn nốt số chất nhầy còn sót lại trong dạ dày, uống thuốc xổ để đi ngoài… sống sót một cách mà theo như cậu ấy nói là "cực kỳ khó hiểu" ngoại trừ trường hợp mua phải thuốc rởm.
Kể ra những chuyện này thực ra cũng chẳng hay ho gì, nhưng nó nói lên điều gì? Hầu như chúng ta, ai mà chẳng từng một lần nghĩ tới cái chết. Bầu trời nào cũng có bão giông cả. Đau khổ là bài tập của sự trưởng thành. Ai mà không từng trải qua. Nhưng có những người, cái chết mới dừng ở ý nghĩ, có những người đã thực sự đưa ra lựa chọn. Mà khoảng cách từ ý nghĩ đến hành động lại vô cùng mong manh, đôi khi nó chỉ cách nhau vài câu quát mắng. Bởi vậy mà chỉ cần bớt đi vài lời có lẽ đã là cho người đang bị những áp lực bủa vây tứ phía một con đường sống rồi.
Đứa trẻ cần tình yêu hơn tiền bạc, thể diện còn quan trọng hơn mạng sống
Tuổi trẻ bồng bột và nông nổi, lòng tự trọng của một đứa trẻ cao như núi, chúng cần tình yêu hơn là cần tiền bạc, thể diện còn quan trọng hơn mạng sống.
Tôi không dám chắc là những vụ việc đáng tiếc như hôm qua có thực sự đang gia tăng hay không bởi lẽ, thời tôi còn bé, các anh chị thuộc lứa 8x tự tử cũng không ít. Nhưng, họ tự tử thường vì tình cảm chứ không phải vì áp lực học hành. Thời đó lại chưa có mạng xã hội nên thông tin chưa được lan truyền rộng rãi như bây giờ.
Nhưng nếu xu hướng có thực sự đang gia tăng thì nó cũng không phải điều gì đó khó hiểu. Ngày xưa, ở quê tôi mục đích của việc học đơn giản chỉ là để xóa mù chữ, học giỏi thì tốt mà học dốt thì ở nhà làm ruộng, những ông bố bà mẹ nông dân vốn dĩ không đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái họ. Có khi, đến mùa vụ bỏ học vài buổi ở nhà đi cấy, bố mẹ lại vui. Xung quanh làng xóm láng giềng ai cũng như vậy cả, thành ra họ chẳng việc gì phải ganh đua với đời.
Nhưng thời nay khác rồi, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn, xung quanh toàn những đứa trẻ thần đồng vài tuổi đã nói 2 – 3 thứ tiếng, lớp 1 đi học, cô chưa kịp dạy đánh vần nửa lớp đã đọc vanh vách sách giáo khoa, toán còn đang chạy chương trình đếm số từ 1 đến 10 nhưng nhiều đứa trẻ đã tính toán tới hàng trăm, hàng chục.
Con người ta thành tích đầy mình, học bổng tiền tỷ, mười tám đôi mươi đã tự mua nhà, mua xe, cũng chẳng còn hiếm gặp, con mình vắt chân lên cổ chạy đuổi theo miết mải cũng chẳng bằng nửa phần… Thế là các bậc cha mẹ cứ đứng ngồi không yên vì lo sợ, cuống cuồng tìm lớp học thêm đủ các thứ trên đời với ước mong con được giỏi giang cho theo kịp thời đại. Ai cũng chỉ muốn con mình lớn lên sẽ làm thầy chứ đừng làm thợ. Làm việc trí óc chứ đừng động tới chân tay. Nào đâu biết xã hội vốn đã có sự phân công, số mệnh vốn cũng đã an bài.
Cứ thế, lũ trẻ lớn lên với chiếc balo nặng trĩu chữ nghĩa, cặp kính mắt dù là trong veo cũng đủ sức ngăn chúng chạm tới một bầu trời rất thật.
Ai cũng chỉ muốn con mình lớn lên sẽ làm thầy chứ đừng làm thợ. Làm việc trí óc chứ đừng động tới chân tay. Nào đâu biết xã hội vốn đã có sự phân công, số mệnh vốn cũng đã an bài.
Lũ trẻ thời xưa được sống trong một không gian thực rộng mở, nơi mà chúng có rất nhiều bạn bè, giữa đất trời bao la tha hồ chạy nhảy. Chúng hướng sự quan tâm và suy nghĩ của mình ra ngoài thiên nhiên nơi luôn có muôn vàn điều kỳ thú chờ đợi chúng mỗi ngày. Nên đôi khi những bài ca cẩm, những trận đòn roi của bố mẹ vốn chẳng xi nhê gì, mắt trước mắt sau nhảy tót đi chơi là quên hết sự đời.
Nhưng, lũ trẻ thời nay không như vậy, thế giới thực chật hẹp và nhiều bức bối trong khi không gian ảo thì rộng mênh mông. Thay vì dành cả ngày chạy nhảy khắp cánh đồng đuổi ong bắt bướm, câu cá, hái hoa, chăn trâu, cắt cỏ chúng lại ngồi dài bên màn hình máy tính. Giao tiếp ít đi, hướng nội nhiều hơn. Chúng thích ở một mình hơn là có sự có mặt của cha mẹ. Bởi vậy, chúng rất dễ nổi cáu khi không gian riêng tư bị xáo trộn, dễ bị kích động khi phải chịu những lời chì chiết, nhiếc mắng.
Không chỉ trẻ con, những người lớn có thói quen sống thu mình, ít giao tiếp cũng thường có những biểu hiện tương tự khi tính riêng tư bị phá vỡ. Họ ghét khi bị áp đặt, bị gò mình sống theo cái khuôn của bố mẹ nhưng khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ lời nói không tốt nên thường nuốt những ấm ức vào trong để mọi chuyện lắng xuống. Nhưng chẳng ngờ, những con sóng ngầm vốn còn nguy hiểm hơn sóng bề mặt rất nhiều lần, để rồi khi sức chịu đựng đạt tới giới hạn, chuyện đáng tiếc rất dễ xảy ra.
Tôi không dám bình luận gì nhiều về câu chuyện của cậu bé kia, hẳn gia đình họ đã quá đau đớn rồi. Chúng ta, dù là người lớn hay trẻ con, nếu không thể có được cái nhìn rộng mở và tỉnh táo thì rất dễ trở thành tù nhân của chính những nỗi lo sợ và kỳ vọng. Sự nghiệp học hành kéo dài cả đời đâu chỉ diễn ra ngày một ngày hai, con đường này không thuận thì vui vẻ chọn lấy một con đường khác phù hợp với khả năng hơn. Áp lực có thể nuôi dưỡng ý chí nhưng cũng có thể giết chết ý chí.
Nhảy một bước dài sẽ sớm cảm nhận được thành quả nhưng đi từng bước một chậm rãi thong thả lại giúp ta thấu hiểu được cả một quá trình. Người nôn nóng muốn gặt hái thành tựu sẽ chỉ cảm thấy hạnh phúc khi những nỗ lực của họ được đền đáp bằng thành tích cụ thể. Còn người chậm rãi, ung dung lại thấy hạnh phúc trong mỗi phút giây họ đang sống.
Nếu vào một giây phút nào đó, bạn muốn chì chiết con vì chuyện học hành hãy dừng lại một phút thôi để nhìn rộng thêm ra, để sự chú tâm của bạn không bị gán chặt vào tình huống nhỏ nhặt tại thời điểm cảm xúc của bạn đang bị kích động, để biết rằng quãng đường này còn dài và rộng lắm, vài ba điểm số dưới trung bình, vài môn thi trượt thực ra cũng chẳng thấm vào đâu cả, chẳng ảnh hưởng gì cả, bởi chúng ta vẫn còn rất nhiều con đường khác cơ mà.
Vậy nên các bố mẹ à, hãy thoải mái lên, bao dung cho con cũng là bao dung cho chính mình. Dồn áp lực lên con cái thì bản thân cha mẹ cũng đâu thể cảm thấy bớt căng thẳng. Học đến 3 giờ sáng thì bố cũng vẫn phải ngồi canh chừng đó thôi, đôi bên đều mệt mỏi, chi bằng ngủ sớm, mặc kệ sự đời. Muốn con chăm học thì đừng chỉ bắt con học, hãy để con được lao động. Chúng sẽ tự nhận thấy điều gì là tốt nhất cho mình.
Hiểu Đan