(Tổ Quốc) - Những thủ thuật này nếu chị em chẳng am hiểu về luật pháp hoặc không có kiến thức thực tế thì sẽ rất dễ bị lừa và đánh mất quyền lợi bản thân.
1. Sự mập mờ giữa lương Net và lương Gross
Khi ký hợp đồng lao động, có 2 thuật ngữ mà chị em công sở hay bị nhầm lẫn và đôi khi nhắm mắt cho qua: Lương Net và lương Gross. Tuy nhiên 2 hình thức trả lương này khác nhau, nhất là ở khoản thuế.
Lương Gross là tổng thu nhập của người lao động. Trong một tháng bạn làm ra được bao nhiêu ứng với X số tiền thì X đó là lương Gross. Ví dụ nhân viên A làm ra được 100 sản phẩm và lương của anh ta ứng với 100 sản phẩm đó. Trong lương Gross có bao gồm lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp, hoa hồng và các khoản đóng bảo hiểm, thuế mà người lao động cần trả.
Lương Net là số tiền thực tế mà người lao động được nhận, tức là số tiền bạn có thể dùng để chi tiêu. Sau khi trừ đi một số khoản thuế, bảo hiểm kể trên thì số tiền cuối cùng bạn có chính là lương Net. Ví dụ lương Gross của bạn là X thì lương Net sẽ là X trừ đi các khoản bảo hiểm, thuế.
Hiểu một cách đơn giản, nếu áp dụng lương Gross, công ty có trách nhiệm thống kê các khoản bảo hiểm, thuế dựa trên mức lương Gross đó và nộp cho cơ quan nhà nước. Ngay bản thân chúng ta cũng có thể tính được khoản thực nhận, như vậy công ty không thể trí trá.
Ngược lại, với lương Net nhiều doanh nghiệp sẽ mập mờ trong khai báo lương Net thành lương Gross cho các cơ quan chức năng. Mặt khác, lương Net thấp hơn lương Gross nên mức đóng bảo hiểm, thuế mà công ty phải nộp thay người lao động cũng sẽ ít hơn. Phần thừa ra tất nhiên được về tay của công ty.
Ví dụ, lương Net của bạn là 9 triệu đồng. Để quy đổi từ lương Net sang lương Gross, bạn cần phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm. Nó không thể hiện chính xác quyền lợi của bạn được nhận. Cụ thể, trường hợp đóng bảo hiểm trên mức lương chính thức thì lương Gross là 10.055.866 VNĐ, còn tính bảo hiểm ở mức 4 triệu rưỡi thì lương Gross là 9.472.500 VNĐ.
2. Quy định về thưởng, phạt không rõ ràng
Khi một người sếp nói với bạn rằng anh ta đang thiếu một vị trí nhân sự cấp cao và rất muốn đưa bạn vào vị trí ấy thì cũng đừng vội tin. Lời hứa đầu môi, chưa có giấy trắng mực đen thì không có cơ sở để chúng ta phải mù quáng phấn đấu. Chẳng qua anh ấy có khi chỉ muốn chị em làm việc chăm chỉ hơn và cứ mãi mang một ảo vọng về tương lai. Kể cả khi bạn có được lên chức thật cũng cần giấy tờ hợp đồng mới đàng hoàng chứ không thể sử dụng hợp đồng lao động cũ.
Đối với quy định phạt cũng như thế, tất cả phải giấy trắng mực đen ghi rõ thành văn bản và được toàn công ty, ban lãnh đạo chấp thuận. Nếu như mọi thứ chỉ là lời nói suông, bạn sẽ rất dễ bị bắt bẻ dẫn tới trừ lương chỉ vì dăm ba lỗi cỏn con hoặc sự cố ngoài ý muốn.
3. Làm việc OT (over-time)
Tăng ca trước giờ vẫn là một vấn đề nhạy cảm đối với bất kỳ anh chị em công sở nào. Nhiều người vì ngại sếp, nể cấp trên mà tặc lưỡi cho qua, nghĩ rằng mỗi ngày làm thêm 1-2 tiếng cũng chẳng đáng bao để phải xin thêm quyền lợi. Nhưng hãy nhớ, dù chỉ là 1 phút thì đó cũng coi như làm thêm. Tốt nhất để tránh phiền phức, chúng ta nên xem kỹ trong hợp đồng lao động trước khi đặt bút ký.
Các sếp hay dùng chiêu trò "Hãy chăm chỉ rồi bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng và thành công trong cuộc sống". Nhưng phần thưởng chẳng thấy đâu mà chỉ thấy ngày làm việc thêm dài và mệt mỏi hơn.
4. Cơ sở vật chất tồi tàn
Không chỉ trả lương ít mới là ảnh hưởng đến quyền lợi. Ngay việc cung cấp cơ sở vật chất tồi tàn cũng là biểu hiện của sự thiếu minh bạch và ăn bớt đặc quyền của nhân viên. Ở những tập đoàn, công ty lớn, bạn được cung cấp, trang bị máy tính cá nhân, phòng ốc thoáng đãng, bàn ghế sạch sẽ không cũ, hệ thống điều hoà, ánh sáng tốt... Kể cả khi là những công ty vừa và nhỏ, bạn không được cung cấp máy tính thì hãy đảm bảo chúng ta được làm việc trong môi trường sạch sẽ, mát mẻ nhé.
5. Dời chuyển vị trí để bạn gánh nhiều trách nhiệm
Chẳng hạn bạn và một đồng nghiệp A làm trong công ty X. A đang giữ chức vụ trưởng phòng tuy nhiên năng lực làm việc kém hơn bạn. Hoạt động ngày càng đi xuống vì sự thiếu chuyên nghiệp của A, cũng bởi khối lượng công việc mà A cáng đáng khá lớn.
Lúc này sếp mới cân nhắc cho bạn thay vị trí của A. Tuy nhiên đừng vội mừng, có thể anh ta đang muốn quăng trách nhiệm lên vai bạn vì nghĩ bạn có năng lực hơn và biết nghe lời hơn mà thôi. Hãy đàm phán mức lương không phải dựa theo con số mà người đi trước nhận. Dùng trí óc phân tích khối lượng công việc, trình độ chuyên môn, thời gian xử lý nhiệm vụ... để đàm phán lương lại với sếp cho chuẩn xác nhé!
Trên đây là 5 cái bẫy phổ biến nhất mà mỗi công ty hay gài cho nhân viên hòng trả lương thấp hơn năng lực. Hãy cảnh giác ngay từ lúc ký hợp đồng lao động chị em nhé!
Minh Bùi