(Tổ Quốc) - Nếu con bạn có những dấu hiệu "hư hỏng" như dưới đây, có thể bạn đang nuôi dạy sai cách. Hãy điều chỉnh để rèn giũa tính cách cho trẻ!
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình biết cách đối nhân xử thế, ngoan ngoãn, lễ phép... Thế nhưng, đôi khi cuộc sống vẫn xảy ra những tình huống oái oăm. Những đứa trẻ được giáo dục tử tế lại có hành động nổi loạn, thái độ hỗn láo, trái với kỳ vọng của cha mẹ.
Các nhà tâm lý học gọi đây là "hội chứng trẻ em hư hỏng" và có một số dấu hiệu đặc trưng. Cùng kiểm tra xem con bạn có phải là một đứa trẻ hư, chỉ đang giả vờ ngoan ngoãn không nhé!
Dấu hiệu 1: Con lịch sự với người khác nhưng không biết ơn cha mẹ
Với người ngoài, trẻ có cách cư xử tử tế, lịch sự. Thế nhưng, với các thành viên gia đình lại rất hờ hững, lạnh lùng, thậm chí không bao giờ nói lời cảm ơn. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy đứa trẻ không ngoan như cha mẹ nghĩ.
Trẻ quên nói "cảm ơn" không phải do cố ý hay chúng muốn làm tổn thương ai đó. Đơn giản chúng coi những gì nhận được từ gia đình là điều hiểu nhiên.
Các nhà tâm lý học tin rằng, hành vi như vậy có thể gây ra vấn đề trong việc xây dựng mối quan hệ trong tương lai của trẻ. Bởi vì cha mẹ đã không dạy đứa trẻ biết ơn những người thân thiết và thân yêu nhất với chúng.
Dấu hiệu 2: Trẻ không biết làm bất cứ việc gì trong nhà
Bất kỳ bậc cha mẹ cũng nên giúp con trở nên độc lập. 3 tuổi, trẻ có thể tự thu dọn đồ chơi của mình. Lên 5 tuổi, chúng có thể giúp được những việc vặt trong nhà. Ở tuổi lên 10, chúng có thể gọt vỏ khoai tây, cắm cơm và làm bữa tối cho cả gia đình.
Nếu tất cả những nỗ lực để trẻ tham gia vào công việc gia đình đều thất bại, có thể vì trẻ không muốn hoặc không thể, thì đó là một dấu hiệu cho thấy trẻ không ngoan.
Theo thống kê, trẻ em hiện đại ở độ tuổi 3-12 dành khoảng 3 giờ mỗi tuần để giúp đỡ các công việc gia đình. (Nhân tiện, chúng dành không dưới 14 giờ ngồi trước máy tính). Nếu trẻ không có bất kỳ trách nhiệm nào với gia đình, sao chúng có thể thích nghi được với cuộc sống khi trưởng thành?
Cứ phó mặc theo sở thích của trẻ, không uốn nắn, rèn giũa chúng làm việc để trở nên độc lập, cuối cùng, chính cha mẹ tước đã đi những kỹ năng cần thiết và những bí quyết sống có ích trong cuộc sống của con cái.
Dấu hiệu 3: Trẻ không hòa đồng với các bạn và có cư xử sai trái
Một đứa trẻ hư chỉ muốn nhận về mà không hề san sẻ điều gì với mọi người xung quanh. Thậm chí, chúng còn không có khả năng xem xét nhu cầu của người khác và thiếu sự đồng cảm. Hậu quả là trẻ sẽ dần bị xa lánh, bạn bè không muốn kết giao. Nhưng đứa trẻ lại cảm thấy khó chịu, rồi đổ lỗi cho bạn bè xung quanh.
Nếu con bạn không hòa đồng, bị bạn bè cùng trang lứa ghét bỏ, thì có lẽ đã đến lúc bạn phải tìm hiểu xem có chuyện gì không. Và nếu lỗi thuộc về con của mình, phụ huynh cần có động thái uốn nắn tức thì.
Dấu hiệu 4: Trẻ nổi điên khi không được đáp ứng thứ mình muốn
Dường như mọi người đều biết rằng, những hành vi như này khá phổ biến đối với những đứa trẻ hư. Nhưng nó không đơn giản như vậy! Trẻ mới biết đi thường không biết cách thể hiện cảm xúc của mình và không thể đối phó với chúng, dẫn đến dễ mệt mỏi. Vì vậy, chúng chỉ biết gào khóc, nằm bò trên sàn ăn vạ, nổi khùng, ném đồ... Trong trường hợp này, đứa trẻ cần sự trấn an mà thôi.
Nhưng nếu trẻ đã đến tuổi đi học mà vẫn tỏ ra vậy, chọn thời điểm thích hợp để bật khóc ăn vạ, nổi điên thì chắc chắn bạn cần phải xem xét. Cứ nhượng bộ và chiều theo mong muốn của trẻ, bạn sẽ chỉ khiến con cái trở nên hư hỏng hơn mà thôi!
Dấu hiệu 5: Trẻ không thích tham gia các hoạt động có cạnh tranh
Các bậc cha mẹ thường dạy con mình như những nhà vô địch và được khen thưởng xứng đáng để khích lệ. Tuy nhiên, bài học quan trọng hơn mà phụ huynh cần dạy đó là mỗi đứa trẻ cần biết cách chấp nhận sự thất bại, thua kém đối thủ một cách đàng hoàng. Rõ ràng, "sông có khúc người có lúc", được - mất, thắng - thua là chuyện bình thường. Quá coi trọng hơn thua và đắm chìm trong sự xấu hổ vì thất bại mới là điều không nên.
Cha mẹ có cách nhìn nhận không đúng sẽ khiến những đứa trẻ dần trở nên ghét sự cạnh tranh. Khi chúng biết rằng trong cuộc sống không phải lúc nào mình cũng là người giỏi nhất, chúng muốn từ chối tham gia bất kỳ cuộc thi cạnh tranh nào.
Dấu hiệu 6: Trẻ nói chuyện với cha mẹ như thể "cá mè một lứa"
Hãy đối mặt với thực tế, con bạn đích thị hư hỏng nếu chúng nói chuyện với cha mẹ như thể bạn cùng trang lứa! Bạn cần hiểu, làm bạn với con không có nghĩa cho phép con xưng hô, ứng xử với bạn hệt như 1 người bạn thực sự. Cần có một ranh giới, đưa ra các quy tắc ứng xử để con học cách tôn trọng đấng sinh thành.
Nếu con buông những lời không đúng mực với cha mẹ, đó không phải là lỗi của chúng, mà là do người lớn giáo dục chưa đúng. Đứa trẻ không cảm thấy quyền lực của bậc bề trên nên không cảm thấy sợ hoặc nghe lời. Dẫn tới việc trẻ tin rằng mình có cùng vị trí trong hệ thống cấp bậc gia đình (và thậm chí có thể cao hơn). Vì vậy chúng có thể hành động một cách thiếu tôn trọng và tự phụ.
Dấu hiệu 7: Những đứa trẻ thiếu tự tin
Bạn đã bao giờ muốn cho con thấy rằng chúng đặc biệt và sở hữu những thành tích đáng tự hào chưa? Bạn có từng nghĩ mình là người gạt bỏ mọi vật cản trên con đường dẫn tới thành công của con chưa?
Những nhà tâm lý học tin rằng, nếu cha mẹ dọn sẵn đường để giúp đỡ con thành công đôi khi lại tước đi cơ hội để trẻ xây dựng lòng tin và học hỏi từ những sai lầm của mình. Những đứa trẻ hư sẽ phải đối mặt với thế giới thực nhưng chúng không biết phải phản ứng thế nào, trở nên bối rối và tự ti.
Dấu hiệu 8: Trẻ muốn chiếm toàn bộ thời gian rảnh của cha mẹ
Một đứa trẻ phụ thuộc quá nhiều vào các thành viên trong gia đình là một trong những dấu hiệu của sự... hư hỏng! Trong tình huống này, con cái coi mình trung tâm của vũ trụ. Vì vậy cha mẹ cũng phải dành trọn thời gian cho trẻ, đáp ứng mong muốn của trẻ.
Mặc dù quan tâm tới con cái là cần thiết nhưng cha mẹ phải giúp trẻ hiểu rằng ai cũng có nhu cầu riêng. Khi cuộc sống gia đình chỉ xoay quanh mong muốn của một đứa trẻ, đó là một dấu hiệu chắc chắn rằng đứa trẻ đó hư hỏng và cha mẹ thất bại.
Dấu hiệu 9: Trẻ không nhận ra sai lầm và thường tranh cãi với người lớn
Cha mẹ một mực bảo vệ con cái khi chúng làm sai, tưởng tốt mà hại không tưởng! Mặc dù việc này là phản xạ tự nhiên của những người làm cha làm mẹ, nhưng nếu sau đó không trao đổi, định hướng lại cho trẻ về việc này, cứ đổ lỗi cho người khác sẽ khiến trẻ dần cảm thấy mình chẳng có lỗi gì cả.
Và hơn nữa, cha mẹ phải để trẻ biết cách nhận lỗi cho những hành vi sai trái. Như vậy sẽ giúp chúng học được cách tôn tɾọng người khác.
Dấu hiệu 10: Trẻ không hiểu được giá trị của đồng tiền
Các chuyên gia marketing hiện đại tin rằng, có nhiều cách để khiến trẻ muốn rút ví bố mẹ cho hành động mua sắm. Đó là lý do tại sao cần dạy trẻ hiểu về giá trị đồng tiền. Cha mẹ cần cho con biết tiền không phải tự dưng mà có và cha mẹ phải làm việc chăm chỉ để kiếm được nó.
Nhiều cha mẹ cố gắng bảo vệ con khỏi những áp lực tài chính song lại khiến trẻ trở nên hư hỏng, luôn đề cao nhu cầu của mình hơn là nhìn vào ngân sách gia đình.
Một nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ hư ít có khả năng độc lập về tài chính hơn và nhiều khả năng mắc nợ khi lớn lên. Chúng quen với việc tất cả mong muốn đều thành hiện thực mà không cần nỗ lực từ phía mình. Vì vậy trẻ vay nợ để thỏa mãn cơn thèm khát của mình nhưng không nghĩ trước về cách trả nợ.
Dấu hiệu 11: Trẻ luôn than thở buồn chán
Ngay cả đứa trẻ 1 tuổi cũng có thể tập trung vào một trò chơi trong khoảng 15 phút. Đến 3 tuổi, đa số trẻ em có thể tự chơi 1 mình.
Nếu 1 đứa trẻ không biết cách đối phó với sự buồn chán của chúng và luôn chờ đợi cho đến khi ai đó xuất hiện khuấy động thì đó là dấu hiệu sự hư hỏng. Tại sao lại có thể kết luận vậy? Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ càng có nhiều đồ chơi, trẻ càng khó tập trung vào 1 trò chơi và khó phát triển khả năng sáng tạo của mình.
Dấu hiệu 12: Trẻ không thể kiểm soát cảm xúc của mình
Người lớn đôi khi cũng không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, nhưng những đứa trẻ hư hỏng thậm chí còn không có cơ hội học cách kiểm soát bản thân.
Chúng thay đổi tâm trạng và thể hiện như 1 đứa trẻ sơ sinh ngay cả khi trưởng thành. Chúng xem mọi vấn đề như một bộ phim, thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực, dễ dẫn đến thiếu kiềm chế trong hành động, trong ứng xử với mọi người xung quanh.
Nguồn Brightside
M52