(Tổ Quốc) - Hà Vy là 1 học sinh bứt phá quá nhanh dù bắt đầu học gần như muộn nhất.
Mai Hà Vy (Hà Nội) đã đỗ phương thức xét tuyển 2 (Phương thức xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên) của Đại học Ngoại thương (FTU) trong kỳ tuyển sinh năm 2021. Cụ thể, Vy đậu vào chương trình đào tạo chất lượng cao 3 - Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản. Điều đặc biệt, Vy đạt IELTS 8.0 chỉ sau 3 tháng học cật lực. Trước đó, khi test IELTS, Vy chỉ đạt tầm 6.0 kỹ năng Đọc và 5.5 kỹ năng Viết.
Vy chia sẻ: "Dù không học IELTS sớm nhưng mà mình có tiếp xúc với tiếng Anh nói chung từ khi còn nhỏ (học ở trung tâm, nghe nhạc và xem phim bằng tiếng Anh,...). Ngoài ra mình cũng học khá tốt tiếng Anh ở trên trường. Vì thế nên có thể nói là mình là một người đã có nền tảng tiếng Anh từ trước về phát âm, ngữ pháp cơ bản, khả năng đọc và nghe,... Tuy nhiên, để thi IELTS thì bạn cần hơn việc biết sử dụng Tiếng Anh mà cần phải hiểu về hệ thống bài thi, các kĩ năng làm bài nữa. Vì vậy nếu như là một người có nền tảng về tiếng Anh nói chung rồi thì mình tin rằng việc ôn IELTS đạt band 7.0 là không quá khó, tất nhiên là phải đi kèm với nỗ lực".
Một số kinh nghiệm ôn thi cho từng kĩ năng của Hà Vy:
1. Reading
Để làm tốt Reading theo Hà Vy không có cách nào khác ngoài việc luyện đề: "Mình chỉ tập trung luyện cuốn Ielts Cambridge ( cá nhân mình thấy cuốn 9 14 15 là hay nhất ). Đây là bộ sách sát nhất với đề thi thử và mình nghĩ là luyện qua đây là đủ rồi nếu muốn nâng cao hơn có thể tham khảo các web khác trên mạng như IOT".
Khi luyện đề:
• Đặt thời gian: Bài thi đọc sẽ diễn ra trong 60 phút đã bao gồm thời gian điền đáp án. Khi luyện ở nhà thì mình cố gắng chỉ làm trong 50-55 phút mà thôi. Vì đi thi áp lực lớn hơn nhiều và có thể bạn sẽ mất thời gian để làm quen với không khí khi làm bài thi thật.
• Nên in mẫu điền đáp án trên mạng và làm đề ở nhà y như thật để không bị lạ lẫm khi đi thi.
• Sau khi làm xong thì nên xem lại vì sao đáp án lại như vậy thay vì chỉ check đúng hay sai. Trong cuốn Cam thì không giải thích rõ nhưng một số website trên mạng có đáp án chi tiết cho các đề của Cam. Tương tự như vậy, khi làm bài thì nên biết rõ bằng chứng cho đáp án đó ở đâu trong bài đọc, ở cụm từ nào chứ không nên đoán đáp án.
• Khi làm nhiều đề rồi hãy cố gắng tự rút ra cho bản thân một chiến lược riêng hiệu quả nhất, tùy thuộc vào việc bạn cảm thấy mình làm tốt ở dạng bài nào.
"Ví dụ như đối với mình, mình cảm thấy dạng bài điền từ dễ hoàn thành nhất. Vì vậy mình luôn làm dạng này trước mỗi khi nó xuất hiện trong đề. Lí do cho việc này bởi mỗi câu / đoạn văn thường chỉ được sử dụng làm bằng chứng cho một câu hỏi, nên việc này sẽ giúp ta thu hẹp phạm vi dẫn chứng cho những câu hỏi khó hơn, tiết kiệm được thêm thời gian làm bài", Hà Vy chia sẻ.
2. Listening
Chìa khóa cho một bài thi Listening thành công đối với Vy chính là sự tập trung cao độ. Chỉ một giây xao nhãng thôi bạn cũng có thể lỡ đáp án rồi. Vy tiếp tục rèn luyện kĩ năng nghe giống như đọc, qua đề Cam. Đối với những bạn có khả năng nghe yếu hơn và có thời gian dư dả hơn thì nên tập nghe qua phim, nhạc, youtube videos, … (liên quan đến sở thích của bạn để tránh cảm thấy nhàm chán) hoặc sử dụng phương pháp nghe chép chính tả ( nhưng sẽ tốn khá nhiều thời gian).
Một vài tips khi làm đề:
• Tận dụng tối đa thời gian để đọc câu hỏi để đến khi audio chạy thì bạn chỉ tập trung vào việc nghe thôi thay vì phải đọc các đáp án, đồng thời việc đọc qua hết các câu hỏi cũng giúp ta tránh được việc miss liên tiếp quá nhiều câu.
• Với dạng bài multiple choice, một trong những dạng được coi là khó nhất trong Ielts Listening, khi phát hiện ra các đáp án nhiễu phải gạch bỏ ngay lập tức.
• Các keywords trong đề bài có thể được nói trước hoặc sau đáp án (vì vậy cần lắng nghe 100%, không để đến lúc thấy keyword rồi mới bắt đầu nghe).
• Giống như kĩ năng đọc, hãy cố gắng rút ra cách làm phù hợp, hiệu quả nhất với bản thân sau các đề. Theo mình đây chính là mục tiêu quan trọng nhất của việc làm đề.
3. Writing:
Vì thời gian gấp rút nên Vy không thể xây dựng một vốn từ vựng dồi dào. Tuy nhiên bài thi viết không chỉ chấm dựa trên tiêu chỉ lexical resources (từ vựng) mà còn 3 tiêu chí khác nữa. Vy may mắn có được sự giúp đỡ của cô Dung, một người giáo viên giỏi, tận tình và tâm huyết cùng với anh Tuấn, một sinh viên xuất sắc của ĐH Ngoại thương Hà Nội.Trong quá trình học với giáo viên, Vy rèn được kĩ năng viết đoạn sao cho ngắn gọn và mạch lạc, cách suy nghĩ logic về vấn đề cần bàn.
Và để thành thạo được những kĩ năng viết, áp dụng từ vựng và cấu trúc câu thì chỉ có thể qua thực hành. "Đợt mình ôn, mỗi tuần mình đều cố gắng viết ít nhất 3 bài task 1 và 2 bài task 2, sau đó gửi cho thầy cô để được nhận feedbacks và sửa lại bài. Bạn hoàn toàn có thể tham khảo các sample trên mạng của những nguồn uy tín (mình hay đọc của thầy Simon vì lối viết dễ hiểu) để có thêm ideas, từ vựng hay và sau đó viết lại hoàn chỉnh theo lời văn của mình".
4. Speaking
Đây là phần mà Vy không hài lòng nhất trong cả 4 kĩ năng khi làm bài thi bởi em không dành quá nhiều thời gian cho nó. Vy chủ yếu ôn trong bộ forecast speaking cho quý xem các video mô phỏng bài thi nói trên youtube và ôn cùng một thầy nước ngoài là một cựu examiner ở BC. Mọi người nên bắt đầu ôn bằng fc từ sớm để có thể học được các từ vựng và idioms hay. Các bạn có thể tham khảo các tips của thầy Trần Mạnh Tùng (đặc biệt là Lầy structure và Mỹ Tâm structure rất dễ áp dụng).
"Theo ý kiến cá nhân của mình thì examiners vẫn đánh giá rất cao khả năng nói một cách tự nhiên, trôi chảy. Vì thế nên nếu như bạn không dùng được quá nhiều từ vựng hay idioms trong bài thi thì cũng không nên quá lo lắng", tân sinh viên Ngoại thương chia sẻ.
Vy cho rằng, Ielts là cả một quá trình rèn luyện vì đối với một beginner (một tờ giấy trắng) thì ngoài học các kĩ năng của bài thi thì bạn còn cần rèn luyện một số kĩ năng cơ bản như phát âm, ngữ điệu, skimming và scanning của đọc, cách xây dựng một bài văn,... Những kinh nghiệm của em vì thế sẽ phù hợp hơn với những bạn đã có nền tiếng Anh sẵn.
Tuy nhiên, tân sinh viên chia sẻ, mình muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự tin: "Mình cũng đã từng rất nghi ngờ khả năng của bản thân và không nghĩ rằng mình có thể vượt qua mức 6.5. Tuy nhiên mình may mắn có được sự động viên từ gia đình, bạn bè và thầy cô đã giúp mình có một tâm lí vững chắc hơn để đạt được kết quả ngoài mong đợi".
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải, tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi", một người quan tâm theo dõi quá trình học tiếng Anh của Hà Vy, chia sẻ: "Rất nhiều học sinh và phụ huynh có con học lớp 11, 12 cho rằng, nếu ôn luyện IELTS khi đã vào lớp 11, 12 là muộn và Hà Vy cũng nghĩ vậy. Tuy nhiên, khi mình tư vấn cho Vy là khi đã có "vốn tiếng Anh" nhất định, có một lộ trình học phù hợp cùng sự quyết tâm là sẽ đạt mục tiêu ngoài dự đoán.
Hạ Uyên