(Tổ Quốc) - Có những người mang gen với biểu hiện chức năng thấp thường có khả năng kiểm soát cảm xúc kém, trong khi đó 1 số người có gen này biểu hiện chức năng cao hơn thì khả năng kiểm soát của họ tốt hơn.
Một nghiên cứu theo dõi 1.000 trẻ em từ khi chào đời đến tuổi 30 của Đại học Duke (New Zealand) cũng đã chỉ ra, những trẻ thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc khi đến tuổi trưởng thành sẽ mắc những sai lầm như hút thuốc, có thai trong lúc học phổ thông, bỏ học giữa chừng,... Ngoài ra, những đứa trẻ như thế khi ra đời sẽ phải chịu sự thua kém về thu nhập, địa vị xã hội so với các trẻ bình thường.
Có 1 bé trai tầm 3 tuổi tỏ vẻ rất bực bội với mẹ mình khi mẹ cậu cố đội nón cho cậu. Cứ mỗi lần mẹ dụ đội nón là cậu quăng nón xuống và la khó chịu. Mẹ cậu quay sang than thở với cô bạn thân: tính nó vậy, nó cứng đầu như bố nó đó.
Điều này có phải bị ảnh hưởng do gen di truyền từ ai đó trong gia đình hay bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục hoặc môi trường trẻ đang sống mỗi ngày không? Nó có đi theo trẻ đến khi trưởng thành không?
Bài viết dưới đây của bác sĩ Anh Nguyễn sẽ giúp trả lời 1 số thắc mắc của cha mẹ.
Tính nóng giận, bực bội có gen di truyền không?
Câu trả lời là có! TS. McDermott, ĐH Brown, Mỹ từng báo cáo về gen MAOA - liên quan đến chức năng kiểm soát cảm xúc nóng nảy hay bực bội.
Có những người mang gen với biểu hiện chức năng thấp thường có khả năng kiểm soát cảm xúc kém, trong khi đó 1 số người có gen này biểu hiện chức năng cao hơn thì khả năng kiểm soát của họ tốt hơn. Gen này có thể di chuyển giữa các thế hệ. Thường gặp ở bé trai, và có khoảng 30% bé trai có gen có biểu hiện chức năng thấp hay gọi là gen "nóng nảy".
Nhưng, nó không phải là tất cả. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy: môi trường trẻ bắt đầu phát triển bao gồm cách giáo dục, lối sống của cha mẹ, thậm chí từ sớm như lúc mang thai là có thể quyết định liệu trẻ có kiểm soát cảm xúc tốt hay không.
Điều này có nghĩa là gì? Nếu gia đình có ai đó có tính nóng nảy, trẻ có thể bị di truyền 1 phần từ họ, nhưng chính môi trường sống và tồn tại lại giúp trẻ hình thành kỹ năng để kiểm soát cảm xúc, dù trẻ có thuộc mẫu người dễ nóng nảy.
Thậm chí dù biết trẻ có mang gen "nóng nảy", nếu cha mẹ có cách giáo dục và tương tác đúng vẫn giúp trẻ phát huy được thế mạnh của gen này nghĩa là giảm bớt tính nỏng nảy và giảm bớt các nguy cơ liên quan.
Nóng nảy hay bộc chột là cử xử không hay vì nó có thể dẫn đến những kết quả không mong đợi, thậm chí là gây hại.
Ngoài gen, còn nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ có tính nóng nảy
Chỉ 1 phần sự nóng nảy hay bực bội có liên quan đến gen di truyền. Phần lớn hơn còn lại có thể là do:
1. Sự thiếu ngôn ngữ để diễn đạt cảm xúc của bản thân nếu trẻ nhỏ hơn 5 tuổi.
2. Sự thường xuyên chứng kiến tranh cãi của bố mẹ trong sinh hoạt hằng ngày.
3. Cách nói chuyện kiểu hổ báo trong giáo dục trẻ của người lớn.
Cách giáo dục tích cực giúp trẻ ít nóng nảy
1. Dù trẻ có gen nóng nảy hay không, hãy giúp con học cách tự giải quyết vấn đề là cách giáo dục hiệu quả để trẻ tự kiểm soát cảm xúc bản thân. Khi con gặp khó khăn trong một vấn đề gì, cứ để trẻ làm, bố mẹ chỉ hướng dẫn. Trẻ có thể tự bực tức bản thân ngay lúc đó, nhưng không có cớ truyền cảm xúc cho người khác. Khi con nhận ra cảm xúc này, trẻ bắt đầu học cách vượt qua nó.
Rất nhiều cha mẹ thấy trẻ khó khăn và bực tức khi làm điều gì, họ thường làm thay hay bắt trẻ làm theo ý họ, thì lúc này trẻ bắt đầu chuyển vấn đề cho cha mẹ, hơn là nhận ra cảm xúc và vấn đề của mình. Trẻ vẫn mắc kẹt ở đó đến khi trẻ có thể tự làm nó.
2. Khi trẻ quát tháo hay tức giận một điều gì, nếu điều đó đang làm cùng bạn thì bạn kết thúc công việc đó, không tranh cãi và chỉ nói rằng: "chúng ta sẽ làm khi con bình tĩnh hơn".
3. Không nên dùng kiểu hổ báo để giao tiếp với con dù bạn đang tức giận. Khi tức giận, bạn chỉ nên im lặng và tập trung vào hơi thở hơn là nói hay làm điều gì.
4. Sống trong gia đình, không thể tránh những xung đột vợ chồng. Bí quyết để giải quyết xung đột là "kẻ nói, người im lặng". Im lặng không thể hiện sự yếu kém, mà là thể hiện sự văn minh của bạn vì bạn chỉ nói với người muốn nghe. Đó là lối hành xử văn minh!
5. Dạy trẻ ngôn ngữ và từ để thể hiện cảm xúc của mình khi con bắt đầu hiểu ý nghĩa của các cử chỉ thông dụng. Điều này có thể làm khi trẻ khoảng 18 tháng tuổi.
Vài nét về tác giả:
Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".
Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.
* Bài viết có tham khảo các tài liệu sau:
Rose McDermott R, et al. 2009 Monoamine oxidase A gene (MAOA) predicts behavioral aggression following provocation. Proc Natl Acad Sci U S A.;106(7):2118-2123.
Denson, T. (2014) Temper trap: the genetics of aggression and self-control. The Conversation.
GiangC