(Tổ Quốc) - Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, hệ THCS trong những trường này không phải là chuyên, mà chuyên chỉ có ở hệ THPT.
Trường THCS Hà Nội - Amsterdam và Trần Đại Nghĩa không phải trường chuyên
Tại họp báo thường kỳ quý II năm 2020 của Bộ GD-ĐT diễn ra ngày 30/6, ông Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT) cho hay: "Luật Giáo dục đã quy định rất rõ trường chuyên là những trường được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước".
Như vậy, trường THPT chuyên là loại trường THPT không có hệ THCS. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam vẫn có 2 trường chuyên có hệ THCS là Trần Đại Nghĩa và Hà Nội – Amsterdam.
Về trường hợp này, ông Thành nhấn mạnh: “Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) ngay từ khi thành lập đã có hệ THCS, hay Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng đã có hệ THCS từ nhiều năm. Chúng tôi xin khẳng định hệ THCS trong những trường này không phải là chuyên, mà chuyên chỉ có ở hệ THPT.
Tới đây chúng ta cũng sẽ đánh giá một cách rõ ràng để xem vai trò đóng góp của hệ THCS trong các trường chuyên này ra sao. Tuy nhiên, qua theo dõi chúng tôi thấy số các học sinh học hệ THCS này thì khi thi vào hệ chuyên của THPT có một tỷ lệ trúng rất cao”.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường THPT chuyên trước hết phải là một trường THPT và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Vì là trường chuyên nên được đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất, hay đội ngũ giáo viên là những người có năng lực trội hơn so với các giáo viên khác. Cũng vì thế mà chất lượng giáo dục đại trà trong các trường THPT chuyên cũng đạt được chất lượng cao, từ đó mới nói đến chất lượng giáo dục mũi nhọn.
"Như vậy, để đánh giá chất lượng trường chuyên, trước hết chúng ta cũng phải đánh giá ở chất lượng giáo dục đại trà, chứ không chỉ số được chọn đi thi quốc gia, quốc tế”, ông Thành cho hay.
Khó có thể xã hội hóa trường chuyên
Trước thông tin về việc có nên "bán" trường chuyên đang được mọi người quan tâm, ông Thành cho rằng: "Khó có thể xã hội hóa trường chuyên, bởi đây là mô hình của nhà nước đầu tư để bồi dưỡng tài năng, hỗ trợ những nhóm thiết yếu, để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước".
Về đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020, ông Thành cho biết, Bộ GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai tổng kết Đề án này.
"Trong năm nay, theo lộ trình tổng kết đề án 959, Bộ sẽ yêu cầu các địa phương báo cáo về tình hình phát triển các trường chuyên, bao gồm quá trình phát triển trường chuyên, thống kê những thành tích và bất cập. Bộ GD-ĐT giao Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức nhóm khảo sát bài bản để đánh giá sự phát triển của hệ thống trường chuyên".
Minh Hà