(Tổ Quốc) - Sau nhiều tiếng gõ cửa mà "ông bố" vẫn cố thủ trong nhà WC, lực lượng chức năng đã quyết định phá cửa.
Mới đây, một cư dân mạng Trung Quốc họ Tăng đã kể lại câu chuyện tận mắt chứng kiến trên tàu. Theo đó có 2 bố con tình cờ ngồi cạnh anh Tăng. Suốt cả dọc đường đi, đứa bé thường xuyên khóc thét, giãy giụa còn ông bố thì dỗ con một cách vụng về. Khi đứa trẻ kêu đây không phải bố cháu, người đàn ông liền quay sang nhìn mọi người với ánh mắt ái ngại và giải thích con mình đang giận dỗi và quấy phá.
Đến khi con khóc to quá, ông bố đành phải bế con vào nhà vệ sinh để giữ trật tự và cho con bình tĩnh lại. Tuy nhiên cả hai bố con đi đến hơn 20 phút mà không thấy quay lại. Nghĩ đến việc đứa trẻ liên tục khóc, kêu đó không phải bố mình, nhiều hành khách liền sinh nghi và quyết định báo cảnh sát.
Ngay ở trạm tiếp theo, cảnh sát đã ập lên tàu. Sau nhiều tiếng gõ cửa mà "ông bố" vẫn cố thủ trong nhà WC, lực lượng chức năng đã quyết định phá cửa. Đúng như nghi vấn của mọi người, đó không phải hai bố con mà là một kẻ bắt cóc và bé gái đi lạc.
Khi thấy bé gái kêu gào, sợ người xung quanh phát hiện nên tên bắt cóc bế bé vào nhà WC, định đợi đồng bọn đến đưa đi. May mắn thay hành khách đã nghi ngờ và kịp trình báo cảnh sát.
Câu chuyện sau đó khiến nhiều bậc phụ huynh tại Trung Quốc lo sợ trước những mánh khóe, thủ đoạn ngày một táo tợn của bọn buôn người. Để bảo vệ an toàn cho con, bố mẹ cần dạy con thật tốt các kỹ năng an toàn ngay từ nhỏ. Bên cạnh đó, chính bố mẹ cũng phải cẩn thận.
Thực tế, những trường hợp trẻ bị bắt cóc đa số đều có chung một đặc điểm là trẻ tách riêng khỏi người thân để chơi. Chính vì vậy, kỹ năng đầu tiên mà phụ huynh nên dạy con là không đi ra ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ đồng thời giúp trẻ ghi nhớ địa chỉ nhà và số điện thoại của người thân.
Trẻ cũng cần được bày cách nhận biết “những người lạ có thể tin tưởng”, gồm: Thầy cô giáo, chú công an, bác bảo vệ cơ quan… để khi gặp tình huống nguy hiểm có thể trông cậy, nhờ vả.
Ngoài ra, cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, đi theo hoặc nhận đồ vật của người lạ mặt. Nếu có ai đó trẻ không quen nhưng lân la tiếp cận, hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho cha mẹ.
Dạy trẻ hét, gào khóc thật to để gây sự chú ý và tìm kiếm sự cầu cứu khi bị người lạ kéo đi. Những cụm từ mà trẻ nên hét lên là: "Bắt cóc", "cứu cháu với"... Đồng thời, trẻ hãy cắn, đá, cào, cấu vào kẻ đó rồi vùng mạnh và bỏ chạy.
Thỉnh thoảng bố mẹ cần phải xây dựng các tình huống giả định tốt – xấu, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để hình thành cho trẻ những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc.
Thanh Hương